Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp mặt đội ngũ doanh nhân Việt Nam

NDO -

Sáng 12/10, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp mặt cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp (DN) Việt Nam nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10). Cùng dự, có các Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái và Lê Văn Thành; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, 72 doanh nhân đại diện cho các thành phần kinh tế cả nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu ý kiến tại buổi gặp mặt.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu ý kiến tại buổi gặp mặt.

Phát biểu ý kiến mở đầu cuộc gặp mặt nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi lời chào trân trọng, lời thăm hỏi ân cần, lời chúc mừng nồng nhiệt nhất tới đội ngũ doanh nghiệp (DN), doanh nhân; rất mong đội ngũ các hiệp hội, DN, doanh nhân tiếp tục lớn mạnh, trưởng thành, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Thủ tướng nêu rõ, khác với những năm trước, năm nay, vừa qua, chúng ta đã chống chọi với đợt dịch Covid-19 thứ tư trên cả nước đã gây ảnh hưởng nặng nề đời sống xã hội, sản xuất, kinh doanh. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, sự vào cuộc tích cực của nhân dân, nhất là của cộng đồng DN, chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng về kinh tế - xã hội, an sinh xã hội, nhất là đã kiểm soát được dịch bệnh trên cả nước theo tiêu chí của Bộ Y tế, nhất là tại những tâm dịch như TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Long An. 

DSC_5453-1634007110320.JPG
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn T&T Đỗ Quang Hiển phát biểu ý kiến tại buổi gặp mặt.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng gửi lời tri ân tất cả các hiệp hội DN, doanh nhân; nêu rõ, buổi gặp mặt này thể hiện tình cảm nhân ngày truyền thống, tri ân, ghi nhận sự đánh giá của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với cộng đồng DN; đồng thời lắng nghe ý kiến đóng góp, chia sẻ của cộng đồng DN đối với Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, trên cơ sở đó tiếp tục có các chủ trương, chính sách, hỗ trợ hiệu quả đối với DN. Thủ tướng cũng mong rằng đội ngũ DN, doanh nhân Việt Nam ngày càng lớn mạnh, đóng góp hiệu quả vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. 

Tại buổi gặp mặt, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công bày tỏ: Cộng đồng DN, doanh nhân tin tưởng các giải pháp mà Chính phủ đã đề ra sẽ được triển khai quyết liệt, hiệu quả. Quá trình phục hồi sản xuất, kinh doanh chắc chắn mất nhiều năm, do đó, các DN mong mỏi các cơ chế, chính sách hỗ trợ ổn định và có thời hạn phù hợp; môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng minh bạch, sớm có chương trình tổng thể phục hồi kinh tế thiết kế khoa học, phù hợp, có tính khả thi cao, làm cơ sở để các địa phương, DN xây dựng cơ sở phục hồi của đơn vị mình.

Hành trình phía trước để đưa Việt Nam phát triển còn chông gai, nhiều khó khăn, thử thách, vượt qua đại dịch Covid-19, nhưng "trong nguy có cơ", cộng đồng DN, doanh nhân bày tỏ lấy dịch Covid-19 là cơ hội, là động lực để nâng cao năng lực quản trị, khả năng ứng phó với các biến động của thị trường, thực hiện chuyển đổi số, cơ cấu lại lực lượng lao động theo hướng bền vững; bày tỏ tinh thần đoàn kết, đồng lòng cùng Chính phủ vượt qua đại dịch, quyết duy trì phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh, đưa đất nước phát triển mạnh mẽ. 

DSC_5368-1634007110835.JPG
 Quang cảnh buổi mặt mặt.

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn T&T Đỗ Quang Hiển bày tỏ, cộng đồng doanh nhân Việt Nam luôn vinh dự, tự hào, nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình, luôn chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong phát triển sản xuất, kinh doanh; đồng hành cùng Chính phủ, bộ, ngành, địa phương, phát huy tinh thần "tương thân tương ái", tích cực tham gia công tác trong phòng, chống dịch Covid-19.

Các doanh nhân, DN luôn tự tin, chủ động, sáng tạo với các giải pháp phù hợp, linh hoạt, duy trì ổn định sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu thiệt hại, chăm lo cho người lao động. Với truyền thống hào hùng, sự quan tâm, động viên, khích lệ của Đảng, Nhà nước, Việt Nam có được đội ngũ DN, doanh nhân đông đảo, hùng mạnh, là động lực quan trọng phát triển kinh tế - xã hội, không ngừng nỗ lực đổi mới sáng tạo, đoàn kết học hỏi, nâng cao năng lực cạnh tranh, chuyển sang trạng thái bình thường mới với tinh thần, ý chí mạnh mẽ hơn, quyết tâm hơn, đoàn kết, sáng tạo hơn với niềm tin chiến thắng mãnh liệt...

Phát biểu ý kiến tại cuộc gặp mặt, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, cuộc gặp này diễn ra trong không khí tình cảm, ấm cúng; cùng lắng nghe, chia sẻ, tất cả vì lợi ích quốc gia, dân tộc. Nhân dịp tiến tới Ngày thành lập Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam (19/10), Ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10), Thủ tướng chúc doanh nhân nữa luôn phát triển mạnh mẽ, có nhiều đóng góp quan trọng cho sự phát triển đất nước. 

Thủ tướng trân trọng cảm ơn, tri ân đến các hiệp hội DN, doanh nhân đã luôn đồng hành, hưởng ứng cùng Đảng, Nhà nước trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN; cùng nhau xây dựng khát vọng đất nước hùng cường và thịnh vượng. Trong đợt dịch vừa qua, DN, doanh nhân đã đóng góp tích cực, kịp thời, hiệu quả cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta phòng, chống dịch Covid-19; đến nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, sự cố gắng, nỗ lực của nhân dân, cộng đồng DN, chúng ta đã kiểm soát được đợt dịch nguy hiểm với biến chủng Delta hết sức nguy hiểm. 

Thủ tướng cảm ơn đóng góp của cộng đồng DN, doanh nhân trong suốt quá trình phòng, chống dịch; cảm ơn sự động viên, tin tưởng của cộng đồng DN, doanh nhân đối với Đảng, Nhà nước, Chính phủ; điều đó lại càng thấy trách nhiệm và nghĩa vụ của Chính phủ nhiều hơn đối với đất nước, nhân dân, cộng đồng DN. Với phương châm sản xuất, kinh doanh thì DN là trung tâm, chủ thể, mọi chính sách đều hướng đến DN; DN, doanh nhân đồng hành với Đảng, Nhà nước Chính phủ để thực hiện các chính sách, phát hiện các vấn đề còn tồn đọng, vướng mắc trong chính sách để chung tay tháo gỡ, chia sẻ trên tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ". Chính phủ nhìn nhận khách quan, thẳng thắn để tìm giải pháp khắc phục những hạn chế, khuyết điểm. 

Chúng ta cũng thống nhất nhìn nhận khó khăn hiện nay là rất nhiều vì đại dịch không lường hết; người dân và DN gặp rất nhiều khó khăn cả về vật chất, tinh thần, vốn, thị trường lao động... Chính phủ thấu hiểu và chia sẻ; càng thấu hiểu, càng chia sẻ, Chính phủ càng trân trọng sự đóng góp của DN thì càng thấy trách nhiệm để cố gắng, vươn lên. Chính phủ kêu gọi sự chung sức, đồng lòng, quyết tâm, phát huy tài sản vô giá của dân tộc là tinh thần đại đoàn kết dân tộc, vượt qua khó khăn, thách thức, lấy đó là động lực phấn đấu vươn lên, trở nên mạnh mẽ hơn, ngày càng hoàn thiện hơn, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng đất nước ta hùng cường và thịnh vượng, mang lại hạnh phúc, ấm no cho nhân dân.

Thủ tướng kêu gọi cộng đồng DN vượt qua khó khăn, thách thức này, đồng lòng cùng Đảng, Nhà nước và nhân dân; dứt khoát chúng ta sẽ vượt qua, đây là giá trị rất lớn của dân tộc ta, cha ông ta để lại, những lúc khó khăn thì lại đoàn kết vượt qua, qua khó khăn thì chúng ta lại lớn mạnh hơn, trưởng thành hơn để thực hiện mục tiêu to lớn mà Đảng, Nhà nước đã đề ra. 

Thời gian qua, điều kiện đất nước còn nhiều khó khăn, nhưng chúng ta đã thực hiện Nghị quyết 30 của Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách như Nghị quyết 68, Nghị quyết 52, Nghị định 116...; các chính sách giảm tiền điện, nước, viễn thông... là sự nỗ lực phấn đấu rất lớn của Đảng, Nhà nước. Tuy nhiên, so mong muốn và tổn thất của dịch bệnh gây ra thì chưa đạt yêu cầu. Do đó, Thủ tướng mong cộng đồng DN, doanh nhân chia sẻ điều này.

Thời gian tới, việc tiếp tục cố gắng kiểm soát dịch bệnh là điều quan trọng để phục hồi kinh tế. Chính phủ đang thực hiện xây dựng tổng thể chính sách phục hồi kinh tế; xây dựng chương trình thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128 thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Trên cơ sở đó các bộ, ngành đang cụ thể hóa Nghị quyết này để thực hiện từng bước lộ trình mở cửa an toàn, khôi phục sản xuất, kinh doanh. Chúng ta từng bước tổng kết được và rút ra bài học kinh nghiệm, đó là 3 trụ cột phòng, chống dịch: giãn cách, cách ly hẹp nhất, chặt chẽ nhất, nhanh nhất có thể; xét nghiệm thần tốc, khoa học, an toàn, hiệu quả, tốc độ xét nghiệm nhanh hơn tốc độ lây lan; điều trị phải nhanh nhất, sớm nhất, từ xa, từ cơ sở. Tiếp tục thực hiện 5K + chiến lược vaccine + công nghệ + nâng cao ý thức của người dân.

Chính phủ đã họp, tiếp xúc với các cộng đồng DN cả trong nước và nước ngoài, qua đó nhận thấy, mong muốn nhất của các DN là có vaccine. Với nỗ lực rất lớn của Đảng, Nhà nước, chúng ta đã và đang giải quyết tốt vấn đề nhập khẩu vaccine và thúc đẩy sản xuất vaccine trong nước. DN và doanh nhân là một trong những đối tượng ưu tiên. Chậm nhất quý IV này, các đối tượng ưu tiên phải được tiêm đủ 2 mũi, từ đó, chúng ta tự tin mở cửa với tinh thần từng bước mở cửa lại nền kinh tế, bảo đảm an toàn dịch bệnh.

Khẩn trương trình cấp thẩm quyền phục hồi kinh tế-xã hội, trong đó có giải pháp hỗ trợ người dân, DN vượt qua khó khăn. Chỉ đạo bảo đảm lưu thông hàng hóa giữa các vùng, địa phương, không để ách tắc. Dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành đang thông suốt điểm này nhưng chúng ta phải có lộ trình mở cửa an toàn, bước đi phải thận trọng, cân nhắc, tỉnh táo. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi tiếp cận vốn, đất đai, tiết giảm chi phí sản xuất, kinh doanh; tháo gỡ về thể chế, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng cường khả năng ứng phó của các cấp, nâng cao năng lực y tế từ Trung ương đến cơ sở.

Tiếp tục nghiên cứu thử nghiệm một số chính sách để phục hồi thương mại, dịch vụ. Thúc đẩy áp dụng hộ chiếu vaccine. Tiếp tục rà soát trình cấp thẩm quyền ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ DN về kích cầu đầu tư, cả cầu và cung, hỗ trợ tín dụng, giảm lãi suất, chi phí vay vốn, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn. 

Đây là bài toán khó, đòi hỏi phải tỉnh táo, thận trọng, nhưng không được chậm trễ. Sản xuất, kinh doanh phải lấy DN, doanh nhân là trung tâm, chủ thể để thực hiện. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng số, khôi phục thị trường lao động. Chúng ta cần phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc để chiến thắng dịch bệnh. Thiết lập các kênh thông tin hợp lý, nhanh nhất để tiếp nhận phản ánh của người dân. Chính phủ giao các bộ, ngành căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn để giải quyết các yêu cầu của người dân và DN nhanh nhất, sớm nhất, hiệu quả nhất có thể. 

Chúng ta cùng nhau thấu hiểu những khó khăn, vướng mắc, quan trọng là phát hiện nguyên nhân chủ quan, chân thành làm, quyết tâm làm. Đã quyết tâm rồi quyết tâm hơn nữa, nỗ lực rồi nỗ lực hơn nữa, cố gắng rồi cố gắng hơn nữa. Thủ tướng tin tưởng dân tộc ta, đất nước ta sẽ vượt qua khó khăn, đưa đất nước phát triển hùng cường như mục tiêu Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra, trong đó có trách nhiệm và tinh thần vượt qua khó khăn của chúng ta. Tất cả phải vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì hạnh phúc, ấm no của nhân dân.