Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật

NDO -

Ngày 18/11, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ chuyên đề pháp luật tháng 11/2021, thảo luận về 6 đề nghị xây dựng các dự án luật.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu ý kiến tại phiên họp.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu ý kiến tại phiên họp.

Cùng chủ trì phiên họp có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Phạm Bình Minh, Lê Minh Khái, Lê Văn Thành. Cuộc họp được kết nối trực tuyến đến điểm cầu trụ sở Bộ Thông tin và Truyền thông.

Phát biểu ý kiến mở đầu cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, triển khai 3 khâu đột phá chiến lược được xác định tại Đại hội XIII của Đảng, trong đó có khâu đột phá về thể chế, căn cứ tình hình thực tiễn từ đầu nhiệm kỳ tới nay và chương trình xây dựng pháp luật theo nghị quyết của Bộ Chính trị, Chính phủ tổ chức họp phiên chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 11/2021.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật -0

Quang cảnh phiên họp.

Trong nhiều tháng qua, Chính phủ đều có các phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật. Các cơ quan đã căn cứ chương trình làm việc, tích cực chuẩn bị các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật để trình các cấp có thẩm quyền.

Tại phiên họp này, Chính phủ sẽ thảo luận về các đề nghị xây dựng Luật Giá (sửa đổi), Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi), Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), Luật Lưu trữ (sửa đổi), Luật Phòng chống rửa tiền (sửa đổi).

Phát biểu ý kiến kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao các ý kiến tại phiên họp; nêu rõ, đây là việc làm theo chủ trương ưu tiên cao nhất xây dựng và hoàn thiện thể chế, phục vụ 3 đột phá chiến lược như Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định. Thủ tướng cho biết, tại nhiều cuộc họp, Nghị quyết, Chính phủ giành ưu tiên cho việc xây dựng và hoàn thiện thể chế. Thực tế, hằng tháng, Chính phủ đều có họp chuyên đề xây dựng pháp luật. Thủ tướng đánh giá cao các cơ quan góp phần chuẩn bị để có đề án Luật mới, bổ sung, sửa đổi; đánh giá, chúng ta đang kế thừa và phát huy tốt công việc này của các nhiệm kỳ qua.

Thủ tướng đề nghị các Bộ trưởng, trưởng ngành tập trung công tác lãnh đạo, chỉ đạo; trực tiếp làm các công việc xây dựng và hoàn thiện thể chế. Tăng cường nguồn lực gồm lựa chọn cán bộ, những người có kinh nghiệm, chuyên gia hiểu biết về pháp luật, có thực tiễn, lý luận để tập trung công tác này. Đầu tư cơ sở vật chất và điều kiện để chúng ta làm việc tốt hơn. Liên quan tài chính, Thủ tướng đề nghị Bộ trưởng Tư pháp thảo luận với Bộ trưởng Tài chính bố trí chi thường xuyên để cân đối đầu tư cho việc này.

Thủ tướng yêu cầu nâng cao chất lượng xây dựng thể chế, nâng cao chất lượng tổ chức thực hiện, thực thi pháp luật; đặc biệt coi trọng tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến người dân. Chúng ta đã xác định người dân, doanh nghiệp vừa là chủ thể, do đó mọi chính sách phải hướng đến người dân, doanh nghiệp.

Người dân là chủ thể phải được tham gia quá trình này; khẳng định lại quan điểm, con người vừa là trung tâm, chủ thể, mục tiêu và động lực của sự phát triển. Phải quán triệt tinh thần này trong xây dựng và hoàn thiện thể chế. Phải tăng cường phân cấp, phân quyền trong quá trình hoàn chỉnh pháp luật; tăng cường giám sát kiểm tra; cá thể hóa trách nhiệm; phân bổ nguồn lực công khai minh bạch, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Giải quyết hài hòa quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội; phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tích cực chủ động hội nhập quốc tế bởi vì tất cả những điểm này đều liên quan việc hoàn thiện thể chế.

Thủ tướng đề nghị các Bộ trưởng, thành viên Chính phủ, trưởng ngành, đơn vị trực thuộc Chính phủ đầu tư công sức, trí tuệ vào lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng và hoàn thiện thể chế pháp luật, đem lại hiệu quả, bảo đảm yêu cầu mục tiêu đề ra.