Thúc đẩy chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt

Ngay sau khi Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành Công văn số 61/UBND-KSTTHC ngày 7/1/2024 về việc mở đợt cao điểm, vận động, khuyến khích người dân thuộc diện được hưởng chính sách an sinh xã hội (ASXH) thực hiện đăng ký tài khoản để chi trả hỗ trợ không dùng tiền mặt, Công an thành phố, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố đã nhanh chóng triển khai các biện pháp hỗ trợ những người hưởng ASXH mở tài khoản ngân hàng.
0:00 / 0:00
0:00

Tại quận Hoàn Kiếm, đến hết ngày 14/1, lực lượng chức năng đã hoàn thành việc mở tài khoản, cấp thẻ ngân hàng cho 100% các đối tượng chính sách trên địa bàn. Để có thể thực hiện với tốc độ nhanh chóng như vậy, Ủy ban nhân dân quận đã chỉ đạo 18 phường trên địa bàn khẩn trương rà soát, phân loại đối tượng. Không ít trường hợp hưởng ASXH là người già, đau yếu, được cán bộ đến tận gia đình, hoặc bệnh viện đang điều trị để mở tài khoản, cấp thẻ ngân hàng. Hầu hết các quận, huyện, thị xã đều làm việc cả ngày thứ bảy và chủ nhật.

Tại quận Long Biên, trước khi thành phố ban hành chỉ đạo, quận có 179 trường hợp nhận trợ cấp ASXH không dùng tiền mặt, nhưng đến nay, nhiều phường đã đạt tỷ lệ 100%. Một số người cao tuổi “ngại” dùng thẻ ngân hàng, được cán bộ Hội Người cao tuổi, Hội Phụ nữ đến tận nhà phân tích, vận động. Sau khi hiểu ý nghĩa của việc không dùng tiền mặt, các cụ đều hăng hái đăng ký.

Với tiến độ hiện tại, nhiều khả năng toàn thành phố sẽ hoàn thành việc mở tài khoản cho người dân thuộc diện được hưởng chính sách ASXH đúng tiến độ đề ra trước ngày 16/1. Đây là hoạt động rất có ý nghĩa trong quá trình chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt. Bởi lẽ, phần lớn đối tượng được hưởng ASXH là người cao tuổi, người có sức khỏe kém, một số đối tượng là người có vấn đề về sức khỏe tâm thần. Đây là nhóm đối tượng dễ bị “tụt lại” trong quá trình chuyển đổi số và thanh toán không dùng tiền mặt.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cũng đã nảy sinh một số vướng mắc, một số người đã có tài khoản ngân hàng, nhưng chính quyền địa phương lại mở tài khoản mới tại một ngân hàng khác, điều này gây khó khăn cho người cao tuổi, người mắc bệnh nặng mỗi khi phải tiến hành giao dịch bằng thẻ ngân hàng. Một bất cập khác cần quan tâm là nhiều người trong số này chưa có điện thoại thông minh, cho nên không thể giao dịch qua ứng dụng, trong khi các cây ATM lại xa nhà.

Việc hằng tháng phải di chuyển để đi rút tiền cũng là điều bất cập, chưa kể nhiều cụ cao tuổi không biết sử dụng thẻ ngân hàng để thực hiện giao dịch tại cây ATM.

Bởi vậy, trong quá trình triển khai, các đơn vị cũng cần cân nhắc đến những trường hợp đặc biệt nêu trên; đồng thời, chính quyền cũng cần làm việc với các ngân hàng, tăng độ phủ sóng các cây ATM, hỗ trợ những đối tượng khó khăn có điều kiện sử dụng điện thoại thông minh có phần mềm giao dịch ngân hàng. Chỉ khi có các biện pháp tổng thể, hoạt động chi trả ASXH không dùng tiền mặt mới có ý nghĩa thiết thực.