Thủ tướng Phạm Minh Chính: Chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của nhân dân

NDO -

Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai thực hiện vấn đề vaccine cho trẻ em.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc họp. (Ảnh: TRẦN HẢI).
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc họp. (Ảnh: TRẦN HẢI).

Chiều 5/9, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 chủ trì cuộc họp trực tuyến của ban chỉ đạo với các địa phương cả nước về công tác ứng phó dịch bệnh Covid-19 trong tình hình hiện nay.

Tham dự tại Trụ sở Chính phủ và các điểm cầu có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Ủy viên T.Ư Đảng thuộc các bộ, ban, ngành, cơ quan T.Ư. Cuộc họp được truyền trực tuyến tới 63 tỉnh, thành phố; 705 quận huyện; 9.043 xã, phường cả nước trong cả nước.  

Tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo các địa phương báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn, nêu những nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, trong đó khẳng định chủ trương lấy xã, phường, thị trấn làm pháo đài, người dân là chiến sĩ trong phòng, chống dịch; việc tăng cường đưa dịch vụ y tế về cơ sở để phục vụ người dân ngay tại cơ sở là hoàn toàn đúng đắn.

Các địa phương cũng nêu các kinh nghiệm trong điều trị các ca F0 tại các khu thu dung, khu điều trị, đồng thời coi trọng biện pháp động viên tinh thần cho người bệnh, giúp họ vững tin, lạc quan chiến thắng dịch bệnh. Các địa phương cũng kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục quan tâm, chỉ đạo, hỗ trợ địa phương trong công tác này, nhất là mong muốn được tăng cường tiêm vaccine cho người dân và tiêm vaccine cho trẻ em càng sớm càng tốt.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đặt nhiều câu hỏi đối với lãnh đạo các xã, phường để kiểm tra việc ứng trực phòng, chống dịch; việc quan tâm, chăm lo đời sống nhân dân, giúp người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn do đại dịch. 

Đồng chí Đỗ Văn Chiến, Bí thư T.Ư Đảng, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam khẳng định chủ trương của Chính phủ là lấy xã, phường làm pháo đài chống dịch, người dân là chiến sĩ là hoàn toàn chính xác. Vấn đề là tổ chức thực hiện hiệu quả. Trong lúc khó khăn này, việc Thủ tướng Chính phủ đi sâu, đi sát, nắm bắt cơ sở rất đúng lúc, kịp thời, góp phần quan trọng kịp thời an dân. Đồng chí cũng kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần tăng cường bảo đảm an sinh xã hội cho nhân dân... 

Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an kiến nghị, trước tình hình ở một nước chung quanh, tỷ lệ trẻ em tử vong vì Covid-19 bắt đầu gia tăng nhanh, Chính phủ cần nghiên cứu có giải pháp tiêm vaccine cho trẻ em, phấn đấu trong học kỳ I, giúp các em yên tâm trở lại trường lớp. Đồng chí nêu rõ cần có biện pháp cụ thể để bảo đảm mốc ngày 15/9 này kiểm soát được dịch bệnh vì nhân dân đang rất kỳ vọng; Ban Chỉ đạo cần có kịch bản sau ngày 15/9 để phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm đời sống nhân dân… 

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư nhấn mạnh cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân tin tưởng,quyết tâm, phấn khởi, hưởng ứng, đồng lòng trong công tác phòng, chống dịch. Đồng chí cũng nhấn mạnh tinh thần mới trong tuyên truyền là đoàn kết, nhân ái, chia sẻ vượt qua khó khăn, niềm tin chiến thắng dịch bệnh được nâng lên; kiến nghị cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để đối thoại trực tiếp với nhân dân nhằm nắm bắt tâm tư, tình cảm, nguyện vọng, hỗ trợ kịp thời nhân dân; đẩy mạnh tuyên truyền tấm gương người tốt việc tốt, mô hình, cách làm hay; tăng cường đấu tranh chống lại các thông tin xấu, độc hại, nhất là trên không gian mạng.   

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của nhân dân -0
 Cuộc họp trực tuyến của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, ngày 5/9, tại Trụ sở Chính phủ. (Ảnh: TRẦN HẢI). 

Phát biểu ý kiến kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước ghi nhận sự hưởng ứng, đồng tình vào cuộc, chia sẻ, thông cảm của nhân dân để thực hiện được mục tiêu kép; thấu hiểu những mất mát, chịu đựng của nhân dân trong lúc giãn cách xã hội.

Chúng ta rút kinh nghiệm hai năm qua, học hỏi kinh nghiệm thế giới, qua đó, từng bước hoàn thiện biện pháp chống dịch, cho thấy những giải pháp đang đi “đúng, trúng”; điều chỉnh công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện từ tập trung sang kết hợp hài hòa vừa lãnh đạo, chỉ đạo chuyên sâu, lại phân cấp, phân quyền, phân tán, lấy xã, phường, thị trấn làm pháo đài, người dân là chiến sĩ, người dân là chủ thể, trung tâm trong phòng, chống dịch, chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của nhân dân…

Chúng ta sẽ thích ứng an toàn dịch bệnh để thực hiện hai mục tiêu vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế - xã hội, đạt mục tiêu như Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Quốc hội đề ra. Chúng ta cũng ghi nhận nhân dân, đội ngũ tri thức, nhà khoa học trong nước và nước ngoài thường xuyên đóng góp ý kiến cho công tác phòng, chống dịch.

Theo Thủ tướng, kết quả công tác chống dịch vừa qua chưa được như mong muốn do khâu tổ chức thực hiện ở các cấp, do đó cần phân tích, mổ xẻ thấy nguyên nhân chủ quan để mỗi cấp tự soi, tự sửa, hoàn thiện, bổ sung để thực hiện tốt hơn, nhất là cấp cơ sở. Chúng ta cần tập trung thống nhất xuyên suốt, tổ chức thực hiện phân cấp, phân quyền cho xã, phường, thị trấn để thực hiện chủ trương chống dịch từ xa, từ sớm, từ cơ sở. 

Thủ tướng nêu rõ, tình hình dịch bệnh vẫn phức tạp, khó lường, đời sống nhân dân càng khó khăn nếu tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội, rồi đứt gẫy chuỗi cung ứng, doanh nghiệp càng khó khăn. Chúng ta thấu hiểu, chia sẻ khó khăn để có quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, nhiều hơn, nỗ lực đạt mục tiêu đề ra, nhất là kiểm soát được dịch bệnh, nhanh chóng đưa đất nước trở lại trạng thái bình thường mới.

Cần rút kinh nghiệm đối với những biện pháp vận dụng cụ thể; trước khi đưa ra cái gì mới khác với chỉ đạo của Chính phủ cần chuẩn bị kỹ lưỡng kể cả thời điểm, cách làm, đánh giá tác động, chuẩn bị truyền thông, báo cáo cấp thẩm quyền…

Chúng ta đã hy sinh phát triển kinh tế - xã hội thì đổi lại chúng ta phải kiềm chế, kiểm soát được dịch bệnh. Cần ngăn chặn, đón đầu dịch bệnh chứ không phải chạy theo dịch bệnh. Khi thực hiện giãn cách phải thực hiện nghiêm "ai ở đâu ở đó", không để ai "thiếu ăn, thiếu mặc". Tiếp cận sớm nhất, nhanh nhất các dịch vụ y tế ngay tại cơ sở, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Thủ tướng cũng giao các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, hoàn thiện chính sách hỗ trợ cho lực lượng tuyến đầu. 

Tăng cường bảo đảm an ninh trật tự tại các khu công nghiệp, nếu không làm tốt dế bùng phát thành điểm nóng, nhất là Đồng Nai, Bình Dương; bảo đảm an ninh mạng; tăng cường chống hàng giả, nhất là thuốc giả. Phát huy sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành quán triệt "chống dịch như chống giặc".

Những nơi chưa kiện toàn các ban chỉ đạo thì phải kiện toàn ngay, xây dựng quy chế làm việc, thành lập trung tâm chỉ huy nhất là nơi thực hiện giãn cách và tăng cường giãn cách, ứng trực 24/24 giờ. Khi mục tiêu đã rõ, chiến lược đã thông, khẳng định rõ biện pháp, cần quán triệt nghiêm túc, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, phân cấp, phân quyền trong tổ chức thực hiện, tăng cường kiểm tra, giám sát các cấp, các ngành, nhất là các xã, phường, thị trấn.

Thủ tướng lưu ý những điểm quan trọng: nâng cao hiệu lực, hiệu quả, trách nhiệm người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền các cấp, xác định mục tiêu cụ thể, kiểm soát dịch bệnh theo tiêu chí của Bộ Y tế; kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm, buông lỏng, lơ là, chủ quan, mất cảnh giác. Kịp thời động viên, khen thưởng người làm tốt. Các địa phương đang giãn cách và tăng cường giãn cách thực hiện nghiêm "ai ở đâu ở đó", bảo đảm an sinh xã hội, không để người dân "thiếu ăn, thiếu mặc", bảo đảm mọi người dân tiếp cận dịch vụ y tế từ sớm, từ xa ngay tại xã phường. 

Tiếp tục nâng cao nâng cao năng lực điều trị và bảo đảm máy thở, ô-xy y tế, nhất là ở tầng 2 trong tháp điều trị 5 tầng, giảm nguy cơ tử vong. Thiết lập, vận hành hiệu quả các trạm y tế lưu động. Khẩn trương tiêm vaccine với các hình thức. Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An hoàn thành tiêm mũi 1 cho tất cả những người từ 18 tuổi trở lên, hoàn thành mũi 2 cho những người đủ thời gian; tiếp cận sớm các loại thuốc điều trị Covid-19.

Phát huy vai trò của MTTQ các cấp. Từng bước khôi phục và phát triển sản xuất tại các địa phương kiểm soát được dịch bệnh, sản xuất phải an toàn, an toàn để sản xuất. Tăng cường lưu thông hàng hóa, bảo đảm hàng hóa, nguyên liệu cho sản xuất; các địa phương không ban hành “giấy phép con”.

Việc thiết lập hệ thống điều hành chỉ huy đến cấp xã, phường, thị trấn là để Thủ tướng có thể kiểm tra, giám sát đến cấp cơ sở; thành công hay không là ở cấp cơ sở này. Tuy nhiên, cấp trên không làm thay việc cấp dưới, tỉnh không làm thay huyện, huyện không làm thay xã.  

Nhân dịp này, Thủ tướng kêu gọi nhân dân thông cảm, chia sẻ và tích cực tham gia phòng chống dịch, nhất là việc thực hiện giãn cách xã hội để ngăn chặn lây lan. Trong lúc đang đẩy mạnh tiêm vaccine bảo đảm thích ứng an toàn với dịch Covid-19, chúng ta thực hiện phòng, chống dịch cơ bản vẫn là biện pháp giãn cách xã hội để ngăn chặn lây lan ra cộng đồng đòi hỏi phải có sự chia sẻ, thông cảm hưởng ứng của nhân dân. 

Thủ tướng cũng chỉ đạo xét nghiệm diện rộng, thần tốc tới tất cả người dân, nhất là các địa bàn có nguy cơ cao, “vùng đỏ” thì xét nghiệm 100% dân số trong vòng 3-5 ngày/lần để nhanh chóng đưa F0 ra, đưa địa bàn trở về xanh. Các địa phương đang “vùng xanh” vẫn tiếp tục xét nghiệm tầm soát thường xuyên, sớm phát hiện F0 và truy vết nhanh, dập dịch nhanh.

Giãn cách xã hội hoặc tăng cường giãn cách xã hội thì phải có mục tiêu rõ ràng, cụ thể về kiểm soát được dịch bệnh. Mục tiêu mà làm “chập chờn” thì mất cả hai: không kiểm soát được dịch mà kinh tế thì thiệt hại, đời sống nhân dân thì bị ảnh hưởng. 

Khi đã tiêm được 2 mũi vaccine cho người dân thì có thể thiết lập kịch bản thích ứng an toàn: giao thông an toàn, đi lại an toàn, sản xuất an toàn, dịch vụ an toàn và ý thức an toàn để bảo vệ mình, bảo vệ gia đình, bảo vệ cộng đồng xã hội. Tăng cường bảo đảm an sinh xã hội, an dân, an ninh trật tự là tiền để bảo đảm chống dịch thành công. Dứt khoát không để cho người dân nào “thiếu ăn, thiếu mặc”.  Truyền thông là để “Dân biết - Dân hiểu - Dân tin - Dân theo - Dân làm”.

Thủ tướng cũng chỉ đạo các cơ quan liên quan xây dựng kịch bản khôi phục kinh tế xã hội; chủ động các kịch bản thích ứng an toàn dịch bệnh khi có vaccine nhiều hơn, phủ rộng hơn. Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai thực hiện vấn đề vaccine cho trẻ em.

Tập trung khống chế dịch Covid-19 lây lan