Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp gỡ lãnh đạo các nước, tổ chức quốc tế tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20

NDO - Ngày 18/11 (theo giờ địa phương), trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Rio de Janeiro, Brazil, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có nhiều cuộc tiếp xúc, trao đổi với Lãnh đạo các nước và các tổ chức quốc tế tham dự Hội nghị.
0:00 / 0:00
0:00
Thủ tướng Phạm Minh Chính có cuộc tiếp xúc với Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.(Ảnh: Nhật Bắc/VGP).
Thủ tướng Phạm Minh Chính có cuộc tiếp xúc với Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.(Ảnh: Nhật Bắc/VGP).

Trong không khí hữu nghị, cởi mở và tin cậy, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chuyển lời thăm hỏi thân tình của Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tới các nhà Lãnh đạo, đồng thời, chuyển lời của Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường mời các nhà lãnh đạo tới thăm Việt Nam trong thời gian tới.

Thủ tướng Chính phủ khẳng định Việt Nam luôn mong muốn tăng cường hơn nữa hợp tác với các nước và các tổ chức quốc tế, đưa quan hệ phát triển lên tầm cao mới, thực chất và đi vào chiều sâu.

Về phần mình, Lãnh đạo các nước và các tổ chức quốc tế đều bày tỏ đánh giá cao những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam thời gian qua, cũng như vai trò và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, khẳng định sẽ tiếp tục thúc đẩy quan hệ hợp tác nhiều mặt với Việt Nam và mong được sớm tới thăm Việt Nam.

* Tại cuộc tiếp xúc với Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam coi việc phát triển quan hệ hợp tác, hữu nghị với Trung Quốc là lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu trong đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa của Việt Nam và mong muốn hai bên tiếp tục phối hợp chặt chẽ để triển khai nhận thức chung cấp cao và các Tuyên bố chung, văn kiện đã ký kết trong các chuyến thăm cấp cao hai nước thời gian qua.

Nhắc lại việc vừa gặp Chủ tịch nước Lương Cường tại Hội nghị Cấp cao APEC vừa qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh việc hai bên thường xuyên duy trì quan hệ tiếp xúc cấp cao là rất cần thiết, thể hiện sự thân thiết và tin cậy giữa hai nước.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình cũng đánh giá cao kết quả hợp tác giữa Chính phủ hai nước thời gian qua và mong muốn tiếp tục có các biện pháp thiết thực nhằm nâng cao hiệu quả triển khai các thỏa thuận và nhận thức chung giữa hai bên, tăng cường hợp tác thực chất, trước nhất là trong xây dựng 03 tuyến đường sắt kết nối hai nước.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc cũng mong hai bên tiếp tục ủng hộ, phối hợp lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương và trân trọng mời các Lãnh đạo chủ chốt Việt Nam sớm thăm Trung Quốc vào thời gian thích hợp.

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp gỡ lãnh đạo các nước, tổ chức quốc tế tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 ảnh 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden. (Ảnh: Nhật Bắc/VGP)

* Gặp Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ cảm ơn tình cảm và sự ủng hộ mạnh mẽ của Tổng thống Joe Biden đối với sự phát triển quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ và mong rằng trong thời gian tới, dù trên cương vị nào, Tổng thống Joe Biden cũng sẽ tiếp tục ủng hộ và đóng góp thiết thực cho quan hệ song phương.

Vui mừng được gặp lại Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Tổng thống Joe Biden khẳng định Thủ tướng Chính phủ là một người bạn tốt của Hoa Kỳ. Tổng thống Joe Biden bày tỏ vui mừng khi thấy, trong nhiệm kỳ của mình, hai nước đã nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện và khẳng định luôn ủng hộ cho mối quan hệ Hoa Kỳ-Việt Nam không ngừng phát triển.

* Tại cuộc tiếp xúc với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Thủ tướng Phạm Minh Chính chúc mừng Thủ tướng Modi nhân dịp Lễ hội truyền thống Dewali của Ấn Độ, chúc nhân dân Ấn Độ, dưới sự lãnh đạo của Chính phủ mới do Thủ tướng Modi đứng đầu, tiếp tục đạt nhiều thành tựu phát triển vượt bậc.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề xuất 3 phương hướng ưu tiên nhằm thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược Toàn diện đi vào chiều sâu, hiệu quả.

Thứ nhất, chính phủ Việt Nam khuyến khích các dự án đầu tư lớn của Ấn Độ trong các lĩnh vực chiến lược như hạ tầng giao thông vận tải, logistics, công nghệ cao, dầu khí, năng lượng tái tạo…

Thứ hai, đề nghị tăng cường hơn nữa kết nối doanh nghiệp và đối thoại chính phủ-doanh nghiệp để tìm kiếm cơ hội hợp tác, giải quyết các vấn đề còn tồn tại.

Thứ ba, tăng cường hợp tác giao lưu nhân dân.

Thủ tướng Phạm Minh Chính mời Thủ tướng Modi thăm Việt Nam dự Hội nghị thượng đỉnh P4G tại Hà Nội trong năm 2025. Thủ tướng Modi bày tỏ coi trọng Việt Nam trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ, sẽ xem xét nghiêm túc về lời mời thăm Việt Nam trong năm sau của Thủ tướng Phạm Minh Chính.

* Trao đổi với Thủ tướng Nhật BảnIshiba Shigeru, Thủ tướng Phạm Minh Chính chúc mừng Ngài Ishiba Shigeru được bầu làm Thủ tướng mới của Nhật Bản và mong muốn hai bên tiếp tục củng cố tình cảm hữu nghị, lòng tin chính trị giữa Lãnh đạo cấp cao và nhân dân hai nước thông qua duy trì thường xuyên các chuyến thăm cấp cao và các cấp.

Thủ tướng đề nghị Chính phủ Nhật Bản tiếp tục cung cấp các khoản vay ODA thế hệ mới cho Việt Nam, có các chính sách nâng cao chất lượng, điều kiện sống, làm việc cho cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản.

Về phần mình, Thủ tướng Ishiba Shigeru nhất trí tăng cường toàn diện quan hệ hợp tác chính trị, kinh tế, thương mại, đầu tư song phương, đồng thời cam kết sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống, làm việc tại Nhật Bản.

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp gỡ lãnh đạo các nước, tổ chức quốc tế tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 ảnh 2

Thủ tướng Phạm Minh Chính có cuộc tiếp xúc với Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol. (Ảnh: Nhật Bắc/VGP)

* Tiếp xúc với Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol, Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra 3 đề xuất quan trọng nhằm thúc đẩy quan hệ song phương, bao gồm tiếp tục thúc đẩy hoạt động trao đổi đoàn, tiếp xúc cấp cao và các cấp; Hàn Quốc tiếp tục cung cấp ODA quy mô lớn, điều kiện ưu đãi giúp Việt Nam phát triển cơ sở hạ tầng, ứng phó biến đổi khí hậu; và tăng cường hợp tác kinh tế-thương mại. Phấn đấu hoàn thành mục tiêu kim ngạch đạt 100 tỷ USD vào năm 2025 và 150 tỷ USD vào năm 2030.

Nhất trí với các đề xuất của Thủ tướng Chính phủ, Tổng thống Hàn Quốc cũng bày tỏ sẵn sàng đón Lãnh đạo chủ chốt Việt Nam sớm thăm Hàn Quốc trong năm 2025, đồng thời sẽ chỉ đạo các cơ quan có liên quan tích cực phối hợp với Việt Nam triển khai những thỏa thuận đạt được trong các chuyến thăm gần đây của Lãnh đạo cấp cao hai nước.

* Tại cuộc tiếp xúc với Tổng thống IndonesiaPrabowo Subianto, Thủ tướng Phạm Minh Chính một lần nữa chúc mừng Ngài Prabowo Subianto nhậm chức Tổng thống nước Cộng hòa Indonesia nhiệm kỳ 2024-2029.

Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn hai bên tích cực trao đổi, tiến tới nâng cấp quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Indonesia trong năm 2025 nhân dịp 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao; cùng nỗ lực đưa kim ngạch thương mại song phương sớm đạt 18 tỷ USD.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nhấn mạnh hai nước cần khuyến khích, tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp đầu tư vào thị trường của nhau, trong đó có hợp tác phát triển thị trường Halal.

Đáp lại, Tổng thống Prabowo Subianto khẳng định Indonesia luôn coi trọng phát triển, nâng tầm quan hệ hợp tác với Việt Nam tương xứng với lợi thế, tiềm năng của mỗi nước.

Tổng thống Prabowo Subianto bày tỏ nhất trí với các đề xuất của Thủ tướng Phạm Minh Chính và đề nghị hai bên tăng cường hợp tác về song phương và đa phương để xử lý các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm.

* Trao đổi với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, hai nhà Lãnh đạo bày tỏ vui mừng trước kết quả chuyến thăm chính thức Pháp vừa qua của Tổng Bí thư Tô Lâm, đánh giá đây là chuyến thăm có ý nghĩa đột phá với việc hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện. Hai Lãnh đạo nhấn mạnh hai bên cần tích cực trao đổi, cụ thể hóa các cơ chế, thỏa thuận hợp tác trên tất cả các lĩnh vực.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao vai trò và các sáng kiến toàn cầu của Pháp trong ứng phó biến đổi khí hậu. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bày tỏ mong muốn tăng cường hợp tác song phương trên các lĩnh vực như chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo (AI).

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp gỡ lãnh đạo các nước, tổ chức quốc tế tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 ảnh 3

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có cuộc trao đổi với Thủ tướng Đức Olaf Scholz. (Ảnh: Nhật Bắc/VGP)

* Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng cùng Thủ tướng Đức Olaf Scholz trao đổi về các biện pháp đưa quan hệ hai nước lên tầm cao mới, cũng như các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, đề xuất nhiều định hướng nhằm đóng góp tích cực vào duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.

* Tiếp xúc với Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres, hai Nhà Lãnh đạo vui mừng gặp lại kể từ Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 44-45 tháng 10/2024 vừa qua tại Lào.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao vai trò của Tổng Thư ký và các cơ quan Liên hợp quốc trong gìn giữ hòa bình, ổn định, thu hẹp khoảng cách và thúc đẩy phát triển trên toàn cầu.

Thủ tướng cũng bày tỏ cảm ơn sự hợp tác, hỗ trợ quý báu của Liên hợp quốc đối với công cuộc Đổi mới, phát triển của Việt Nam gần 40 năm qua và khẳng định Việt Nam coi trọng và ủng hộ vai trò trung tâm của Liên hợp quốc trong quản trị toàn cầu.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres chúc mừng những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam và khẳng định trong một thế giới có nhiều biến động, Việt Nam vẫn đạt được những kết quả tích cực trong phát triển đất nước, là một hình mẫu của hòa bình và phát triển bền vững, là điểm sáng trong quan hệ quốc tế mà các nước cần học tập.

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp gỡ lãnh đạo các nước, tổ chức quốc tế tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 ảnh 4

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen. (Ảnh: Nhật Bắc/VGP)

* Tại cuộc gặp Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, Thủ tướng Phạm Minh Chính chúc mừng bà Ursula von der Leyen tái đắc cử Chủ tịch Ủy ban châu Âu, trân trọng cảm ơn Lãnh đạo Liên minh châu Âu đã thăm hỏi và hỗ trợ vật chất giúp Việt Nam khắc phục hậu quả do siêu bão Yagi gây ra.

Để tăng cường hơn nữa quan hệ Việt Nam-EU trong thời gian tới, Thủ tướng đưa ra ba định hướng quan trọng. Đó là:

Tăng cường trao đổi đoàn, nhất là đoàn cấp cao; tập trung tháo gỡ các vướng mắc, vấn đề tồn đọng trong quan hệ hai bên, trong đó có việc EC sớm gỡ bỏ “Thẻ vàng” IUU; Đề nghị EU thúc đẩy 9 nước thành viên còn lại sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA), tiếp tục duy trì ODA và hỗ trợ tài chính, kỹ thuật để Việt Nam thích ứng với các quy định mới của EU về phát triển bền vững, đồng thời, hỗ trợ tối đa về vốn, công nghệ, đào tạo nhân lực để giúp Việt Nam triển khai hiệu quả Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP).

Đánh giá tích cực về những đề xuất của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen nhất trí cho rằng Việt Nam và EU cần tiếp tục tăng cường hợp tác về kinh tế, thương mại, đầu tư, khai thác tốt hơn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA).

Bà Ursula von der Leyen đề nghị hai bên tích cực phối hợp để cùng nâng cao hiệu quả hợp tác ASEAN-EU, mong muốn Việt Nam ủng hộ các sáng kiến của EU vì hòa bình, ổn định, hợp tác phát triển tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.

Nhân dịp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã mời bà Ursula von der Leyen sang thăm chính thức Việt Nam và tham dự Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 4 Diễn đàn Đối tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu (P4G) do Việt Nam đăng cai tổ chức từ ngày 14 đến 17/4/2025.

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp gỡ lãnh đạo các nước, tổ chức quốc tế tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 ảnh 5

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Tổng thống Tanzania Samia Suluhu Hassan. (Ảnh: Nhật Bắc/VGP)

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp gỡ lãnh đạo các nước, tổ chức quốc tế tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 ảnh 6

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với Tổng thống đắc cử của Mexico Claudia Sheinbaum. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng có nhiều cuộc trao đổi thẳng thắn, tích cực với Lãnh đạo các nước Malaysia, Anh, Italia, Thổ Nhĩ Kỳ, Bồ Đào Nha, Mexico, Nam Phi, Angola, Tanzania, Qatar và Saudi Arabia; các tổ chức quốc tế như Cơ quan Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển, Tổ chức Thương mại thế giới, Quỹ Tiền tệ quốc tế, Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á.