Xây dựng các dự án luật bảo đảm tiến độ, nâng cao chất lượng, bám sát chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước

Ngày 27/2, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 2/2024 với 11 nội dung quan trọng. Cùng tham dự phiên họp có các Phó Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, lãnh đạo các bộ ngành, cơ quan.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh phiên họp.
Quang cảnh phiên họp.

Theo chương trình phiên họp, Chính phủ sẽ xem xét cho ý kiến, quyết nghị đối với 11 nội dung (6 dự án luật, 4 đề nghị xây dựng pháp luật, và đề nghị về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh).

Cụ thể, 6 dự án luật được thảo luận gồm: Dự án Luật Phòng không nhân dân; dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi); dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); dự án Luật Địa chất và khoáng sản; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.

4 đề nghị xây dựng luật gồm: Đề nghị xây dựng Luật Hàm, cấp ngoại giao; đề nghị xây dựng Luật Hàng không (sửa đổi); đề nghị xây dựng Luật Đường sắt (sửa đổi); đề nghị xây dựng Luật Công nghiệp công nghệ số.

Chính phủ cũng xem xét, cho ý kiến về đề nghị về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.

Xây dựng các dự án luật bảo đảm tiến độ, nâng cao chất lượng, bám sát chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ảnh 1
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại phiên họp.

Phát biểu ý kiến khai mạc phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc lại, xây dựng và hoàn thiện thể chế là một trong ba đột phá chiến lược đã được Đảng, Nhà nước ta xác định. Năm 2024, ngay trong những ngày đầu năm, chúng ta đã và đang nỗ lực, khẩn trương triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp, trong đó, đột phá về thể chế tiếp tục là một nhiệm vụ trọng tâm.

Thời gian qua, chúng ta đã có nhiều nỗ lực và đạt nhiều kết quả trong xây dựng và hoàn thiện thể chế, song có những quy định đã bị thực tiễn vượt qua; nhiều lĩnh vực mới đang phát triển đòi hỏi phải có quy định của pháp luật để điều chỉnh. Tháng 1/2024, Chính phủ đã họp phiên chuyên đề về xây dựng pháp luật với 5 nội dung.

Chúng ta đã có nhiều nỗ lực và đạt nhiều kết quả trong xây dựng và hoàn thiện thể chế, song có những quy định đã bị thực tiễn vượt qua; nhiều lĩnh vực mới đang phát triển đòi hỏi phải có quy định của pháp luật để điều chỉnh.

Thủ tướng Chính phủ

Thủ tướng nêu rõ, nhiệm vụ tháng 2 còn nặng nề hơn, vừa tích cực chuẩn bị trình Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh năm 2024 (phải trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước ngày 1/3/2024), vừa quyết nghị các dự án luật phục vụ Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội khóa XV (tháng 5/2024).

Theo Thủ tướng, những nội dung của phiên họp đều là những nội dung quan trọng, khó, với yêu cầu cao, trong khi thời gian và nguồn lực có hạn. Để bảo đảm tiến độ và nâng cao chất lượng, Thủ tướng yêu cầu với các cơ quan chủ trì, soạn thảo, các Bộ trưởng, thủ trưởng các cơ quan phải trực tiếp chỉ đạo việc xây dựng các dự án luật, đề nghị xây dựng pháp luật, các cơ quan liên quan phải có ý kiến kịp thời; bố trí các cán bộ có năng lực, trình độ, tâm huyết cho công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế; rà soát lại chế độ, chính sách bảo đảm phù hợp cho các cán bộ làm công tác này với quan điểm đầu tư cho xây dựng thể chế chính là đầu tư cho sự phát triển.

Thủ tướng lưu ý trong quá trình xây dựng các dự án luật, các đề nghị xây dựng pháp luật thì chỉ lấy ý kiến một lần các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có liên quan, nếu còn ý kiến khác nhau thì Phó Thủ tướng phụ trách chủ trì triệu tập cuộc họp với các bộ, cơ quan để xử lý ngay. Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan cần chuẩn bị, ban hành kịp thời các văn bản hướng dẫn để thi hành ngay sau khi các luật có hiệu lực.

Xây dựng các dự án luật bảo đảm tiến độ, nâng cao chất lượng, bám sát chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ảnh 2
Các đại biểu tham dự phiên họp.

Với tinh thần “khó khăn ở đâu tháo gỡ ở đó, vướng mắc ở cấp nào thì cấp đó giải quyết”, Thủ tướng đề nghị các cơ quan tiếp tục rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định, bảo đảm rõ ràng, chặt chẽ, minh bạch, công khai, sát thực tiễn, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện, dễ kiểm tra, giám sát, dễ đánh giá, để các đối tượng thực thi, tuân thủ pháp luật yên tâm thực hiện.

Thủ tướng nhấn mạnh, thực tiễn cho thấy nếu công tác xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật được chuẩn bị kỹ, làm tốt việc tổng kết thực tiễn, dự báo tình hình, thì các quy định, chính sách sau khi ban hành sẽ đi ngay vào cuộc sống, giải quyết được những khó khăn, vướng mắc, còn nếu chuẩn bị không kỹ, không tốt thì vừa làm xong đã phải sửa đổi, bổ sung.

Phát biểu khai mạc phiên họp, nhân dịp kỷ niệm 69 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955-27/2/2024), Thủ tướng Phạm Minh Chính trân trọng gửi tới đội ngũ thầy thuốc, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành y tế lời cảm ơn, lời chào trân trọng, lời thăm hỏi ân cần và lời chúc mừng tốt đẹp nhất; mong đội ngũ thầy thuốc, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành y tế tiếp tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ tính mạng, sức khỏe của nhân dân với phương châm phòng bệnh hơn chữa bệnh, thực hiện tốt lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thầy thuốc như mẹ hiền”, đáp ứng mong đợi của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Sau khi lắng nghe các ý kiến thảo luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã cho ý kiến kết luận đối với từng nội dung và giao các nhiệm vụ cụ thể hoàn thiện các dự án luật, đề nghị xây dựng luật. Trong đó, với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, Thủ tướng cho rằng thuốc là hàng hóa đặc biệt nên phải có chính sách quản lý đặc biệt song cần thông thoáng trên cơ sở loại bỏ cơ chế xin cho, tuân thủ quy luật thị trường, đơn giản hóa thủ tục hành chính cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc, dược liệu, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng cường công nhận đánh giá sự phù hợp từ các nước tiên tiến. Thủ tướng cũng lưu ý chính sách khuyến khích thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp dược.

Với dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu giữ gìn, tôn tạo, phát huy di sản văn hóa của dân tộc, phát triển công nghiệp văn hóa, thúc đẩy đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực di sản văn hóa, huy động nguồn lực xã hội thông qua tăng cường hợp tác công tư; phát triển nguồn nhân lực văn hóa. Thủ tướng lưu ý cần nghiên cứu kỹ lưỡng, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, lấy ý kiến chuyên gia về quy định liên quan kinh doanh bảo vật trên cơ sở quản lý bằng công cụ thuế. Thủ tướng cũng lưu ý cần khuyến khích và có chính sách quản lý hoạt động của bảo tàng tư nhân; các quy định của luật này không chồng chéo với Luật Lưu trữ…

Kết luận chung về phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao các bộ chủ trì đã nỗ lực, tích cực chuẩn bị, trình các dự án, đề nghị xây dựng luật, nghiêm túc tiếp thu, giải trình; các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, sâu sát của các đồng chí thành viên Chính phủ và các đại biểu tại phiên họp.

Thủ tướng đề nghị các đồng chí Bộ trưởng chỉ đạo tiếp thu nghiêm túc, đầy đủ ý kiến thành viên Chính phủ, hoàn thiện các dự án luật, đề nghị xây dựng luật, đề nghị về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; các đồng chí Phó Thủ tướng quan tâm, trực tiếp chỉ đạo việc hoàn thiện các dự án, đề án theo phân công; trình cấp có thẩm quyền theo quy định.

Về chuẩn bị đề nghị Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2024, Thủ tướng giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp hướng dẫn, đôn đốc các bộ, cơ quan trình các đề nghị xây dựng luật để trình Chính phủ xem xét, thông qua; tổng hợp đưa vào đề nghị của Chính phủ trình Quốc hội.

Về việc chuẩn bị các dự án luật trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến vào Kỳ họp thứ 7 sắp tới, số lượng các dự án luật rất lớn, vì vậy nhiệm vụ đặt ra là rất nặng nề, Thủ tướng đề nghị các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ tập trung nguồn lực, lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thiện các dự án luật theo quy định.

Đối với 2 dự án luật, gồm dự án Luật Công chứng (sửa đổi) và Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) đã được Chính phủ thông qua tại Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 1/2024, Thủ tướng giao Bộ Tư pháp, Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan hoàn thiện hồ sơ dự án Luật để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo đúng thời hạn.

Đối với dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, Thủ tướng giao Bộ Xây dựng khẩn trương chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ dự án luật, trình các cấp có thẩm quyền theo quy định. Lưu ý một số trọng tâm, yêu cầu trong xây dựng, hoàn thiện thể chế, Thủ tướng yêu cầu phát huy vai trò của người đứng đầu, các đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế; tập trung nguồn lực, có chế độ chính sách phù hợp với cán bộ, công chức làm công tác pháp chế, nhất là công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế; rút ngắn hơn nữa quy trình sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật để đáp ứng yêu cầu thực tiễn; tiếp tục tham khảo kinh nghiệm quốc tế, tiếp thu những nội dung phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh nước ta; tăng cường truyền thông chính sách, nhất là truyền thông trong quá trình xây dựng, ban hành pháp luật, tạo sự đồng thuận và hiệu quả trong quá trình xây dựng, ban hành và thực thi pháp luật.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh yêu cầu bảo đảm tiến độ và nâng cao chất lượng các dự án luật trên cơ sở bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan, tháo gỡ được các khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, xử lý được các vấn đề đã có quy định nhưng thực tiễn đã vượt qua, các vấn đề mới chưa có quy định điều chỉnh; tăng cường năng lực phản ứng chính sách; bảo đảm quy trình, thủ tục đúng quy định.

Thủ tướng lưu ý thiết kế chính sách, quy định và diễn đạt bảo đảm rõ ý, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ làm, dễ kiểm tra, giám sát, dễ đánh giá; chú trọng lắng nghe ý kiến chuyên gia, nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn, doanh nghiệp, người dân; với các vấn đề còn ý kiến khác nhau thì thiết kế các phương án cụ thể, nêu rõ quan điểm để các cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu loại bỏ cơ chế xin-cho để phòng, chống lợi ích nhóm, tham nhũng, tiêu cực, phòng ngừa sai phạm; cắt giảm tối đa, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, không gây phiền hà, giảm chi phí, thời gian cho người dân, doanh nghiệp; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực thực thi, tăng cường kiểm tra, giám sát; khơi thông mọi nguồn lực cho phát triển.