Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho biết, từ ngày 11 đến 13/10, tại Thừa Thiên Huế có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông. Tổng lượng mưa của cả đợt phổ biến 100-200mm, có nơi trên 300mm. Mưa với cường độ lớn trong khoảng thời gian ngắn có khả năng gây ra sạt lở, trượt lở đất ở vùng đồi núi và ven các sông suối nhỏ ở các huyện A Lưới, Nam Đông, Phong Điền, Phú Lộc, thị xã Hương Trà và gây ra ngập, ngập úng cục bộ ở các đô thị, vùng thấp trũng.
Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Thừa Thiên Huế, các đợt không khí lạnh đầu mùa ở phía Bắc di chuyển xuống phía Nam nên diễn biến mưa từ ngày 14 đến 20/10 còn rất phức tạp và có khả năng kéo dài. Tại tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ xuất hiện các đợt mưa vừa và mưa lớn với xác suất trên 70%. Tổng lượng mưa trong 10 ngày tới phổ biến 300-500mm, có nơi trên 500mm. Cần đề phòng giông, lốc, gió giật mạnh trên biển, sạt lở đất ở vùng núi.
Tại huyện miền núi Nam Đông, nhiều vị trí có nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, trượt đất khi có mưa lớn kéo dài các xã Thượng Quảng, Thượng Long, Thượng Nhật... |
Đối diện với thời tiết cực đoan, các địa phương vùng biển, đồng bằng và miền núi trong tỉnh đang chủ động triển khai nhiều giải pháp phòng ngừa, ứng phó thiên tai. Đặc biệt, tại các vị trí có nguy cơ cao đến rất cao xảy ra lũ, lũ quét, lũ ống, trượt lở đất đá đồi núi, sạt lở bờ sông, bờ biển…
Cụ thể, tại huyện Phong Điền, khu vực được cảnh báo có nguy cơ cao đến rất cao xảy ra sạt, trượt lở đất đá vùng đồi, núi và sườn dốc; lũ lên nhanh gây nguy hiểm vùng thấp trũng ở các xã Phong Mỹ, Phong Xuân, Phong Sơn, Phong An, Phong Thu. Đặc biệt, đề phòng trượt lở đất đá ở các xã: Phong Mỹ, Phong Xuân, Phong Sơn, Phong An, Phong Thu. Trong đó, chú ý các điểm sạt lở nguy cơ rất cao khu vực đồi núi dọc tuyến đường 71 từ xã Phong Xuân đi đến các công trình hồ thủy điện Rào Trăng 3, Rào Trăng 4, A Lin B2, A Lin B1.
Điểm sạt lở đất đồi tại thôn Phước Tượng, xã Lộc Trì (huyện Phú Lộc) trong một trận mưa lũ. |
Tại thị xã Hương Trà, khu vực có nguy cơ cao xảy ra trượt lở đất đá là dọc tuyến Quốc lộ 49A đoạn qua các xã Bình Thành, Bình Tiến, Hương Bình; các phường Hương Vân, Hương Văn. Sạt lở bờ sông Bồ đoạn qua các phường, xã Hương Vân, Hương Văn, Tứ Hạ; mái taluy tuyến đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn. Thị xã Hương Thủy cần đề phòng nguy cơ trượt lở đất đá đồi núi thuộc các xã Dương Hòa, Phú Sơn; các triền dốc dọc tuyến tránh phía tây Quốc lộ 1 và tuyến cao tốc Cam Lộ-Túy Loan.
Tại huyện Phú Lộc được cảnh báo nguy cơ cao trượt lở đất đá đồi núi thuộc các xã Xuân Lộc, Lộc Bình, khu vực các đèo Phước Tượng, Phú Gia, Hải Vân, đường đi lên đỉnh Bạch Mã; các khu dân cư ven sườn đồi, núi thuộc thị trấn Phú Lộc và các xã Lộc Điền, Lộc Trì, Lộc Thủy, Lộc Tiến, Lộc Bình, Lộc Vĩnh; khu vực Hói Mít-Hói Dừa, thị trấn Lăng Cô.
Nhiều tuyến đường ven sông qua xã Lộc An (huyện Phú Lộc) bị sạt lở sau các trận mưa lớn. |
Đồng thời, đặc biệt chú ý 63 hộ thuộc khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất gồm 14 hộ tại núi Phú Gia, 9 hộ tại thôn Thổ Sơn (xã Lộc Tiến); 17 hộ tại hai thôn Trung Phước Tượng, Trung An (xã Lộc Trì); 11 hộ dân dọc tuyến Quốc lộ 49B đoạn qua xã Lộc Bình; 12 hộ tại thôn Bạch Thạch (xã Lộc Điền).
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh cũng cảnh báo sạt trượt mái dốc ta-luy dọc tuyến đường ra khu du lịch Laguna, sườn núi phía đông mũi Chân Mây (xã Lộc Vĩnh); đề phòng các điểm sạt lở bờ sông Truồi, sông Nước Ngọt - Bù Lu; xói lở bờ biển đoạn qua các xã Giang Hải, Vinh Mỹ, Vinh Hiền (huyện Phú Lộc).
Bờ biển xã Lộc Vĩnh (huyện Phú Lộc) thường xuyên đối mặt với nạn sạt lở vào mùa mưa. |
Tại huyện miền núi Nam Đông, được cảnh báo nguy cơ cao xảy ra trượt lở đất đá, mái ta-luy tuyến đường cao tốc La Sơn-Túy Loan, nhất là đoạn qua các xã Hương Phú, Hương Lộc, thị trấn Khe Tre. Đặc biệt, chú ý 9 vị trí có nguy cơ rất cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét, sạt trượt đất khi có mưa lớn kéo dài, ảnh hưởng trực tiếp đến các hộ dân ở các khu vực dân cư ven sườn đồi, sông suối thuộc các xã Thượng Quảng, Thượng Long, Thượng Nhật, Thượng Lộ, Hương Giang, Hương Hữu, Hương Hòa, Hương Sơn, Hương Lộc, Hương Phú, thị trấn Khe Tre.
Ở huyện A Lưới, các khu vực cần đề phòng trượt lở đất đá đồi núi, các địa bàn dân cư dọc tuyến Quốc lộ 49A qua các xã Hương Nguyên, Hồng Hạ, Phú Vinh, Sơn Thủy, Nhâm, Hồng Bắc, Hồng Thủy.... Tại các khu vực cần đề phòng trượt lở đất đá đồi núi, các địa bàn dân cư dọc tuyến quốc lộ 49A qua các xã Hương Nguyên, Hồng Hạ, Phú Vinh, Sơn Thủy…
Cấm đường 71 từ xã Phong Xuân đi đến các công trình hồ thủy điện Rào Trăng 3, Rào Trăng 4, A Lin B1,B2… |
Đặc biệt, lưu ý các điểm nguy cơ trượt lở rất cao trên tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn qua khu vực đèo Pê ke (xã Hồng Thủy), xã Hồng Kim và đoạn qua địa bàn các xã Lâm Đớt, A Roàng, Hương Nguyên vào đến khu vực giáp tỉnh Quảng Nam; khu vực sạt lở phía sau chợ Bốt Đỏ (xã Phú Vinh), các điểm xung yếu trên đèo A Co thuộc tuyến Quốc lộ 49A…
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện A Lưới, để chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại đến mức thấp nhất do thiên tai gây ra, đặc biệt là bão, áp thấp nhiệt đới, lốc xoáy, mưa lũ, sạt lở đất, chính quyền xác định từng vùng trọng điểm nhằm chủ động công tác ứng phó và triển khai lực lượng khi có sự cố thiên tai và làm tốt công tác “5 tại chỗ”.
Tuyến Quốc lộ 49A đi qua vùng đồi núi thị xã Hương Trà và huyện A Lưới thường xảy ra sạt lở, trượt mái ta-luy dương khi có mưa lớn. |
Tại huyện đồng bằng và vùng ven biển Phú Vang, đề phòng xói lở bờ biển đoạn qua các xã: Phú Thuận, Phú Hải, Phú Diên, đặc biệt là khu vực có nguy cơ rất cao tiếp tục xảy ra sạt lở bờ biển thuộc xã Phú Thuận… Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Phú Thuận Đặng Tiến Tùy, là một xã ven biển có chiều dài bờ biển là 5,2km, mật độ dân số sống dọc theo phá Tam Giang và bờ biển khá đông. Những năm gần đây, tình trạng xâm thực biển ngày càng lớn, hàng năm biển ăn sâu vào đất liền từ 3-5m. Từ 2020 đến nay, tình hình thiên tai bão lụt diễn biến hết sức phức tạp, đe dọa tính mạng tài sản của nhân dân, nhất là sạt lở toàn tuyến ven biển của xã.
Tại huyện miền núi A Lưới thường xuyên xảy ra sạt lở đất đá đồi núi, các địa bàn dân cư. |
“Phú Thuận đã chú trọng phân công lực lượng dân quân, công an viên, bố trí phương tiện sẵn sàng ứng cứu ở các vùng xung yếu, đề phòng nước biển dâng cao, đặc biệt chú ý những nơi có nguy cơ sạt lở như ven phá, ven biển như thôn Tân An, Xuân an, An Dương 1 và vùng thấp trũng ở Cồn Sơn, thôn Tân An, khu tái định cư thôn Xuân An để có phương án di dời dân đến nơi an toàn…”, ông Đặng Tiến Tùy cho biết.
Ngay tại thành phố Huế cũng chú ý sạt trượt sườn đồi dốc trên địa bàn các phường Hương Thọ, Thủy Bằng, An Tây; sạt lở bờ sông Hương đoạn qua các xã, phường: Hương Thọ, Hương Hồ. Đặc biệt lưu ý điểm nguy cơ sạt trượt rất cao ở điện Huệ Nam (điện Hòn Chén) thôn Hải Cát, xã Hương Thọ. Đề phòng sạt lở bờ biển khu vực xã Hải Dương, phường Thuận An…
Theo Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế, đến tối ngày 12 và sáng 13/10, các xã lưu vực sông Ô Lâu, huyện Phong Điền và vùng thấp trũng ở huyện Quảng Điền vẫn còn bị ngập cục bộ. Một số tuyến đường nước ngập nên việc giao thông đi lại gặp nhiều khó khăn, lực lượng chức năng đã cắm biển cảnh báo nguy hiểm.
Huyện Quảng Điền đề phòng sạt lở bờ sông Bồ qua các xã Quảng Phú, Quảng Thọ… |
Để chủ động ứng phó với mưa lớn gây ngập úng cục bộ ở vùng trũng, khu đô thị, sạt lở đất vùng núi, vùng gò đồi, ven biển…, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện, thị xã và thành phố Huế; các Sở, ban ngành, đơn vị trong tỉnh tiếp tục theo dõi chặt chẽ bản tin dự báo, cảnh báo về mưa lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, thông tin kịp thời, đầy đủ đến các cấp chính quyền, người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó, giảm thiểu thiệt hại.
Triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt sâu, lũ quét, sạt lở đất; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra mưa lớn.
Lực lượng chức năng huyện Quảng Điền bố trí các tổ công tác tăng cường chốt chặn tại các tuyến đường ngập lũ, không cho người dân qua lại, tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra. |
Kiểm tra, rà soát, triển khai phương án vận hành và đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
Thừa Thiên Huế cũng đã chỉ đạo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Chi cục Thuỷ sản, Đài Thông tin duyên hải Huế đã thường xuyên thông báo cho chủ tàu và thuyền trưởng các phương tiện tàu, thuyền biết về diễn biến gió mạnh trên biển để chủ động phòng tránh và có kế hoạch sản xuất phù hợp đảm bảo an toàn về người và tài sản.
Hiện các hồ thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đang vận hành đảm bảo an toàn, dự báo mưa lớn còn kéo dài từ nay đến 20/10. |
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh sẵn sàng phương tiện, lực lượng ứng phó mưa lớn, nguy cơ ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất. Các địa phương rà soát phương án sơ tán dân vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở ở vùng núi, vùng gò đồi, ven sông suối, cửa sông, ven biển, các công trình đang thi công, các vùng thấp trũng, ngập úng để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân và nhà nước.
Tỉnh Thừa Thiên Huế đã yêu cầu các chủ hồ đập khẩn trương hoàn thành công tác duy tu, bảo dưỡng, tu sửa, gia cố công trình. Tổ chức dự trữ vật tư, trang thiết bị phương tiện, nhân lực, hậu cần tại chỗ đảm bảo tuyệt đối an toàn hồ đập trong mọi tình huống. Chủ hồ chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo dẫn đến sự cố công trình, gây thiệt hại nghiêm trọng về tính mạng và tài sản của nhân dân.