Thủ tướng Phạm Minh Chính dự khánh thành Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh (cơ sở 2)

NDO - Chiều 15/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Lễ khánh thành Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh (cơ sở 2). Cùng dự, có các đồng chí: Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh; Trần Hồng Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ.
0:00 / 0:00
0:00
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đồng chí lãnh đạo cắt băng khánh thành Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh (cơ sở 2).
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đồng chí lãnh đạo cắt băng khánh thành Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh (cơ sở 2).

Bệnh viện đặt tại số 12, đường 400, phường Tân Phú, thành phố Thủ Đức, được chính thức khởi công vào ngày 26/6/2016, quy mô 1.000 giường bệnh, vốn đầu tư 5.845 tỷ đồng. Tổng diện tích đất của bệnh viện là 55.594m2, tổng diện tích sàn xây dựng 112.582m2.

Theo Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, không chỉ được chuyển sang cơ sở mới rộng rãi, khang trang, đầy đủ các tiện ích phục vụ người bệnh, nhiều trang thiết bị chuyên khoa hiện đại phục vụ phát triển các kỹ thuật chuyên sâu, Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh cơ sở 2 còn có 16 phòng mổ hiện đại, sân bay ngay trên nóc nhà bệnh viện, sẵn sàng trở thành điểm tiếp nhận bệnh nhân cấp cứu được chuyển đến bằng máy bay trực thăng trong tương lai không xa.

Riêng số liệu của ngày 30/1/2023 cho thấy, đã có 2.315 người bệnh đến khám bệnh tại cơ sở mới của bệnh viện. Với cơ sở mới, bên cạnh các tiện ích phục vụ người bệnh, chắc chắn rằng, thời gian chờ mổ, chờ xạ trị... sẽ được rút ngắn dần so trước đây.

Tất cả sẽ góp phần nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh ngày một tốt hơn và chất lượng điều trị ngày càng hiệu quả hơn, hướng đến đóng góp xây dựng thành phố trở thành trung tâm y tế chuyên sâu của khu vực ASEAN.

Trước đó, bệnh viện chính thức khởi công vào ngày 26/6/2016. Đây là một trong những công trình trọng điểm của thành phố được ngân sách Trung ương đầu tư xây dựng mới bệnh viện chuyên khoa ung thư với quy mô 1.000 giường theo tiêu chuẩn quốc tế. Đây cũng là một trong những công trình tiêu biểu chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025.

Sau 4 năm được khởi công, bệnh viện chính thức đưa Khu Khám bệnh đi vào hoạt động nhằm giảm tình trạng quá tải nặng nề tại cơ sở cũ của Bệnh viện Ung bướu. Sau đó, Khu Hóa trị trong ngày tiếp tục đưa vào hoạt động vào tháng 6/2021.

Đến giữa tháng 7/2021, dịch Covid-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh diễn biến ngày càng phức tạp, số ca mắc mới cứ tăng vọt. Một yêu cầu quan trọng và cấp bách đặt ra cho ngành y tế thành phố thời điểm đó là phải chọn ngay 1 bệnh viện có quy mô lớn cả về giường bệnh và cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế để chuyển đổi trở thành Trung tâm Hồi sức Covid-19 chuyên tiếp nhận người mắc Covid-19 nặng, nguy kịch.

Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh (cơ sở 2) là một trong những công trình trọng điểm của thành phố được ngân sách Trung ương đầu tư xây dựng mới bệnh viện chuyên khoa ung thư với quy mô 1.000 giường theo tiêu chuẩn quốc tế.

Trong bối cảnh đó, tuy không có trong “kịch bản” khi xây dựng bệnh viện, tập thể lãnh đạo và nhân viên của Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh đã đồng ý và ủng hộ quyết định chọn cơ sở mới vừa xây dựng xong của bệnh viện chuyển đổi thành Trung tâm Hồi sức Covid-19 của Thành phố.

Nhờ đó, hơn 5.000 người bệnh mắc Covid-19 trong tình trạng nặng và nguy kịch đã được các cơ sở cách ly, các bệnh viện tuyến trước chuyển đến Trung tâm Hồi sức Covid-19 để được can thiệp điều trị, hồi sức chuyên sâu. Hàng nghìn người bệnh mắc Covid-19 nặng, nguy kịch trong tình trạng “thập tử nhất sinh” đã được cứu sống...

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự khánh thành Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh (cơ sở 2) ảnh 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm hỏi, tặng quà động viên các bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh (cơ sở 2).

Phát biểu ý kiến tại lễ khánh thành, Thủ tướng Phạm Minh Chính chúc mừng Thành phố Hồ Chí Minh có thêm 1 bệnh viện tuyến đầu để phục vụ nhân dân. Thủ tướng nhấn mạnh, bệnh viện không chỉ phục vụ cho Thành phố Hồ Chí Minh mà cho cả nước.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng gửi tới toàn thể cán bộ, y, bác sĩ, nhân viên y tế Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh (cơ sở 2) lời chào trân trọng, lời thăm hỏi ân cần và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.

Thủ tướng nhấn mạnh, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm sâu sắc tới công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân; đã ban hành nhiều Nghị quyết, Kết luận, Chỉ thị, Đề án, trong đó đặc biệt là “Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân” các giai đoạn và Đề án 125 về “Đầu tư xây dựng 5 bệnh viện mới tuyến Trung ương và tuyến cuối đặt tại Thành phố Hồ Chí Minh”.

Thủ tướng rất ấn tượng và vui mừng nhận thấy, Dự án Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh (cơ sở 2) có quy mô 1.000 giường, đáp ứng về tiêu chuẩn bệnh viện hiện đại với đội ngũ y, bác sĩ có chuyên môn cao, được đào tạo bài bản; hệ thống trang thiết bị hiện đại; không gian khám chữa bệnh khang trang, sạch đẹp, là nơi mà bệnh nhân cảm thấy an tâm, thoải mái.

Thủ tướng nêu rõ, thời gian tới, nhiều yếu tố như môi trường bị ô nhiễm, biến đổi khí hậu, tình trạng già hóa dân số và lối sống công nghiệp, thiếu lành mạnh, ít vận động... làm gia tăng nguy cơ mắc các loại bệnh, trong đó có bệnh ung thư...

Các cấp, các ngành, các địa phương, nòng cốt là Bộ Y tế phải xác định rõ ung thư là bệnh nan y, rất nguy hiểm, có nguy cơ tử vong cao, người bệnh thường gặp khủng hoảng về mặt tâm lý, việc điều trị rất tốn kém về tài chính, đòi hỏi công nghệ cao, trang thiết bị hiện đại để có biện pháp phòng ngừa, tầm soát, phát hiện sớm và điều trị một cách có hiệu quả.

Thủ tướng đề nghị ngành y tế nói chung, bệnh viện nói riêng cần quan tâm những vấn đề sau:

Phải đẩy mạnh phòng ngừa, chữa bệnh từ sớm, từ xa, từ cơ sở, tầm soát sớm để phát hiện sớm bệnh ung thư; phát huy vai trò y tế cộng đồng, y tế cơ sở; tăng cường quản lý hệ thống các bệnh, trong đó có bệnh ung thư;

Điều trị và chăm sóc chu đáo, giảm nhẹ sự gia tăng của bệnh; tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị, nâng cao tay nghề của đội ngũ y, bác sĩ nhằm ngăn chặn, đẩy lùi bệnh ung thư đang có chiều hướng gia tăng.

Bộ Y tế chỉ đạo các Sở Y tế, hệ thống các bệnh viện thực hiện nghiêm việc bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế theo đúng tinh thần Nghị quyết số 30/NQ-CP của Chính phủ và Nghị định số 07/2023/NĐ-CP của Chính phủ; rà soát ngay việc sửa chữa các trang thiết bị y tế, máy móc chẩn đoán, điều trị. Nếu vướng ở đâu, Bộ Y tế phải khắc phục ngay trong tháng 4 này, những gì thuộc thẩm quyền Chính phủ thì Bộ Y tế phải đề xuất để Chính phủ sửa.

Tích cực hợp tác công tư, huy động các nguồn lực xã hội phục vụ công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe của người dân nói chung và đối với bệnh ung thư nói riêng.

Tăng cường đầu tư cho công tác tầm soát, phát hiện sớm để chủ động điều trị bệnh ung thư. Thực tế hiện nay, phần lớn bệnh nhân ung thư phát hiện bệnh muộn, nên việc điều trị rất khó khăn; nếu được phát hiện càng sớm thì việc điều trị càng có hiệu quả.

Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, chuyển giao công nghệ, đặc biệt là những công nghệ tiên tiến, hiện đại để nâng cao hiệu quả tầm soát, điều trị ung thư. Hiện nay, rất nhiều bệnh nhân ung thư phải ra nước ngoài chữa bệnh vì thiếu máy móc, thiết bị điều trị hiện đại, tốn kém hơn rất nhiều so với trong nước.

Chủ động tuyên truyền, nâng cao nhận thức và hành động của người dân để có lối sống lành mạnh, khoa học và chủ động trong tầm soát các bệnh nan y nguy hiểm, trong đó có bệnh ung thư.

Chủ trì, phối hợp UBND Thành phố Hồ Chí Minh kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, giải quyết hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền về các đề xuất, kiến nghị để Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh (cơ sở 2) có điều kiện thuận lợi tiếp tục phát triển, không ngừng nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân; góp phần xây dựng mạng lưới cơ sở y tế chất lượng cao.

UBND Thành phố Hồ Chí Minh phát huy thế mạnh là đầu tầu kinh tế, là trung tâm y tế của vùng Đông Nam Bộ và cả nước, quan tâm hơn nữa, tập trung đầu tư, huy động các nguồn lực để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phòng bệnh và chữa bệnh nói chung, các bệnh nan y nói riêng, trong đó có bệnh ung thư. Chú trọng phát triển y tế dự phòng và y tế cơ sở để chủ động phòng ngừa, khám chữa bệnh ban đầu cho người dân.

Tận dụng tối đa lợi thế về các cơ chế đặc thù của Thành phố Hồ Chí Minh, mạnh dạn triển khai thí điểm các mô hình mới, đẩy mạnh hợp tác công tư, huy động các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, tăng cường nguồn lực về tài chính, nguồn nhân lực chất lượng cao, công nghệ hiện đại... trong lĩnh vực y tế, phục vụ phát hiện và điều trị bệnh ung thư.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự khánh thành Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh (cơ sở 2) ảnh 2

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm hỏi, tặng quà động viên các bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh (cơ sở 2).

Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh luôn thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ “Thầy thuốc như mẹ hiền”, luôn coi người bệnh là trung tâm; không ngừng học tập, rèn luyện để “Sâu y lý-giàu y đức-giỏi y thuật”.

Xác định ung thư là bệnh đặc biệt, người bị ung thư là bệnh nhân đặc biệt, vì thế việc điều trị bệnh không chỉ bằng các biện pháp y học đơn thuần mà phải quan tâm giải quyết các vấn đề tâm lý của người bệnh.

Phải quản lý, điều hành, khai thác hiệu quả cơ sở vật chất của bệnh viện; tăng cường chuyển giao công nghệ kết hợp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ tốt nhất cho công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân.

Tăng cường phối hợp, hợp tác, trao đổi kinh nghiệm, y thuật với các bệnh viện lớn về ung bướu trong nước và quốc tế để không ngừng nâng cao trình độ, chất lượng khám chữa bệnh. Bên cạnh đó, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, hỗ trợ cho các bệnh viện tuyến dưới.

Thủ tướng mong muốn và tin tưởng rằng các y, bác sĩ, cán bộ, nhân viên y tế của ngành y tế nói chung, Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng với tinh thần “luôn đặt sức khỏe, tính mạng người dân lên trên hết, trước hết”, tiếp tục nỗ lực, cống hiến, mãi thắp sáng ngọn đuốc truyền thống, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, nỗ lực phấn đấu, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, góp phần tích cực vào sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe của nhân dân.

* Chiều cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm Dự án xây dựng Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức.

Phát biểu ý kiến, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Thành phố Hồ Chí Minh có đặc thù là dân số đông, do đó các bộ, ngành cần chú ý trong công tác phân bổ nguồn vốn, công tác công chức, viên chức, bộ máy tổ chức...; cách tư duy, cách tiếp cận, phương pháp luận phải đổi mới.

Thủ tướng yêu cầu nỗ lực sớm hoàn thành phần xây lắp các bệnh viện của khu vực Thủ Đức; Ban quản lý dự án cố gắng thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đóng góp vào tăng trưởng, tạo công ăn việc làm.

Bộ Y tế phối hợp Thành phố Hồ Chí Minh rà soát việc phân bổ nguồn vốn cho thành phố để xem xét, tính toán việc điều chỉnh nguồn vốn đầu tư công từ nay đến cuối năm.

Tuy nhiên, Thủ tướng yêu cầu trước hết, thành phố cần giải ngân thật nhanh cho các dự án này; nếu giải ngân hết trước thời hạn thì thành phố báo Bộ Y tế cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính xem xét điều tiết nguồn vốn.

Thủ tướng yêu cầu sau khi hoàn thành đầu tư xây dựng bệnh viện thì cần có ngay nguồn nhân lực là đội ngũ y, bác sĩ, điều dưỡng, bộ máy quản lý; bố trí trang thiết bị y tế, có phương pháp vận hành để bệnh viện đi vào hoạt động thuận lợi.

Bộ Y tế phải tăng cường rà soát, kiểm tra các công tác này; Ban Quản lý dự án tăng cường trách nhiệm, làm tốt nhiệm vụ chức năng, tăng cường giám sát, kiểm tra quá trình thi công, bảo đảm tiến độ, chất lượng, an toàn lao động, vệ sinh môi trường, hạn chế tiếng ồn...

Dự án Xây dựng mới Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức tại số 64 Lê Văn Chí, phường Linh Trung, thành phố Thủ Đức (Thành phố Hồ Chí Minh) do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp làm chủ đầu tư; mục tiêu nhằm xây dựng mới Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức với quy mô hạ tầng kỹ thuật đáp ứng 1.000 giường và quy mô lưu bệnh là 500 giường hiện đại, chất lượng cao, hình thành các chuyên khoa sâu với các thiết bị y khoa đồng bộ, hiện đại, nhằm giảm tải cho các bệnh viện tuyến cuối và khu vực nội thành, tạo điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị, kỹ thuật và trình độ chuyên môn tốt hơn cho việc chăm sóc sức khỏe người dân tại tuyến đầu thuộc khu vực thành phố Thủ Đức và các vùng lân cận.