Việc ký kết Quy chế phối hợp bảo đảm an ninh trật tự là cần thiết và cấp bách nhằm bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm đối với các công ty cà-phê là thành viên thuộc Tổng công ty Cà-phê Việt Nam đứng chân trên đại bàn tỉnh Kon Tum, góp phần tăng cường mối quan hệ đoàn kết, gắn bó giữa Tổng Công ty Cà-phê Việt Nam với cơ quan công an và chính quyền địa phương.
Quang cảnh lễ ký kết |
Đồng thời, có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh trật tự tại doanh nghiệp nói riêng và tại địa phương nói chung; kịp thời ngăn chặn, xử lý các vấn đề ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Nhà nước trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên.
Để từng bước giải quyết tình trạng an ninh trật tự và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các đơn vị sản xuất nông nghiệp, Tổng công ty cà-phê Việt Nam đã đề nghị ký kết quy chế phối hợp với các cơ quan công an và chính quyền địa phương với các nội dung cụ thể như: Giám sát an ninh trật tự, tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm soát an ninh tại các khu vực sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là những khu vực thường xuyên xảy ra vi phạm; Xử lý vi phạm, hợp tác chặt chẽ trong việc xử lý các hành vi lấn chiếm đất, phá hoại tài sản, và các vi phạm khác liên quan đến sản xuất nông nghiệp. Cần thành lập các tổ công tác liên ngành để xử lý kịp thời các vụ việc vi phạm.
Đại tá Trịnh Khắc Cường, Phó Giám đốc Công an tỉnh Kon Tum phát biểu tại lễ ký kết. |
Tuyên truyền, giáo dục, tổ chức các buổi tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức cho người lao động về quyền lợi và nghĩa vụ của mình. Khuyến khích người lao động báo cáo các hành vi vi phạm và hỗ trợ người lao động trong việc thực hiện quyền nộp sản phẩm; Hỗ trợ pháp lý, cung cấp hỗ trợ pháp lý cho các công ty trong việc xử lý các vụ việc vi phạm, bao gồm việc khởi kiện và theo dõi tiến độ xử lý các vụ án tại tòa án; Cải thiện công tác quản lý, tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của các đơn vị sản xuất nông nghiệp, yêu cầu báo cáo định kỳ về tình hình an ninh trật tự và sản xuất, từ đó có biện pháp điều chỉnh kịp thời.
Đồng chí Nguyễn Tiến Dũng, Phụ trách Hội đồng thành viên Tổng Công ty cà-phê Việt Nam phát biểu tại lễ ký kết. |
Tổng Công ty cà-phê Việt Nam đang quản lý 46 đơn vị thành viên, trong đó tại địa bàn Tây Nguyên có 39 đơn vị, quản lý gần 30.000 ha đất, tạo công ăn việc làm cho hơn 25.000 lao động (trong đó hơn 3.000 lao động là người đồng bào dân tộc thiểu số địa phương); trên địa bàn tỉnh Kon Tum có 4 đơn vị sản xuất nông nghiệp hiện quản lý gần 3.000 ha đất và hơn 2.000 lao động, cây trồng chủ yếu là cà-phê, cao-su, lúa nước.
Ngoài việc tập trung quản lý sản xuất kinh doanh, Tổng công ty cà-phê Việt Nam cùng các đơn vị còn thực hiện nhiệm vụ chính trị là tạo công ăn việc cho người lao động, quản lý và sử dụng đất hiệu quả tại địa bàn các tỉnh Tây Nguyên. Với ý nghĩa đó, nhằm bảo đảm an toàn, an ninh trật tự, hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định trên địa bàn, công an các tỉnh/thành phố và Tổng Công ty cà-phê Việt Nam cùng thống nhất ký kết Quy chế phối hợp.