Thách thức trong chuyển đổi số giáo dục

Có thể nói, do đã được "diễn tập" từ năm 2020, nên sang năm 2021, việc triển khai dạy học trực tuyến ở các cấp học có thuận lợi hơn. Tuy nhiên, dù Bộ Giáo dục và Đào tạo đã linh hoạt trong việc chuyển trạng thái "thời dịch", song cũng vẫn bộc lộ những lúng túng trong việc triển khai chuyển đổi số trong giáo dục.

Nhóm học sinh lớp 1 chịu tác động nhiều nhất khi phải học trực tuyến do ảnh hưởng của dịch. Ảnh: Thanh Trúc
Nhóm học sinh lớp 1 chịu tác động nhiều nhất khi phải học trực tuyến do ảnh hưởng của dịch. Ảnh: Thanh Trúc

Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ giữa năm ngoái. Theo đó, giáo dục-đào tạo là một trong tám lĩnh vực được ưu tiên hàng đầu trong triển khai thực hiện. Chuyển đổi số có ảnh hưởng và tác động vô cùng lớn đối với giáo dục-đào tạo, dựa trên công nghệ số việc dạy-học sẽ được triển khai một cách khoa học hơn, hiệu quả hơn. Các hoạt động dạy-học không chỉ bó hẹp ở không gian lớp học truyền thống mà có thể học mọi lúc, mọi nơi qua môi trường số.

Tuy nhiên, sang năm 2021, dịch Covid-19 kéo dài và ngày càng diễn biến phức tạp, nhiều địa phương trên cả nước đã không thể cho học sinh tới trường. Và những bất cập của việc học trực tuyến khi hạ tầng công nghệ thông tin còn thiếu đồng bộ cũng bộc lộ rõ, nhất là ở những vùng khó khăn. Theo số liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tạm thống kê đến cuối quý III/2021, trong số khoảng 7,35 triệu học sinh đang học trực tuyến tại 26 tỉnh, thành phố có tới 1,5 triệu em không có thiết bị học trực tuyến. Với 2.000 điểm lõm sóng internet, nhiều địa phương đã không dám đăng ký nhận hỗ trợ máy tính vì khó triển khai học trực tuyến.

Thông tư số 09/2021/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành hồi đầu năm, quy định về quản lý và dạy học trực tuyến, trong đó có nội dung kiểm tra, đánh giá trong dạy học trực tuyến giúp các trường chủ động áp dụng hình thức kiểm tra trực tuyến phù hợp. Nhiều giải pháp kỹ thuật cũng được đưa ra như: Học sinh được quy định ngồi trước máy tính, quay camera góc rộng, suốt quá trình thi phải bật hệ thống loa, bảo đảm các em làm bài thi một mình. Bài thi trắc nghiệm do phần mềm chấm; bài thi tự luận dùng nhiều đề, học sinh làm ra giấy, hết giờ chụp ảnh nộp bài. Tuy nhiên, ở những vùng khó khăn, hoạt động thi trực tuyến là bất khả thi.

Dù sao thì những khó khăn, sự thiếu đồng bộ về cơ sở vật chất giữa các vùng miền chỉ là câu chuyện tạm thời. Điều băn khoăn của không ít chuyên gia sư phạm là vấn đề nghiệp vụ dạy và học. Chúng ta đã đi gần hết năm thứ hai của "bình thường mới", nhưng dường như những gì thể hiện vẫn chỉ là "chạy theo" con virus nhỏ bé kia. Chẳng hạn, chương trình học được ngành giáo dục hướng dẫn giảm tải, chủ yếu vẫn theo cách cắt giảm cơ học. Trong khi, phương pháp dạy-học giữa học trực tiếp trên lớp và học online (trực tuyến) là rất khác nhau. Tốc độ đáp ứng, xoay xở của ngành giáo dục chưa thật sự như kỳ vọng, nhất là ở cấp học mầm non và tiểu học. Với các em nhỏ, chương trình giáo dục cần điều chỉnh làm sao giảm tải, để học sinh được chơi nhiều hơn và học thật vui. Thêm nữa, ở bậc học phổ thông, chúng ta không nên là cố dạy cho đủ, mà cần tìm ra phương pháp giảm tải, dạy cho sâu, hướng dẫn kỹ năng tự học.

Vẫn biết, đổi mới giáo dục nói chung, chuyển đổi số trong giáo dục nói riêng không phải là công việc một sớm một chiều; song, lúc này, nếu chúng ta tận dụng thời cơ, kiên trì mục tiêu thì bối cảnh Covid-19 với đầy rẫy khó khăn vẫn có thể là cơ hội, như "cú huých" làm thay đổi tư duy giáo dục, tư duy quản trị và cả phương thức dạy và học, sớm tìm ra hướng giải quyết những vấn đề mang tính bền vững.

Dịch Covid-19 đang cho thấy những lỗ hổng mà ngành giáo dục cần sớm phải tìm cách lấp đầy. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam thúc đẩy chuyển đổi số nhanh, hiệu quả. Không có một công thức riêng cho quá trình này, nhưng nếu căn cứ các quy định hiện hành, đồng thời phát huy tính chủ động sáng tạo từ chính các thầy, cô giáo, từ nhà trường, hướng đến bảo đảm hiệu quả giáo dục, thì cơ hội tiếp cận giáo dục bình đẳng cho mọi đối tượng người học, kể cả học sinh nghèo và khuyết tật, để không ai bị bỏ lại phía sau sẽ rất khả thi.

Nhìn tới tương lai, ông Nguyễn Sơn Hải-Cục trưởng Công nghệ thông tin (Bộ Giáo dục và Đào tạo) đề cập việc Bộ chủ trì xây dựng dự thảo Đề án "Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục-đào tạo giai đoạn 2021-2025". Theo đó, đây là giai đoạn tập trung hoàn thiện cơ chế chính sách, đổi mới quản trị, quản lý nhà nước về giáo dục; phát triển hệ sinh thái chuyển đổi số, phát triển nhân lực số. Đồng thời phát triển kho học liệu số, phát triển tư duy lập trình, triển khai các chương trình về khoa học máy tính phù hợp, nâng cao năng lực số cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhân viên, người học bảo đảm môi trường số để quản lý và làm việc hiệu quả.