Ra sân bay đón Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam về phía Qatar có Quốc vụ khanh Ahmed bin Mohammed Al Sayed; Vụ trưởng Vụ Lễ tân, Bộ Ngoại giao Ibrahim Yousuf Abdullah Fakhro.
Về phía Việt Nam có Đại sứ Việt Nam tại Qatar Nguyễn Huy Hiệp, cán bộ, nhân viên Đại sứ quán.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân đến Thủ đô Doha. (Ảnh NHẬT BẮC/VGP) |
Trong giai đoạn 2019-2023, tổng trao đổi thương mại hai chiều bình quân đạt 400 triệu USD mỗi năm. Kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam-Qatar năm 2023 đạt 497 triệu USD (tăng 32% so với năm 2022), trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Qatar 211,6 triệu USD.
Việt Nam nhập khẩu từ Qatar chủ yếu các sản phẩm khí đốt hóa lỏng, chất dẻo nguyên liệu, hóa chất, phân u-rê… và xuất khẩu chủ yếu các mặt hàng thủy sản, dây và cáp điện, sản phẩm gỗ, sản phẩm mây tre, gốm sứ, rau quả, hàng điện tử…
Về đầu tư, hiện Qatar có 1 dự án đầu tư tại Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với tổng số vốn đăng ký 3,23 triệu USD. Theo thông tin từ phía Qatar, Quỹ Đầu tư Qatar (QIA) đang tham gia đầu tư gián tiếp (qua các Ngân hàng phát triển, Quỹ đầu tư của bên thứ 3) tại một số dự án bất động sản và công nghiệp tại Việt Nam với tổng số vốn khoảng 500 triệu USD.
Tổng Công ty Dịch vụ kỹ thuật Dầu khí (PTSC) đang triển khai một số hợp đồng cung ứng thiết bị, dịch vụ thiết kế và nhân lực cho Công ty dầu khí North Oil Company của Qatar giai đoạn 2019-2025.
Cộng đồng người Việt Nam tại Qatar chủ yếu được hình thành năm 2008 sau khi Chính phủ thực hiện chính sách xuất khẩu lao động sang các nước trong khu vực. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, số lượng người Việt tại Qatar đã giảm so với trước đây.
Hiện có khoảng 300 người Việt tại Qatar, chủ yếu là lao động phổ thông có thời hạn, làm việc cho một số dự án, còn lại số ít là gia đình các kỹ sư làm việc cho công ty của Qatar, công ty nước ngoài tại Qatar và phụ nữ kết hôn với người nước ngoài làm việc ở sở tại. Hằng năm, có 3-4 sinh viên theo học khóa tiếng Arab trong thời gian 9 tháng theo diện học bổng do Qatar cấp.
Do đặc thù cộng đồng gồm chủ yếu lao động có thời hạn, người Việt sinh sống lâu nhất ở Qatar cũng chỉ trên dưới 10 năm, chưa có ai nhập quốc tịch Qatar (do luật pháp sở tại yêu cầu phải cư trú tại Qatar từ 25 năm trở lên mới được nhập quốc tịch). Cộng đồng sống rải rác, tuy nhiên, tập trung nhiều nhất ở thủ đô Doha.
Với tiềm lực mạnh về năng lượng, tài chính, Qatar là đối tác kinh tế, đầu tư tiềm năng lớn đối với Việt Nam. Cơ quan Đầu tư Qatar (QIA) đã và đang nghiên cứu, đẩy mạnh các dự án đầu tư, nhất là trong lĩnh vực bất động sản và công nghiệp tại Việt Nam. Các lĩnh vực hợp tác khác như giáo dục, lao động thời gian qua cũng có nhiều khởi sắc…