“Thư viện thân thiện” trong trường học

Những năm qua, thư viện trường học đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập, hình thành thói quen đọc sách cho học sinh. Để thư viện trong trường học hoạt động hiệu quả, nhiều địa phương đã áp dụng mô hình Thư viện thân thiện, phù hợp với mục tiêu phát triển năng lực, phẩm chất học sinh theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
0:00 / 0:00
0:00
Thư viện Trường tiểu học thị trấn Quất Lâm, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định. (Ảnh HÀ THU)
Thư viện Trường tiểu học thị trấn Quất Lâm, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định. (Ảnh HÀ THU)

Cô giáo Đinh Thị Lâm Thu, Hiệu trưởng Trường tiểu học thị trấn Bình Minh (huyện Kim Sơn, Ninh Bình) cho biết: Mô hình Thư viện thân thiện lấy học sinh làm trung tâm nhằm hình thành thói quen đọc sách cho các em ngay từ những ngày đầu đến trường. Đến giờ ra chơi, học sinh đã chủ động tìm đến thư viện để lựa chọn những quyển sách theo sở thích. Sau khi đọc sách tại thư viện, các em có những hoạt động mở rộng như trao đổi, cảm thụ xoay quanh chủ đề vừa đọc. Học sinh còn được mượn sách về nhà đọc.

Trưởng phòng Giáo dục mầm non-tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Tháp Ngô Thúy Anh cho biết: Hiện nay, tỉnh Đồng Tháp có 255 cơ sở giáo dục tiểu học với gần 135 nghìn học sinh. Trong đó, 73 trường tiểu học tham gia mô hình Thư viện thân thiện. Sách được trưng bày trên kệ, được phân loại theo chiều cao, trình độ của học sinh và được dán theo từng mã màu nhằm tạo ra môi trường đọc thân thiện, cuốn hút.

Ngoài ra, thư viện được bố trí các góc hoạt động khác nhau, như góc trò chơi phát triển ngôn ngữ, góc tra cứu, góc sáng tạo..., khuyến khích học sinh đọc nhiều loại sách và phát huy tính sáng tạo của các em. Mặc dù là tỉnh khó khăn nhưng ngành giáo dục tỉnh Đồng Tháp đã phát huy những ưu điểm của mô hình Thư viện thân thiện, phối hợp hoạt động thư viện với hoạt động chuyên môn để học sinh đạt được những yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Nông cho biết: Trong quá trình xây dựng, tổ chức hoạt động thư viện thân thiện tại các trường tiểu học, trách nhiệm không chỉ thuộc về nhân viên thư viện mà còn là cơ hội để các giáo viên tổ chức tiết học thư viện hiệu quả, đầu tư về giáo án, thiết kế các hoạt động phù hợp với học sinh nhất. Đó cũng là cách bồi dưỡng, học hỏi, rút kinh nghiệm để triển khai phương pháp dạy học trong thực tế, mang lại những tiết học hiệu quả.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong giai đoạn 2020-2023, mô hình Thư viện thân thiện trường tiểu học ở 10 tỉnh, thành phố như Cao Bằng, Hà Giang, Hòa Bình, Phú Yên, Quảng Ngãi, Đắk Lắk, Đắk Nông, Đồng Tháp, Tây Ninh và Cà Mau đã hoạt động hiệu quả; gần 300 nghìn quyển sách được tuyển chọn, phân loại theo trình độ đọc và cấp về các trường; gần ba nghìn giáo viên và nhân viên thư viện đã được tập huấn để triển khai hoạt động thư viện tích cực, bài bản và hơn 1,1 triệu học sinh được tiếp cận với thư viện, hoạt động tại thư viện một cách vui vẻ, thoải mái.

Đánh giá kết quả đạt được, Phó Vụ trưởng Giáo dục tiểu học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Trịnh Hoài Thu cho biết: Thư viện trường học cần được chú trọng ngay từ bậc tiểu học. Thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quan tâm, chỉ đạo sát sao đối với việc xây dựng thư viện trường tiểu học. Bộ đã xây dựng và ban hành thông tư quy định tiêu chuẩn thư viện cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông, để các địa phương có cơ sở pháp lý xây dựng và tổ chức hoạt động thư viện trường tiểu học.

Nhiều mô hình thư viện do các địa phương và các tổ chức xã hội chủ động hỗ trợ triển khai cũng phát triển mạnh mẽ. Những mô hình thư viện xanh, thư viện cộng đồng, tủ sách phụ huynh, thư viện thân thiện... đang được triển khai rộng rãi và có tác động tích cực đến việc đọc sách, phát triển ngôn ngữ và văn hóa đọc cho học sinh tiểu học. Trong đó, Thư viện thân thiện với nhiều sáng tạo, ứng dụng kỹ thuật số, công nghệ thông tin, tổ chức nhiều hoạt động tập huấn thiết thực... có tác dụng to lớn trong việc kích thích niềm đam mê đọc sách, phát triển ngôn ngữ, văn hóa đọc cho học sinh tiểu học.