Phát biểu ý kiến tại buổi tiếp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định hai nước, hai dân tộc có quan hệ gắn bó, truyền thống, tin tưởng lẫn nhau; với đà phát triển hiện nay, Ấn Độ sẽ trở thành một cường quốc hiện đại, có vai trò quốc tế xứng đáng hơn nữa ở khu vực và thế giới. Thủ tướng mong hai bên nỗ lực đưa kim ngạch thương mại song phương đạt 15 tỷ USD vào năm 2020. Thủ tướng đánh giá cao thiện chí của Ấn Độ dành các khoản tín dụng ưu đãi, hỗ trợ phát triển và hỗ trợ kỹ thuật trong nhiều lĩnh vực mà Việt Nam đang có nhu cầu. Thủ tướng mong Ấn Độ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc phòng, tăng cường hỗ trợ đào tạo quốc phòng cho Việt Nam. Chính phủ Việt Nam ủng hộ Ấn Độ tiếp tục hợp tác thăm dò, khai thác dầu khí; tăng cường kết nối về cả đường bộ và hàng không; xem xét tạo thuận lợi tối đa cho các hãng hàng không sớm mở các đường bay thẳng kết nối giữa các trung tâm chính trị, kinh tế lớn của hai nước. Thủ tướng đề nghị Bộ Ngoại giao hai nước sớm hoàn tất xây dựng Chương trình Hành động triển khai quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện…
Thủ tướng khẳng định, hai nước cần phối hợp tốt trên các diễn đàn đa phương; Việt Nam ủng hộ chính sách Hành động hướng Đông của Ấn Độ cũng như ủng hộ Ấn Độ có vai trò và vị thế cao hơn ở khu vực; ủng hộ Ấn Độ tăng cường liên kết, kết nối về mọi mặt với ASEAN. Đánh giá cao lập trường và các phát biểu tích cực của Ấn Độ về vấn đề Biển Đông thời gian qua. Thủ tướng mong Ấn Độ với tư cách là nước lớn có tiếng nói quan trọng ở khu vực, tiếp tục lên tiếng mạnh mẽ ủng hộ hòa bình, ổn định, an toàn, an ninh và tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông; đề cao việc tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Qua Quốc vụ khanh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi lời thăm hỏi và chúc sức khỏe tới Thủ tướng Ấn Độ N.Mô-đi.
Quốc vụ khanh V.K.Xinh chuyển thư của Thủ tướng Ấn Độ N.Mô-đi tới Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ông bày tỏ, nhân dân Ấn Độ, nhất là các quân nhân, luôn ngưỡng mộ cuộc đấu tranh giành độc lập của Việt Nam; Ấn Độ may mắn có những người bạn như Việt Nam. Quốc vụ khanh nhấn mạnh, hai nước cần xây dựng lộ trình và kế hoạch rõ ràng để quan hệ song phương tương xứng Đối tác chiến lược toàn diện. Ấn Độ đang nỗ lực triển khai cam kết cấp tín dụng cho Việt Nam như Thủ tướng N.Mô-đi đã tuyên bố; nỗ lực đẩy mạnh hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực an ninh mạng, phòng vệ thương mại, đào tạo quốc phòng; hàng không vũ trụ; phát triển các loại thuốc y học cổ truyền… Khẳng định hai nước còn rất nhiều tiềm năng mở rộng hợp tác, ông đề nghị cần tạo điều kiện cho người dân hai nước tăng cường giao lưu, do đó cần mở các đường bay kết nối các thành phố giữa Việt Nam và Ấn Độ; quan tâm vận tải đường biển hai nước để tăng cường giao lưu thương mại, qua đó góp phần giảm giá thành hàng hóa. Các bộ, ngành hai bên cần trao đổi cụ thể hơn về vấn đề này.
* Cùng ngày, tại Nhà khách Chính phủ, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn hội kiến Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Ấn Độ V.K.Xinh. Hai bên nhất trí phối hợp triển khai các hoạt động đối ngoại quan trọng trong Năm hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ 2017, thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực ưu tiên, như quốc phòng-an ninh, thương mại và đầu tư, năng lượng, đào tạo nâng cao năng lực, chuyển giao công nghệ, nghiên cứu khoa học... Hai bên cho rằng cần khai thác các tiềm năng và tăng cường hơn nữa hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, phấn đấu đưa kim ngạch thương mại hai chiều đạt 15 tỷ USD vào năm 2020.
Hai bên nhất trí tiếp tục phối hợp và ủng hộ nhau tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, các cơ chế như hợp tác ASEAN - Ấn Độ, Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)... Về vấn đề Biển Đông, hai bên tái khẳng định quyết tâm hợp tác nhằm duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông trên cơ sở các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982; nhấn mạnh tầm quan trọng phải triệt để tôn trọng Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và mong muốn các bên liên quan sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
* Trước đó, trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam, ngày 20-4, Quốc vụ khanh V.K.Xinh đã dự lễ khai trương Trung tâm Văn hóa Ấn Độ tại Hà Nội. Quốc vụ khanh Ấn Độ nhấn mạnh, sự ra đời của Trung tâm Văn hóa Ấn Độ tại Hà Nội là minh chứng rõ ràng cho mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và Ấn Độ.
* Tối 21-4, Quốc vụ khanh Ấn Độ V.K.Xinh và đông đảo khách mời tham dự Chương trình nghệ thuật hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ, do Cục Nghệ thuật biểu diễn phối hợp Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam tổ chức tại Nhà hát TP Hà Nội.
* Chiều 21-4, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Tổng Thư ký Tòa Trọng tài thường trực (PCA) H.Síp-lét.
Phát biểu ý kiến tại buổi tiếp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh ông Tổng Thư ký thăm làm việc tại Việt Nam; đánh giá cao quan hệ của PCA với Việt Nam và mong muốn phát triển mối quan hệ này mạnh mẽ hơn nữa. Đánh giá cao vai trò của PCA, Thủ tướng cho biết, sẽ giao Bộ Ngoại giao làm đầu mối thúc đẩy mối quan hệ với PCA; hoan nghênh việc PCA mở văn phòng thường trú tại Việt Nam. Thủ tướng cảm ơn sự hỗ trợ của PCA, cá nhân Phó Tổng thư ký PCA B. Đê-ly hỗ trợ hợp tác đào tạo giúp Việt Nam; nhấn mạnh, Việt Nam đang đẩy mạnh hợp tác quốc tế toàn diện, do đó mong PCA tư vấn những vấn đề liên quan. Về những đề nghị của PCA, Thủ tướng giao các bộ, ngành chức năng nghiên cứu và sớm trả lời.
Tổng Thư ký PCA H.Síp-lét cảm ơn việc Chính phủ Việt Nam đồng ý để PCA mở văn phòng thường trú tại Việt Nam; khẳng định điều này hỗ trợ tốt, thuận lợi cho các hoạt động của PCA, tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ đào tạo cho các luật sư, cán bộ của Việt Nam cũng như trao đổi công tác. Ông cũng khẳng định, PCA mong muốn tăng cường quan hệ hợp tác sâu rộng hơn nữa với Việt Nam.
* Chiều cùng ngày, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp bà Thái Bội Quân, Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn Bảo Thành (Đài Loan, Trung Quốc).
Phát biểu ý kiến tại buổi tiếp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Chính phủ Việt Nam luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư làm ăn thành công tại Việt Nam, trong đó có Tập đoàn Bảo Thành. Thủ tướng tin tưởng với những gì đạt được trong đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam thời gian qua, chắc chắn Tập đoàn sẽ gặt hái nhiều thành công hơn nữa. Thủ tướng đánh giá cao các hoạt động từ thiện của Tập đoàn, nhất là hướng về người nghèo, người dân vùng bị thiên tai. Thủ tướng cũng hoan nghênh Bảo Thành chú trọng đào tạo nhân sự cho Việt Nam thay thế các vị trí quan trọng trong các nhà máy của Tập đoàn. Thủ tướng mong Bảo Thành ứng xử tốt, chăm lo cải thiện đời sống cho người lao động Việt Nam. Thủ tướng khẳng định, Chính phủ Việt Nam làm hết sức mình để tạo môi trường vĩ mô ổn định, môi trường hòa bình, ổn định để phát triển thịnh vượng. Thủ tướng mong Bảo Thành tiếp tục phát triển, mở rộng sản xuất ở Việt Nam, nghiên cứu đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp - lĩnh vực có rất nhiều tiềm năng phát triển ở Việt Nam.
Bà Thái Bội Quân cho biết, Tập đoàn có 460 nghìn lao động tại các nhà máy trên toàn thế giới, riêng tại Việt Nam, có hơn 160 nghìn lao động. Ngoài đầu tư gia công cho các thương hiệu lớn trên thế giới, Tập đoàn cũng phát triển các hệ thống bán lẻ. Tập đoàn luôn quan tâm chăm lo đời sống người lao động, thể hiện trách nhiệm với xã hội, cộng đồng; quan tâm công tác từ thiện, an sinh xã hội, giúp đỡ người nghèo, người dân ở vùng bị thiên tai. Tập đoàn quyết định thành lập Quỹ Xã hội Bảo Thành để nâng cao hiệu quả công tác thiện nguyện ở Việt Nam. Bà khẳng định Tập đoàn cam kết đầu tư làm ăn lâu dài, tuân thủ nghiêm chỉnh các quy định về bảo vệ môi trường; chú trọng đào tạo lao động Việt Nam để thay thế các vị trí quan trọng.