Dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, thành phố Hà Nội đã trao tặng hơn 1,77 triệu suất quà tới các đối tượng chính sách, người nghèo, người cao tuổi, cán bộ nghỉ hưu, mất sức, người lao động khó khăn với tổng kinh phí hơn 834 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vận động xã hội hóa chiếm 15,1%, số quà tặng, tăng 150,6% so với kế hoạch, kinh phí tăng 15,4% và mức quà trung bình cũng tăng 24,2% so với Tết Nhâm Dần 2022.
Với nòng cốt là Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy về "Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021-2025", năm 2022, thành phố Hà Nội đã có nhiều chế độ, chính sách thiết thực, đặc thù, góp phần nâng cao đời sống nhân dân và các đối tượng xã hội, nhất là người nghèo, đối tượng yếu thế. Trong đó, ba chỉ tiêu xã hội gồm: Giảm tỷ lệ hộ nghèo so với năm trước, giảm tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị, tăng tỷ lệ lao động (đang làm việc) qua đào tạo, đều vượt kế hoạch đề ra.
Năm 2022, thành phố xây dựng kế hoạch giảm 20% số hộ nghèo so với đầu năm (tương đương giảm 723 hộ nghèo); giảm 10% số hộ cận nghèo (tương đương giảm 3.018 hộ cận nghèo). Với sự vào cuộc tích cực từ thành phố tới cơ sở, đến hết năm 2022, Hà Nội giảm được 1.582 hộ nghèo, đạt 218,8% kế hoạch. Cuối năm 2022, thành phố còn 2.134 hộ nghèo, chiếm 0,095% và còn 22.263 hộ cận nghèo, chiếm 1% tổng số hộ dân toàn thành phố. Ðáng chú ý, có 11 quận và 5 huyện gồm: Ðông Anh, Gia Lâm, Hoài Ðức, Ðan Phượng và Thanh Trì không còn hộ nghèo.
Theo Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Hoàng Thành Thái, để thực hiện mục tiêu giải quyết việc làm cho 160 nghìn lao động, giảm tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị xuống dưới 4%, tỷ lệ lao động đang làm việc đã qua đào tạo đạt 72,2%, năm qua, thành phố đã quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, ban hành nhiều cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, từng bước phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ người lao động tìm kiếm việc làm, nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế. Ðặc biệt, thành phố đã thực hiện các giải pháp phát triển thị trường lao động đồng bộ từ thành phố đến các quận, huyện, thị xã theo hướng hiện đại, tạo thuận lợi trong việc kết nối cung-cầu lao động của Hà Nội với các tỉnh, thành phố trong Vùng Thủ đô và các địa phương khác trên cả nước. Nhờ đó, năm 2022, Hà Nội đã giải quyết việc làm cho 203 nghìn lao động, đạt 126,9% kế hoạch; đã tuyển sinh và đào tạo cho 251.500 lượt người, đạt 112% kế hoạch, chiếm 10,3% tổng số lao động được tuyển sinh và đào tạo chung của cả nước.
Về công tác đền ơn đáp nghĩa, thành phố đã vận động được 46,453 tỷ đồng cho Quỹ Ðền ơn đáp nghĩa, đạt 200,2% kế hoạch; tặng 6.208 sổ tiết kiệm tình nghĩa với kinh phí 9,6 tỷ đồng, đạt 205,5% kế hoạch; tu sửa, nâng cấp 143 công trình ghi công liệt sĩ với kinh phí hơn 99,8 tỷ đồng, đạt 190,7% kế hoạch; vận động xã hội hóa tu sửa, nâng cấp 373 căn nhà ở cho người có công với cách mạng, kinh phí hơn 14,3 tỷ đồng, đạt 173,5% kế hoạch.
Năm 2023, thành phố Hà Nội phấn đấu giảm 30% số hộ nghèo so với đầu năm (tương đương giảm 642 hộ nghèo). Trên cơ sở phát huy những kết quả đã đạt được, Hà Nội sẽ tiếp tục dành các nguồn lực nhằm giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội cho mọi người dân; trong đó, chú trọng quan tâm các đối tượng yếu thế, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng xa trung tâm. Ðáng lưu ý, thành phố sẽ thực hiện chính sách giảm nghèo theo hướng phát huy nội lực vươn lên thoát nghèo của người dân và cộng đồng. Theo đó, các địa phương xây dựng kế hoạch giảm nghèo gắn liền với chương trình phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng nông thôn mới, tạo điều kiện cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi để sản xuất, chăn nuôi, tự tạo việc làm. Ở khu vực đô thị, cận đô thị, các quận, huyện, thị xã sẽ tiếp tục duy trì, nhân rộng những mô hình giảm nghèo hiệu quả; các mô hình hợp tác, liên kết giữa các hộ nghèo với doanh nghiệp trong sản xuất, bao tiêu sản phẩm, thu hút lao động vào làm việc ổn định trong các doanh nghiệp.
Song song với đó, Hà Nội sẽ tiếp tục đổi mới, tạo chuyển biến mạnh mẽ về giải quyết việc làm, nâng cao chất lượng của giáo dục nghề nghiệp, nhất là đào tạo nhân lực chất lượng cao. Thành phố cũng sẽ thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội; tạo điều kiện để các đối tượng yếu thế tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản như việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, thông tin, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm mọi người dân có cơ hội tham gia và thụ hưởng thành quả phát triển kinh tế-xã hội.