Mùa khô năm 2020-2021, các bộ, ngành chuyên môn dự báo tình hình HH-XNM tiếp tục diễn biến phức tạp và có khả năng ảnh hưởng rất lớn sản xuất, đời sống của người dân. Chính vì vậy, công tác triển khai biện pháp ứng phó phải quyết liệt và hữu hiệu hơn. Trong đó, công tác giám sát, cảnh báo HH-XNM phải thực hiện thường xuyên; triển khai thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu; điều tra, đánh giá phương án cung cấp nguồn nước sinh hoạt của người dân ở khu vực ĐBSCL trong trường hợp xảy ra hạn hán…
Phát biểu ý kiến kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, chúng ta đã dần hình thành ý thức, kể cả chủ trương, biện pháp cũng như những giải pháp khoa học - công nghệ để triển khai, hạn chế thấp nhất hạn mặn. Những kinh nghiệm của các địa phương nêu ra tại cuộc làm việc này cũng rất tốt cho các địa phương khác. Chúng ta cần nhận thức HH-XNM là vấn đề không thể tránh, chỉ có thể hạn chế. Nói là nguy cơ nhưng đồng thời cũng xuất hiện những thời cơ nếu biết ứng phó, thích nghi.
Nhấn mạnh quan điểm “thuận thiên” trong Nghị quyết số 120/NQ-CP, Thủ tướng cho rằng chúng ta cần sống, sinh hoạt, thích nghi điều kiện và môi trường mới. Nhiều nguyên tắc đầu tư, sản xuất, kinh doanh được đề ra trong Nghị quyết dựa trên tinh thần đó. Thủ tướng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ quy hoạch tổng thể phát triển vùng ĐBSCL trong quý IV-2020. Trong đó, lưu ý các vấn đề mới của thời đại nhưng đồng thời nghiêm túc kế thừa nhiều nghiên cứu sâu sắc về ĐBSCL trước đây.
Thủ tướng quán triệt tinh thần không để hộ dân nào thiếu nước sinh hoạt; bảo đảm sản xuất trong tình hình mới, giữ được cả sản lượng nông nghiệp, cả lương thực xuất khẩu, cả trái cây và thủy sản tại ĐBSCL.
Về các biện pháp trước mắt, Thủ tướng nêu rõ, tiếp tục làm tốt công tác truyền thông đến từng hộ gia đình về nguy cơ HH-XNM trong mùa khô để người dân chủ động các biện pháp ứng phó phù hợp. Phát huy tinh thần “bốn tại chỗ”, bắt đầu từ người dân, từ cơ sở là chính. Mỗi hộ gia đình, cơ sở sản xuất, kinh doanh, chủ vườn cần chủ động trữ nước ngọt cho sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh, “tự lo cho mình trước”. Nhà nước tập trung chăm lo, hỗ trợ các hộ nghèo, cận nghèo, gia đình khó khăn. Thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến nguồn nước, dự báo đủ tin cậy, thông tin kịp thời về nguồn nước để triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, nguồn nước, giám sát, tổ chức dự báo chuyên ngành về xâm nhập mặn để phục vụ cho công tác chỉ đạo sản xuất nông nghiệp (SXNN). Thủ tướng giao Bộ NN-PTNT chủ động chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương về thời vụ sản xuất (đẩy sớm thời vụ), chuyển đổi cơ cấu SXNN phù hợp để hạn chế ảnh hưởng của HH-XNM. Trên tinh thần đó, phải tuyên truyền, vận động, hướng dẫn bà con nông dân chỉ gieo sạ lúa ở những nơi bảo đảm nguồn nước tưới để tránh thiệt hại.
Rà soát, xây dựng kế hoạch phòng, chống thiếu nước, HH-XNM từ nay đến hết mùa khô. Hướng dẫn các địa phương trữ nước ngọt cho sinh hoạt, sản xuất, với quy mô từng hộ gia đình, thôn, ấp, xã, phường, tỉnh… Các lực lượng, gồm công an, quân đội nêu cao tinh thần trách nhiệm trước nhân dân, sẵn sàng hỗ trợ người dân khi cần thiết, giải quyết các vấn đề cấp bách về nước uống cũng như các vấn đề khác.
Dịp này, Thủ tướng biểu dương Bộ NN-PTNT cùng với các địa phương hoàn thành một số công trình lớn với diện tích kiểm soát mặn trực tiếp đến gần 700 nghìn ha và 3,6 triệu dân được hưởng lợi. Do đó, Thủ tướng tiếp tục yêu cầu Bộ NN-PTNT và các địa phương đẩy nhanh tiến độ các công trình kiểm soát mặn, trữ nước, cấp nước sinh hoạt.
Bộ Y tế chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng nước sinh hoạt; hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp xử lý nguồn nước nhằm bảo đảm cho người dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh để phòng, tránh phát sinh dịch bệnh do ảnh hưởng của HH-XNM kéo dài.
Bên cạnh cuộc chiến chống hạn hán thì không được quên câu chuyện cũ là chống lũ. Bộ NN-PTNT, Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống thiên tai, các địa phương trong vùng không được phép chủ quan mà cần theo dõi chặt chẽ, kịp thời chỉ đạo triển khai các biện pháp ứng phó khi có lũ theo cấp báo động. Khi có lũ về, phải bảo đảm an toàn tính mạng và hạn chế thiệt hại tài sản cho người dân.
Thủ tướng yêu cầu cần nghiên cứu, đánh giá cụ thể, khoa học, làm cơ sở đề ra và triển khai đồng bộ các biện pháp cả trước mắt và lâu dài. Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban sông Mê Công Việt Nam cần đẩy nhanh nghiên cứu đánh giá tác động của thủy điện, cũng như việc tăng cường sử dụng nước tại các nước thượng nguồn Mê Công đến ĐBSCL để có các giải pháp ứng phó phù hợp.
Bộ Xây dựng chủ trì, cùng với Bộ NN-PTNT và các địa phương tập trung rà soát phương án cấp nước sinh hoạt cho người dân vùng ĐBSCL, nhất là tại khu vực ven biển và vùng bán đảo Cà Mau để đưa vào quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch đầu tư, huy động các nguồn lực để từng bước triển khai thực hiện.
Bộ NN-PTNT tính toán cân đối khả năng bảo đảm nguồn nước cho SXNN, trên cơ sở đó tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhất là tại các khu vực không chủ động được về nguồn nước.
Các địa phương tập trung rà soát lại phương án SXNN, trong đó cần đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu SXNN theo hướng dẫn của Bộ NN-PTNT; chủ động kiểm soát mặn, trữ nước ngọt. Các bộ và địa phương cần nghiên cứu các chính sách phù hợp để hỗ trợ các hộ nghèo, hộ gia đình khó khăn xây bể trữ nước sinh hoạt.
Về các kiến nghị, Thủ tướng nhất trí việc ưu tiên nguồn lực trong kế hoạch trung hạn 2021-2025 để đầu tư công trình thủy lợi nhằm chủ động sản xuất thích ứng điều kiện HH-XNM.
Sáng cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn công tác của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương đã có buổi đi thực tế tại vườn cây ăn quả và gặp gỡ nông dân tại xã Hiệp Đức (huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang).
Tại buổi gặp gỡ các nông dân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt; hạn, mặn xâm nhập sâu vào nội đồng. Trong đợt hạn, mặn vừa qua, nhiều tỉnh ở ĐBSCL bị ảnh hưởng nặng nề. Tuy nhiên, với sự quyết liệt của các địa phương, sự sáng tạo của nông dân trong cách ứng phó đã làm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại cho người dân. Các địa phương và ngành chuyên môn cần tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo SXNN. Trung ương cũng cần có chương trình quốc gia về ngăn mặn, giảm mặn cho khu vực ĐBSCL…