Thừa Thiên Huế hướng đến nông thôn hiện đại, thông minh

Nông thôn Thừa Thiên Huế từng bước khởi sắc và có được diện mạo từ việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, định hướng đến 2045.
0:00 / 0:00
0:00
Xã Quảng Thọ, huyện Quảng Ðiền được tỉnh Thừa Thiên Huế chọn triển khai mô hình xã nông thôn mới thông minh.
Xã Quảng Thọ, huyện Quảng Ðiền được tỉnh Thừa Thiên Huế chọn triển khai mô hình xã nông thôn mới thông minh.

Đưa công nghệ vào nông thôn mới

Quảng Thọ (huyện Quảng Ðiền) là một trong hai xã được tỉnh Thừa Thiên Huế chọn triển khai xây dựng xã thông minh-mô hình ứng dụng công nghệ thông tin để quảng bá, thúc đẩy kinh tế-xã hội. Dựa vào định hướng phát triển cũng như những lợi thế, mức độ sẵn sàng về ứng dụng công nghệ thông tin của địa phương, mô hình xây dựng xã thông minh với mục tiêu: Hoàn thiện chính quyền điện tử, hướng đến xây dựng chính quyền số, xã hội số và kinh tế số.

Chủ tịch UBND xã Quảng Thọ Hoàng Công Phong cho biết, để hỗ trợ người dân trong quá trình chuyển đổi số, huyện đầu tư cho xã phòng quản lý điều hành thông minh, bảy điểm phát wifi miễn phí ở tám thôn (có hai thôn dùng chung); xã lắp đặt 14 camera an ninh để giám sát trên các trục chính tỉnh lộ, huyện lộ, liên thôn và các cơ quan, trường học; phối hợp làm thẻ thanh toán không tiền mặt cho đội ngũ cán bộ chủ chốt xã, thôn và thời gian tới, người dân có thể sử dụng điện thoại thông minh thanh toán mọi dịch vụ hóa đơn qua tài khoản. Thực tế nhiều năm liền, Quảng Thọ đi đầu trong ứng dụng công nghệ thông tin khối xã, thị trấn của huyện Quảng Ðiền. Ðây là nền tảng quan trọng để xã thí điểm thành công xây dựng xã thông minh của tỉnh.

Cùng với Quảng Thọ, xã Vinh Hưng (huyện Phú Lộc) được UBND tỉnh chọn xây dựng triển khai thí điểm mô hình “xã thông minh”. Vinh Hưng được huyện cung cấp trang thiết bị, chuyển giao khoa học-công nghệ, áp dụng hiệu quả 5 phần mềm dùng chung vào hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền. Tất cả các văn bản được ký số và luân chuyển trên môi trường mạng, góp phần xử lý nhanh chóng, tiết kiệm thời gian, kiểm soát công việc và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành; 100% số trung tâm hành chính được số hóa và 100% số cán bộ, công chức, viên chức được trang bị máy vi tính và tương tác công vụ qua môi trường mạng.

Thực hiện đề án xã thông minh, Vinh Hưng đã hoàn thành chính quyền điện tử cấp xã, xây dựng xã hội số và kinh tế số. Hướng tới hoàn thành chính quyền điện tử, xã đang tập trung thực hiện nâng cấp hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin; trong đó, xây dựng điểm truy cập tập trung tại trụ sở UBND xã, xây dựng một số điểm phát wifi miễn phí cho người dân; cử cán bộ, công chức tham gia các lớp đào tạo, bổ sung chuyên môn về CNTT cho xã thông minh. Ðồng thời, xã hoàn thiện hệ thống quản lý văn bản và điều hành cấp xã, hệ thống hội nghị trực tuyến, chương trình truyền thanh thông minh; tổ chức thực hiện các giải pháp, ứng dụng dịch vụ tương tác chính quyền với người dân, triển khai hệ thống báo cáo số từ xã đến huyện và tỉnh...

Chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ vào hoạt động sản xuất, kinh doanh được ngành nông nghiệp, nhiều hợp tác xã trên địa bàn triển khai từ một vài năm trở lại đây, như Thủy Thanh 2, Phú Hồ, Phú Thanh, An Lỗ… đưa giống lúa mới chất lượng cao vào gieo cấy trên cánh đồng lớn, theo hướng hữu cơ, an toàn. Rau quả sạch, hữu cơ, VietGAP tại các huyện Quảng Ðiền, A Lưới… được canh tác bằng phương thức, công nghệ mới, tiên tiến.

Diện mạo nông thôn mới

Quảng Ðiền là huyện đầu tiên của Thừa Thiên Huế đạt chuẩn nông thôn mới. Ðến năm 2020, huyện có 10/10 xã đạt chuẩn nông thôn mới; huyện đạt 9/9 tiêu chí huyện nông thôn mới, tỷ lệ hộ nghèo giảm dưới 5%; 100% số xã bãi ngang thoát khỏi danh sách xã đặc biệt khó khăn vùng ven biển và hải đảo; cơ cấu giá trị sản xuất chuyển dịch đúng hướng. Thu nhập bình quân đầu người ước đạt 38 triệu đồng/năm. Bộ mặt nông thôn mới của huyện từng bước khởi sắc, sạch đẹp, khang trang; hệ thống kết cấu hạ tầng, kinh tế-xã hội phát triển; nhiều thiết chế văn hóa được đầu tư khá đồng bộ; chất lượng giáo dục đào tạo được nâng cao, an sinh xã hội được thực hiện tốt.

Bí thư Huyện ủy Quảng Ðiền Trần Quốc Thắng cho biết: Huyện tập trung hai chương trình trọng điểm: Nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới gắn với đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp và đẩy mạnh ứng dụng khoa học-công nghệ vào sản xuất và chương trình phát triển dịch vụ du lịch. Huyện cũng đẩy mạnh các mô hình sản xuất theo hướng chất lượng, nhằm tạo ra sự đa dạng hóa sản phẩm gắn với việc khai thác, giữ gìn các giá trị văn hóa của địa phương; qua đó, ngày càng nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân cũng như chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới của huyện. Ðó là tiền đề, cơ sở để xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao trong gian đoạn tiếp theo. Việc Quảng Ðiền đang từng ngày khởi sắc minh chứng cho những chủ trương đúng đắn và cách làm phù hợp, hiệu quả của cấp ủy, chính quyền các cấp.

Ðến nay, Thừa Thiên Huế có 67/94 xã hoàn thành 19/19 tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 71,3%; có hai đơn vị cấp huyện (thị xã Hương Thủy và huyện Quảng Ðiền) được công nhận nông thôn mới. Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thừa Thiên Huế Nguyễn Ðình Ðức, nông nghiệp tuy có tăng trưởng nhưng thiếu bền vững, khả năng cạnh tranh thấp, công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch chưa phát triển, nhiều sản phẩm chưa có thương hiệu.

Ðặc biệt, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn còn quá ít. Trước thực trạng đó, chuyển đổi số được xem là giải pháp để khắc phục những khó khăn, bất cập, hướng đến mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện, sinh thái có hiệu quả cao, hướng đến nông thôn hiện đại, thông minh.

Thừa Thiên Huế xác định mục tiêu “Ðến năm 2030, hoàn thiện mô hình chính quyền số, xã hội số” theo tinh thần Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị. Theo đó, việc chuyển đổi nhận thức bắt đầu từ vai trò quản lý các cấp đến cán bộ, người dân, doanh nghiệp, từ thành thị đến nông thôn; việc kiến tạo thể chế để bảo đảm điều kiện cho công cuộc chuyển đổi số; chú trọng nâng cấp phát triển hạ tầng, dữ liệu số… là hết sức cấp thiết.