Cùng dự có Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng đồng bằng sông Cửu Long, lãnh đạo các bộ, ngành, các địa phương trong vùng, các đối tác phát triển trong và ngoài nước, các chuyên gia, nhà khoa học.
Tại hội nghị, Văn phòng Chính phủ, Bộ kế hoạch và Đầu tư công bố Nghị quyết số 78/NQ-CP của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quyết định số 278/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; những điểm mới, trọng tâm của quy hoạch tích hợp vùng đồng bằng sông Cửu Long và các lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư đến đông đảo các đối tác.
Phát biểu ý kiến tại Hội nghị, Thủ tướng chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao các bộ, ngành, địa phương, các đối tác tổ chức hội nghị có ý nghĩa quan trọng này. Sau khi nghe các tham luận của đại biểu, Thủ tướng chỉ rõ những ưu điểm, lợi thế cũng như những khó khăn, hạn chế của vùng cần phải tập trung giải quyết trong thời gian tới. Thủ tướng chính phủ khẳng định: Chủ trương, nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và chương trình hành động về phát triển đồng bằng sông Cửu Long đã được ban hành khá đồng bộ. Vấn đề là cần tập trung vào thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển vùng trong thời gian tới. Từ đó, thủ tướng chính phủ đề nghị các bộ, ngành, các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long tập trung thực hiện nhiệm vụ giải pháp cụ thể như sau:
Tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình phòng, chống dịch Covid-19, không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, tạo thuận lợi cho phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Quyết liệt triển khai chiến lược tiêm vaccine, nhất là cho trẻ em từ 5 đến dưới 11 tuổi, tiếp tục tiêm mũi thứ 3, thứ 4, hoàn thành mục tiêu mà Chính phủ và Ban chỉ đạo quốc gia đã đề ra, bảo đảm an toàn, hiệu quả, kịp thời.
Tập trung xây dựng các kế hoạch và đầu tư cơ sở vật chất nhằm đầu tư toàn diện cho giáo dục, đào tạo, nâng cao dân trí; đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao; tăng cường xây dựng các trường đào tạo nghề nhằm nâng cao tay nghề cho người lao động, nhất là đội ngũ lao động kỹ thuật, công nhân lành nghề, đáp ứng nhu cầu lao động cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư; xây dựng các trường đại học có thương hiệu trong nước và khu vực.
Thủ tướng nhấn mạnh, trong giai đoạn tới, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung tháo gỡ điểm nghẽn về hạ tầng giao thông và logistics, hạ tầng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, hạ tầng giáo dục, y tế, hạ tầng chuyển đổi số, chống biến đổi khí hậu để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đẩy mạnh và đa dạng hóa các chuỗi cung ứng, chuỗi liên kết, chuỗi sản xuất; ứng dụng khoa học công nghệ trong công nghiệp chế biến, công nghệ bảo quản sau thu hoạch với vùng vựa nông, thủy sản lớn nhất cả nước ở vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Dịp này Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chứng kiến bản ghi nhớ của các đối tác tài trợ hơn 2,2 tỷ USD cho vùng đồng bằng sông Cửu Long. Phó Thủ tướng Lê Văn Thành trao bản quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long cho lãnh đạo 13 địa phương trong vùng.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành và lãnh đạo các bộ, địa phương dự khai mạc và tham quan Triển lãm ảnh nghệ thuật "Đồng bằng sông Cửu Long - Khát vọng phát triển".