Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Ba Lan họp báo sau hội đàm

NDO - Sáng 16/1 theo giờ địa phương, tại thủ đô Warsaw, Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk và Thủ tướng Phạm Minh Chính họp báo sau hội đàm chính thức.
0:00 / 0:00
0:00
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk đồng chủ trì họp báo sau hội đàm. (Ảnh: THANH GIANG)
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk đồng chủ trì họp báo sau hội đàm. (Ảnh: THANH GIANG)

Tại họp báo, Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk đánh giá mối quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống, thân tình; hai bên có cuộc thảo luận song phương rất thẳng thắn, cởi mở đồng thời cho biết, hai bên đã thảo luận liên quan tình hình địa chính trị; thảo luận mối quan hệ hữu nghị truyền thống nhân dịp kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước.

Thủ tướng Ba Lan nêu rõ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề cập những vấn đề quan trọng, những bước đi tiếp theo, đó là miễn thị thực thị nhập cảnh để du khách Ba Lan vào Việt Nam. Thủ tướng Ba Lan đánh giá cao sáng kiến này của Việt Nam.

Hai bên tiếp tục hoàn tất để phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA). Cá nhân ông luôn nỗ lực thúc đẩy quan hệ hữu nghị Việt Nam, cùng tăng cường hợp tác nhiều lĩnh vực để chuẩn mực hai nước gần nhau. Việt Nam đã gây ấn tượng mạnh cho cả thế giới về những thành quả phát triển kinh tế. Ba Lan hiểu xuất phát điểm của Việt Nam sau chiến tranh, sự chuyển đổi hệ thống kinh tế-xã hội có ý nghĩa quan trọng như thế nào đối với Việt Nam.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Ba Lan họp báo sau hội đàm ảnh 1

Quang cảnh buổi họp báo sau hội đàm. (Ảnh: THANH GIANG)

Thủ tướng Donald Tusk nêu rõ, những thành công của Việt Nam đạt được thời gian qua là rất ấn tượng; hai nước tiếp tục là đối tác quan trọng của nhau. Nhân dịp này, ông cảm ơn Thủ tướng Phạm Minh Chính luôn ủng hộ sự hợp tác giữa Ba Lan và Việt Nam; giữa EU và ASEAN. Ba Lan muốn thúc đẩy đầu tư song phương, không chỉ là những thoả thuận đã ký kết mà ông còn tin rằng, hợp tác hai bên sẽ đạt tầm cao mới trên nhiều lĩnh vực, đạt thương mại cân bằng hơn như Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhắc đến; tăng cường trao đổi thương mại theo hướng càng cân bằng càng tốt; có thêm nhiều ý tưởng nữa cho đầu tư song phương. Đầu tư của Ba Lan vào lĩnh vực công nghiệp quốc phòng sẽ luôn được hoan nghênh tại Việt Nam, đây là ngành kinh tế quan trọng trong bối cảnh hiện nay.

Thủ tướng Ba Lan cho biết ông đã từng đến Việt Nam cách đây 15 năm, được chứng kiến sự phát triển của Việt Nam; tuy hai quốc gia có nền chính trị khác nhau nhưng cảm xúc luôn gần nhau. Điều này tiếp tục được duy trì tốt đẹp trong tương lai. Thủ tướng Donald Tusk cảm ơn Thủ tướng Phạm Minh Chính đã mời ông đến thăm chính thức Việt Nam và ông rất vui mừng nhận lời mời này; mong được đến thăm Hà Nội. Thủ tướng Ba Lan cho biết ông có thể đến thăm Việt Nam ngay trong năm nay-năm kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Ba Lan họp báo sau hội đàm ảnh 2

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk tại họp báo sau hội đàm. (Ảnh: THANH GIANG)

Phát biểu ý kiến tại họp báo, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ vui mừng đến thăm Ba Lan - Đất nước của những thiên tài như Copernic, Marie Curie hay Chopin, những con người vĩ đại đã cống hiến cho nhân loại. Việt Nam không bao giờ quên tình cảm quý báu mà đất nước, nhân dân Ba Lan dành cho Việt Nam, đặc biệt trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Việt Nam cảm ơn và tự hào, trong đại dịch Covid-19, Ba Lan là nước đầu tiên đã giúp đỡ vật tư y tế để Việt Nam phòng chống đại dịch, đây là nghĩa cử hết sức cao đẹp. Điều này khẳng định dù thế giới thay đổi, dù khó khăn phức tạp thế nào thì giá trị cốt lõi, tình cảm nhân dân hai nước dành cho nhau không bao giờ thay đổi, mà ngày càng phát triển sâu sắc, toàn diện, hiệu quả hơn.

Ba Lan dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Andrzej Duda và Thủ tướng Donald Tusk đạt nhiều thành tựu phát triển kinh tế-xã hội quan trọng, vươn lên đứng thứ 20 trong các nền kinh tế thế giới, đời sống nhân dân được cải thiện... Việt Nam cũng đã đạt được thành tựu kinh tế quan trọng.

Thương mại song phương năm 2024 tăng 14% so năm trước; đầu tư của hai nước được tăng cường; quan hệ chính trị hai nước cũng được cải thiện ngày càng tốt hơn; trao đổi đoàn các cấp được thúc đẩy. Hợp tác văn hóa, thể thao, du lịch được cải thiện; quan hệ về giáo dục đào tạo, trao đổi sinh viên được tăng cường; hợp tác về an ninh quốc phòng được cải thiện; Ba Lan hỗ trợ Việt Nam các dự án đóng tàu…

Trong điều kiện thế giới còn có tác động tiêu cực ảnh hưởng phát triển chung, nhưng hai nước luôn nỗ lực tìm ra được con đường tốt nhất để đến với nhau; khẳng định giá trị cốt lõi tình cảm hữu nghị để phát triển. Việt Nam xác định ưu tiên phát triển quan hệ đối ngoại với Ba Lan là bạn bè truyền thống: thúc đẩy quan hệ chính trị, ngoại giao ngày càng phát triển; thảo luận nâng cấp lên quan hệ đối tác chiến lược thời gian tới. Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Thủ tướng đã mời Thủ tướng Ba Lan đến thăm Việt Nam. Việt Nam sẽ là cầu nối cho Ba Lan và EU để nâng tầm quan hệ đối tác chiến lược toàn diện EU-ASEAN, cầu nối cho Ba Lan tiến vào ASEAN. Việt Nam mong Ba Lan ủng hộ thông qua Hiệp định EVIPA.

Hợp tác về an ninh quốc phòng tiếp tục thúc đẩy, chuyển giao công nghệ sản xuất UAV mà Ba Lan có thế mạnh; Việt Nam đề nghị Ba Lan công nhận Cộng đồng người Việt Nam ở nước này là dân tộc thiểu số như Czech và Slovakia đã công nhận; cảm ơn đất nước, Chính phủ, nhân dân Ba Lan đã tạo điều kiện cho người Việt Nam sinh sống, học tập, thuận lợi, phát triển ở Ba Lan.

Trên tinh thần đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, Việt Nam xác định trụ cột trong quan hệ hai nước có 6 nội dung cơ bản:

Một là, tăng cường hơn nữa tin cậy chính trị, tạo cơ sở vững chắc sớm nâng quan hệ hai nước lên tầm cao mới. Hai bên tiếp tục tăng cường trao đổi đoàn các cấp; Thủ tướng Phạm Minh Chính chuyển lời mời Tổng thống Ba Lan thăm chính thức Việt Nam của Tổng Bí thư Tô Lâm và Chủ tịch nước Lương Cường; xem xét thành lập Ủy ban liên Chính phủ để điều phối quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước.

Hai là, đưa hợp tác kinh tế trở thành trụ cột của quan hệ song phương, sớm nâng kim ngạch thương mại song phương lên 5 tỷ USD thời gian tới.

Ba là, đổi mới và làm sâu sắc hơn nữa hợp tác quốc phòng - an ninh. Hai bên sẽ tăng cường hợp tác về gìn giữ hòa bình trong khuôn khổ Liên hợp quốc và công nghiệp quốc phòng; chia sẻ kinh nghiệm và phối hợp phòng chống tội phạm công nghệ cao, xuyên quốc gia; đẩy mạnh hợp tác về an ninh mạng; chuyển giao công nghệ.

Bốn là, tăng cường hợp tác giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ, nhất là trong những lĩnh vực Ba Lan có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu như công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, chuyển đổi số, an ninh mạng, địa chất, đóng tàu…

Năm là, thúc đẩy hợp tác lao động, văn hóa - thể thao - du lịch. Việt Nam miễn thị thực ngắn hạn cho công dân Ba Lan; đây là khởi đầu để tiếp tục làm tốt hơn thời gian tới; Thủ tướng cũng đề nghị Ba Lan tạo thuận lợi cấp thị thực cho du khách Việt Nam và miễn thị thực cho công dân Việt Nam mang hộ chiếu công vụ.

Sáu là, tăng cường phối hợp chặt chẽ, tham vấn và ủng hộ lẫn nhau trong các vấn đề khu vực và quốc tế tại các diễn đàn quốc tế, đa phương. Hai bên chia sẻ quan điểm về những vấn đề quốc tế và khu vực. Hai bên thống nhất hợp tác cùng nhau, cùng giải quyết mang tính cầu, toàn dân, toàn diện; kêu gọi đoàn kết quốc tế, hợp tác đa phương. Trong bối cảnh hiện nay, hai nước cần đoàn kết hơn nữa, góp phần mang lại hòa bình, hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới.