Phát biểu ý kiến khai mạc phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chúng ta phải tập trung vào 3 đột phá chiến lược, nhất là về thể chế. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, chúng ta luôn tập trung cho đột phá chiến lược để tạo đột phá trong hoạt động của Chính phủ, tháo gỡ những nút thắt trong thực tiễn cả về thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực. Về thể chế, hàng tháng, Chính phủ đều tổ chức ít nhất một phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật, ngoài ra, còn tập trung làm nhiều Nghị định và các văn bản quy phạm pháp luật khác.
Trong năm 2023, Chính phủ đã tổ chức 10 phiên họp chuyên đề liên quan xây dựng thể chế, đặc biệt là xây dựng pháp luật, đã trình Quốc hội thông qua 16 luật; trong đó, có dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Bất động sản, Luật Nhà ở… có liên quan với nhau, trên thực tế có nhiều vướng mắc. Thủ tướng đã chỉ đạo các Phó Thủ tướng tập trung công tác thể chế hoá, nhất là các Nghị định, Thông tư, ban hành 29 Nghị quyết, cho ý kiến đối với 10 dự án luật. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành 127 văn bản quy phạm pháp luật…
Thủ tướng nêu rõ, năm 2024, Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ vẫn xác định tiếp tục triển khai 3 đột phá chiến lược này để thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng; nhiệm vụ về xây dựng và hoàn thiện thể chế sẽ ngày càng nặng nề hơn vì nhiệm vụ thường xuyên, yêu cầu cao hơn, tình hình phức tạp hơn, thực tiễn đặt ra nhiều vấn đề phải giải quyết; những vướng mắc, tồn đọng kéo dài về pháp lý vẫn phải tháo gỡ; cần tháo gỡ về thể chế trước, từ đó mới vận dụng thực hiện.
Tình hình đột xuất, bất ngờ đang diễn ra nhanh chóng trên thế giới như xung đột ở Biển Đỏ, làm căng thẳng thương mại, tác động tình hình kinh tế-xã hội, giá cả, thị trường trên thế giới… đòi hỏi phải có những chính sách mới để tiếp cận phù hợp tình hình mới để giải quyết. Nhiệm vụ thường xuyên nặng nề hơn, phải tháo gỡ về pháp lý cho những vấn đề tồn đọng là rất cần thiết, các vấn đề đột xuất, bất ngờ phát sinh cũng phải cần giải quyết về mặt pháp lý. Do đó, việc xây dựng luật pháp, hành lang pháp lý, các cơ sở pháp lý để thực hiện, giải quyết vấn đề thực tiễn ngày càng nhiều, ngày càng nặng nề, đòi hỏi phải có chất lượng cao hơn vì tình hình phức tạp, nhạy cảm hơn.
Các đại biểu tham dự phiên họp. |
Chúng ta còn phải trình Quốc hội xem xét, thông qua Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2025, điều chỉnh chương trình năm 2024; tổ chức thi hành các luật, pháp lệnh, nghị quyết được Quốc hội thông qua năm 2023, có hiệu lực vào 2024, sao cho không còn để nợ đọng văn bản quy định chi tiết thi hành; rà soát, sửa đổi các quy định pháp luật hiện hành, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, rào cản, khơi thông mọi nguồn lực cho phát triển; nghiên cứu, đề xuất xây dựng các quy định pháp luật mới nhằm thích ứng với tình hình, đó là thúc đẩy phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, các ngành, lĩnh vực mới nổi (như công nghiệp chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, năng lượng tái tạo…). Vì thế, công tác xây dựng pháp luật rất cần thiết, cần đầu tư cả về lãnh đạo, tổ chức thực hiện, con người và tài chính.
Thủ tướng yêu cầu chúng ta phải kiểm điểm những gì làm tốt, bài học kinh nghiệm, nhất là Luật Đất đai (sửa đổi) vừa qua. Một luật đòi hỏi giải quyết hết các vấn đề thực tiễn là không thể, nhưng cơ bản Luật này được đồng tình, ủng hộ. Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi) cũng một luật khó nhưng chúng ta đã hoàn thành. Chúng ta phải bình tĩnh, vừa làm vừa đánh giá, tổng kết, không cầu toàn, không nóng vội.
Tại phiên họp, Thủ tướng nêu rõ, Chính phủ tổ chức phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật, cho ý kiến đối với 5 nội dung; đề nghị các cơ quan trình thấy những vấn đề gì nổi lên thì cho ý kiến, tập trung vào những ý kiến còn khác nhau; đề nghị các đại biểu góp ý trực tiếp cho cơ quan trình; quan điểm, tư tưởng chỉ đạo có vấn đề gì cần lưu ý thì cũng đóng góp thêm; tập trung đi thẳng vào các chính sách, cho ý kiến để các cơ quan trình tiếp thu. Chúng ta vừa làm, vừa cải tiến để thúc đẩy nhanh.
Thủ tướng đề nghị các thành viên Chính phủ phải tích cực tham gia đóng góp vì đây là công việc quan trọng; đồng thời, đề nghị các cơ quan truyền thông rà soát lại để cần tập trung tuyên truyền về công tác này, nhất là tăng cường truyền thông chính sách, pháp luật, phổ biến kiến thức, kỹ năng cho người dân.
Phát biểu ý kiến kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành liên quan tiếp thu tối đa các ý kiến; giao các Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Trần Lưu Quang tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành công tác này; đề nghị các Bộ trưởng tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm trong việc xây dựng thể chế. Trong bối cảnh hiện nay cần phản ứng chính sách nhanh để xây dựng, phát triển đất nước, thể chế cũng chính là nguồn lực; cần đổi mới tư duy trong cách xây dựng luật; tư duy phải bám sát thực tiễn; đổi mới cách làm để tạo động lực mới; có cơ chế, chính sách để huy động sức mạnh của xã hội để phát triển đất nước; tất cả phải dành công sức thì mới làm được. Chúng ta phải lãnh đạo, chỉ đạo để hoàn thiện thể chế mang lại nguồn lực, động lực và truyền cảm hứng cho toàn xã hội.
Thủ tướng đề nghị các cơ quan hoàn thiện các dự thảo; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng thể chế, không được lơ là; các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan tiếp thu ý kiến của nhân dân, các nhà khoa học, xây dựng thể chế trình các cấp thẩm quyền có chất lượng; phải rút kinh nghiệm, đào sâu suy nghĩ; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả, thực sự chất lượng trong quá trình xây dựng thể chế; phải đầu tư nguồn lực con người, ưu tiên tuyển người, bố trí người cho xây dựng thể chế; đề nghị các bộ, ngành hiện còn dư địa biên chế thì tập trung tuyển người cho xây dựng thể chế.
Thủ tướng yêu cầu rà soát phân cấp tối đa cho các cấp, thiết kế công cụ kiểm tra, giám sát, nâng cao năng lực thực thi, phân bổ nguồn lực cho cấp dưới; giảm thủ tục hành chính cho người dân, các cấp; tăng trách nhiệm cho các cấp, tránh việc hợp thức hoá các cấp lên đến cấp cao; tạo môi trường không có “xin-cho” rất dễ tiêu cực, mất cán bộ, phải xử lý; phải điều tiết theo cơ chế thị trường, có các công cụ can thiệp minh bạch, công khai, bình đẳng; tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, giữa các Uỷ ban của Quốc hội, trao đổi ngay từ lúc xây dựng dự án Luật; càng lắng nghe ý kiến càng nhiều thì càng tốt vì người dân, doanh nghiệp là chủ thể, trung tâm, tạo cơ hội cho họ phát biểu; tham khảo kinh nghiệm của quốc tế, thu nạp những nội dung phù hợp điều kiện đất nước; tổng kết thực tiễn; tăng cường chuyển đổi số; tổ chức công tác xây dựng thể chế huy động được nguồn lực của toàn xã hội, hệ thống chính trị; làm tốt công tác tuyên truyền.
Thủ tướng yêu cầu hoàn thiện và tổ chức triển khai nhanh công tác xây dựng thể chế, không được xin hoãn, xin lùi, làm chậm tiến độ. Đối với các luật đã ban hành như: Đất đai (sửa đổi), Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Nhà ở (sửa đổi)… các bộ, ngành cố gắng đến ngày 30/5 hoàn thiện dự thảo các Nghị định, Thông tư để triển khai sớm. Bộ Tư pháp và Văn phòng Chính phủ phối hợp với các cơ quan để trình các cơ quan có thẩm quyền; chúng ta tiếp tục cải tiến cách làm để nâng cao chất lượng công tác xây dựng thể chế.