Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Australia; Đại sứ, Trưởng phái đoàn EU tại Việt Nam

Ngày 28-5, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Australia G. Bishop đang thăm làm việc tại Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Ngoại giao Australia G. Bishop. Ảnh: TRẦN HẢI
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Ngoại giao Australia G. Bishop. Ảnh: TRẦN HẢI

Phát biểu ý kiến tại buổi tiếp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, chuyến thăm của Bộ trưởng G.Bishop diễn ra trong bối cảnh hết sức đặc biệt, ngay sau chuyến thăm chính thức Việt Nam của Toàn quyền Australia Cosgrove, là bước đi quan trọng nhằm cụ thể hóa quan hệ Đối tác chiến lược tin cậy, sâu sắc giữa Việt Nam và Australia; đánh giá cao kết quả hội đàm giữa Bộ trưởng G.Bishop và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh.

Thay mặt Chính phủ và nhân dân Việt Nam, Thủ tướng trân trọng cảm ơn Chính phủ và nhân dân Australia hỗ trợ Việt Nam nguồn vốn phát triển cơ sở hạ tầng, trong đó có cầu Cao Lãnh vừa mới khánh thành - là một trong những biểu tượng sinh động, hiệu quả của quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa hai nước. Thủ tướng nêu rõ, nhân dân Việt Nam luôn dành tình cảm tốt đẹp đối với nhân dân Australia và mong muốn thúc đẩy giao lưu, hợp tác với Australia trên nhiều lĩnh vực.

Bộ trưởng Ngoại giao Australia G.Bishop bày tỏ vinh dự đến Việt Nam nhân dịp hai nước kỷ niệm 45 năm Thiết lập quan hệ ngoại giao; cho biết, bà vừa có cuộc gặp và hội đàm thành công với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và hai bên thảo luận nhiều biện pháp tăng cường quan hệ hai nước, đồng thời dự lễ khánh thành cầu Cao Lãnh - công trình sử dụng một phần vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Australia, giúp người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long được hưởng lợi, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực.

Bà G.Bishop nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy triển khai nội hàm Đối tác chiến lược nhằm thúc đẩy hợp tác, đưa quan hệ hai nước đi vào chiều sâu, thực chất trên nhiều lĩnh vực; cho rằng cần tăng cường hơn nữa việc kết nối, thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư song phương. Cùng với mối quan hệ hai nước ngày càng đi vào chiều sâu, Bộ trưởng vui mừng cho biết, ngày càng nhiều doanh nghiệp Australia đầu tư vào Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, trong đó có những dự án lớn tạo nhiều việc làm.

Bộ trưởng nêu rõ, lĩnh vực giáo dục là một trong những trụ cột hợp tác song phương. Australia luôn ủng hộ và tăng cường hợp tác về giáo dục với Việt Nam; đánh giá cao những sinh viên Việt Nam học tập, nghiên cứu tại nước này, xứng đáng là cầu nối đóng góp cho sự phát triển quan hệ hai nước. Bà G.Bishop cũng bày tỏ quan điểm của Australia về vấn đề Biển Đông như trong Tuyên bố chung ASEAN - Australia. Theo đó, Australia ủng hộ việc duy trì tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông; ủng hộ việc giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là Công ước về Luật Biển của Liên hợp quốc 1982.

Nhất trí với ý kiến của Bộ trưởng G.Bishop, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, hai bên cần nỗ lực triển khai những thỏa thuận của Đối tác chiến lược, nhất là tăng cường quan hệ thương mại song phương, qua đó đem lại lợi ích cho người dân. Hai nước cần đẩy mạnh giao lưu nhân dân, khai thác tiềm năng du lịch, đẩy mạnh hợp tác giáo dục - đào tạo. Hiện có khoảng 30 nghìn sinh viên, học sinh Việt Nam đang du học tại Australia, đây là vốn quý, nền tảng quan trọng cho quan hệ hai nước trong hiện tại cũng như tương lai.

Thủ tướng nêu rõ, Australia là nước phát triển, với nhiều tiềm năng đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ mà Việt Nam rất cần hợp tác; mong hai bên tiếp tục phối hợp, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn quốc tế; đề nghị Australia ủng hộ lập trường, quan điểm của Việt Nam cũng như của ASEAN về vấn đề Biển Đông. Thủ tướng đánh giá, chuyến thăm này của Bộ trưởng G.Bishop có ý nghĩa quan trọng trong việc tăng cường và củng cố quan hệ đối tác chiến lược hai quốc gia.

* Chiều cùng ngày, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Đại sứ, Trưởng phái đoàn Liên hiệp châu Âu (EU) tại Việt Nam B.Angelet.

Phát biểu ý kiến tại buổi tiếp, bày tỏ vui mừng gặp lại ông B.Angelet sau Hội nghị Gặp gỡ châu Âu vừa được tổ chức tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao Phái đoàn EU đã phối hợp với phía Việt Nam tổ chức thành công sự kiện này; tin tưởng sau hội nghị, việc hợp tác giữa các địa phương Việt Nam với các đối tác, doanh nghiệp châu Âu sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ, góp phần làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với EU và các nước thành viên.

Đại sứ B.Angelet nêu một số kiến nghị, biện pháp thúc đẩy hợp tác giữa hai bên, trong đó có việc tiến tới ký Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA); việc triển khai Hiệp định khung về Đối tác và Hợp tác toàn diện (PCA); vấn đề Ủy ban châu Âu (EC) rút “thẻ vàng” đối với hải sản của Việt Nam... Đại sứ mong muốn hai bên sẽ nỗ lực hết sức để có thể ký kết EVFTA vào cuối năm nay. Đại sứ cho biết, đoàn công tác của EU đã đến làm việc 10 ngày tại Việt Nam và đánh giá cao nỗ lực gần đây của Việt Nam trong việc khắc phục tình hình đánh bắt hải sản trái phép; đồng thời khẳng định, EU sẵn sàng hỗ trợ phía Việt Nam trong việc xử lý vấn đề này.

Hoan nghênh các ý kiến của Đại sứ B.Angelet, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Việt Nam rất coi trọng quan hệ hợp tác với châu Âu, hy vọng hai bên sẽ sớm ký kết EVFTA. Liên quan lĩnh vực hải sản, Thủ tướng cho biết, đã được Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo về việc đoàn công tác của EU đến Việt Nam kiểm tra việc khắc phục “thẻ vàng” đối với hải sản Việt Nam. Theo Thủ tướng, thời gian qua, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã vào cuộc quyết liệt, trên cơ sở các ý kiến của đoàn công tác, phía Việt Nam sẽ tiếp tục hành động tích cực và mạnh mẽ hơn nữa. Về PCA, Thủ tướng khẳng định, Việt Nam sẽ tăng cường hợp tác với EU để triển khai hiệp định này.

* Ngày 28-5, tại Trụ sở Bộ Ngoại giao, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cùng Bộ trưởng Ngoại giao Australia G. Bishop đồng chủ trì Cuộc họp Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam - Australia lần thứ nhất. Hai bên nhất trí phối hợp chặt chẽ trong việc triển khai các nội hàm đã được thống nhất trong Tuyên bố chung về thiết lập đối tác chiến lược Việt Nam - Australia và thực hiện thành công các mục tiêu đã đề ra trong Chương trình hành động 2016-2019.

Hai Bộ trưởng cho rằng, hợp tác trong lĩnh vực kinh tế - thương mại - đầu tư là trọng tâm của quan hệ đối tác chiến lược; nhất trí cần củng cố hơn nữa lòng tin chiến lược và tin cậy chính trị; mở rộng và làm sâu sắc hơn các lĩnh vực hợp tác; nhấn mạnh quyết tâm khai thác tiềm năng, thế mạnh của mỗi nước và tháo gỡ khó khăn, rào cản; thiết lập thêm các cơ chế đối thoại và trao đổi thông tin; đẩy mạnh những lĩnh vực hợp tác có tác động tích cực và trực tiếp đối với việc thắt chặt tình hữu nghị và giao lưu nhân dân như giáo dục, văn hóa, thể thao, du lịch...

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đánh giá cao Australia tiếp tục dành cho Việt Nam mức ODA cao thứ ba trong khu vực Đông - Nam Á; đề nghị hai bên tiếp tục hợp tác, bảo đảm các dự án sử dụng vốn ODA của Australia được hiệu quả, đóng góp thiết thực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Bộ trưởng G.Bishop khẳng định, Australia tiếp tục hợp tác chặt chẽ và hỗ trợ Việt Nam trong tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc; nâng cao năng lực bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải.

Hai Bộ trưởng cũng thảo luận về tình hình khu vực và quốc tế cùng quan tâm; nhất trí tiếp tục phối hợp chặt chẽ và tích cực ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn khu vực và quốc tế. Bộ trưởng G.Bishop khẳng định, Australia ủng hộ sự đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực; có quan điểm nhất quán trong vấn đề Biển Đông; và tiếp tục đóng góp tích cực cho các vấn đề an ninh chiến lược trong khu vực. Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cam kết Việt Nam sẽ tích cực hỗ trợ Australia mở rộng, tăng cường hợp tác với ASEAN và các nước trong khu vực; triển khai Hiệp định đối tác Tiến bộ và Toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cũng như trong các hoạt động và sáng kiến của năm APEC 2018.

Hai bên bày tỏ vui mừng về quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa hai Bộ Ngoại giao trong thời gian qua; nhất trí tiếp tục phối hợp chặt chẽ triển khai các hoạt động kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước; thúc đẩy trao đổi các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao; triển khai các cơ chế, khuôn khổ hợp tác song phương, nhất là cơ chế, khuôn khổ vừa được hình thành như Đối tác kinh tế, Đối tác nông nghiệp, Đối tác đổi mới sáng tạo.