Lâu nay nhắc đến mùa thu là người ta nhắc đến thu vàng. Nhưng thu Hà Nội còn gắn với sắc xanh. Những hàng cổ thụ xà cừ, sấu, sưa, sao đen... xanh lên bao ước vọng. Bầu trời thu cũng xanh thăm thẳm. Không gian này gợi tôi nhớ đến câu thơ của nhà thơ Lê Đạt “Thu rất em và xanh rất cao”. Hồ Gươm như dải lụa xanh mềm mại trải mình giữa lòng thành phố, mặt hồ như con mắt xanh cho chúng ta soi mình để thêm yêu tha thiết một Hà Nội nghìn năm. Thu này, đến cơn gió cũng xanh, mang cho ta sự dễ chịu và bao niềm hy vọng.
Thế nhưng, đó là cảm giác trong cái đẹp của mùa thu. Thực tế những ngày đẹp trời này, mức độ ô nhiễm của thành phố lại tăng cao. Trong vài năm gần đây, thời gian này chính là thời điểm mà Hà Nội liên tục đối mặt chỉ số đo ô nhiễm ở mức độ có hại cho sức khỏe và môi trường sống. Ngoại thành bước vào mùa gặt, người dân đốt rơm rạ gây nên khói và bụi mịn; trong nội thành thì khói thải của phương tiện giao thông, bụi của các công trình xây dựng luôn ở mức báo động. Không khí chậm lưu thông, bụi mịn và khí thải bị giữ lại gần mặt đất, làm gia tăng mức độ ô nhiễm, gây hại cho sức khỏe con người.
Bão số 3 vừa qua làm hơn 40 nghìn cây xanh gãy đổ, thật đáng tiếc! Với Hà Nội, cây xanh chính là màng lọc không khí, sự mất mát này lại thêm phần gia tăng ô nhiễm. Với mật độ dân số cao, đồng nghĩa với lượng khí thải giao thông, khí thải sinh hoạt rất lớn, Hà Nội cần phải liên tục có những giải pháp cho vấn đề ô nhiễm không khí, ô nhiễm môi trường.
Giữ gìn vẻ đẹp của Hà Nội cần đi đôi với sự bảo đảm về chất lượng cuộc sống, cụ thể ở đây là chất lượng không khí. Mỗi chúng ta có thể có một đời sống khác nhau, công việc khác nhau, nhưng không khí là thứ mà chúng ta cùng nhau hít thở. Mỗi người hãy tự ý thức hơn nữa, trách nhiệm hơn nữa bảo vệ môi trường sống vì cộng đồng, cũng là vì bản thân. Còn gì hạnh phúc hơn khi chúng ta được thưởng ngoạn những ngày thu xanh Hà Nội trong một bầu không khí trong sạch, an toàn, lành mạnh...