* Nhận lời mời của Chính phủ Nhật Bản, ngày 22-10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự lễ đăng quang của Nhà vua Nhật Bản Na-rư-hi-tô tại thủ đô Tô-ki-ô, Nhật Bản.
Nhà vua Na-rư-hi-tô lên ngôi ngày 1-5-2019 sau khi Nhà vua A-ki-hi-tô, cha của ông, thoái vị ngày 30-4-2019, đưa Nhật Bản bước vào thời đại Lệnh Hòa. Nhà vua Nhật Bản được coi là biểu tượng của đất nước và sự đoàn kết toàn dân của Nhật Bản. Lễ đăng quang của Nhà vua Na-rư-hi-tô được tổ chức trang trọng với sự tham dự đông đảo của khoảng hai nghìn khách mời trong và ngoài nước. Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao Nhật Bản, có 191 quốc gia và tổ chức quốc tế cử đại diện tham dự lễ đăng quang của Nhà vua Nhật Bản lần này, trong đó có 15 Nhà vua/Quốc vương các nước, bảy Hoàng Thái tử, ba đoàn là thành viên Hoàng gia, 67 đoàn cấp Tổng thống, 12 đoàn cấp Phó Tổng thống, 25 đoàn cấp Thủ tướng… Ðây được coi là một trong những sự kiện quốc tế có quy mô lớn nhất, với sự tham dự của nhiều lãnh đạo các nước, tổ chức quốc tế nhất mà Nhật Bản từng tổ chức.
Tại lễ đăng quang, Nhà vua Na-rư-hi-tô đã tuyên thệ sẽ hành động theo đúng Hiến pháp, hoàn thành trọng trách là biểu tượng của đất nước và sự đoàn kết toàn dân của Nhật Bản. Nhà vua bày tỏ mong muốn Nhật Bản, với trí tuệ và sự nỗ lực không ngừng nghỉ của nhân dân Nhật Bản, sẽ tiếp tục phát triển hơn nữa, đóng góp vào tình hữu nghị và hòa bình của cộng đồng quốc tế, cũng như lợi ích và sự thịnh vượng của nhân loại.
Chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc lần này diễn ra trong bối cảnh quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản đang phát triển tốt đẹp, toàn diện và thực chất với sự tin cậy cao về chính trị. Nhật Bản tiếp tục là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam, đối tác lớn nhất về hợp tác viện trợ phát triển chính thức (ODA), nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 2, đối tác thứ 3 về du lịch và thứ 4 về thương mại. Hợp tác trong các lĩnh vực an ninh - quốc phòng, phát triển nguồn nhân lực, hợp tác địa phương và giao lưu nhân dân đạt nhiều kết quả tích cực, thực chất. Cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc tại Nhật Bản đã vượt con số 330 nghìn người, trở thành cộng đồng người nước ngoài lớn thứ 3 tại Nhật Bản. Hai nước cũng tích cực hợp tác tại các diễn đàn đa phương như Liên hợp quốc, ASEAN, APEC…
Nhà vua Na-rư-hi-tô và Hoàng gia Nhật Bản có tình cảm đặc biệt với Việt Nam. Nhà vua Na-rư-hi-tô đã từng thăm Việt Nam năm 2009 trên cương vị Hoàng Thái tử. Thượng hoàng A-ki-hi-tô, cha của Nhà vua Na-rư-hi-tô, là Nhà vua đầu tiên của Nhật Bản đến thăm Việt Nam năm 2017 và đây cũng là chuyến thăm chính thức nước ngoài cuối cùng của ông trước khi thoái vị ngày 30-4 vừa qua.
Việc Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự lễ đăng quang của Nhà vua Na-rư-hi-tô thể hiện Việt Nam rất coi trọng quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản, được Chính phủ, Hoàng gia Nhật Bản đánh giá cao, có ý nghĩa quan trọng đối với việc tăng cường, thúc đẩy hợp tác, giao lưu giữa hai nước trong thời gian tới cũng như thắt chặt hơn nữa quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và Hoàng gia Nhật Bản.
* Chiều 22-10, sau khi dự lễ đăng quang của Nhà vua Nhật Bản, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gặp song phương Thủ tướng Séc A.Ba-bít, Tổng thống Bun-ga-ri R.Ra-đép và Tổng thống An-ba-ni I.Me-ta. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao đổi với các nhà lãnh đạo về những biện pháp đưa quan hệ Việt Nam với các nước đi vào chiều sâu, thiết thực, hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao với cả ba nước vào năm 2020. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sự giúp đỡ quý báu mà nhân dân ba nước đã dành cho Việt Nam trong đấu tranh giành độc lập dân tộc trước đây, coi đây là tài sản quý để Việt Nam cùng các nước phát triển quan hệ trong thời gian tới, vì lợi ích của nhân dân mỗi nước. Lãnh đạo cả ba nước đều bày tỏ sự ngưỡng mộ trước những thành tựu phát triển kinh tế và hội nhập của Việt Nam, nhất trí cần phát huy sự tin cậy và tình hữu nghị giữa Việt Nam với các nước để tăng cường quan hệ song phương. Các nhà lãnh đạo cũng trao đổi về các biện pháp tăng cường hợp tác với Việt Nam trên các diễn đàn quốc tế, khu vực, nhất là khi Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc gìn giữ hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Ðông, ủng hộ việc giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp luật pháp quốc tế.
Thủ tướng Séc đánh giá cao những kết quả hợp tác cũng như trao đổi đoàn gia tăng giữa hai nước thời gian gần đây, tin tưởng khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA) đi vào hiệu lực sẽ đóng góp thiết thực cho quan hệ kinh tế - thương mại - đầu tư giữa hai nước. Thủ tướng A.Ba-bít khẳng định sẽ tạo thuận lợi để Hãng hàng không Bamboo Airways của Việt Nam hoàn thành các thủ tục cần thiết để sớm khai trương đường bay trực tiếp giữa Hà Nội - Pra-ha, tạo điều kiện cho giao thương giữa hai nước. Thủ tướng A.Ba-bít cho biết, phía Séc đang triển khai các biện pháp về lãnh sự để tạo thuận lợi hơn cho đi lại của công dân Việt Nam sang Séc, sẵn sàng tiếp nhận lao động có tay nghề cao, các điều dưỡng viên; mong muốn thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực quốc phòng, khai thác mỏ. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, hàng chục nghìn người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc tại Séc là cầu nối quan trọng để thúc đẩy hơn nữa quan hệ hai nước.
Trong buổi tiếp Tổng thống Bun-ga-ri R.Ra-đép, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, hai bên cần phát huy những thế mạnh của nhau để khai thác các tiềm năng hợp tác còn rất lớn giữa hai nước, trong đó cần chú trọng hợp tác giáo dục - đào tạo, công nghệ thông tin, điện tử, hóa chất, dược phẩm… Hai nhà lãnh đạo nhất trí thúc đẩy sớm cuộc họp của Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác kinh tế - thương mại và khoa học - kỹ thuật giữa hai bên để trao đổi các biện pháp cụ thể thúc đẩy quan hệ hai nước. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao hai nước đã phối hợp tích cực trên các diễn đàn quốc tế; khẳng định, Việt Nam sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi để Bun-ga-ri tăng cường hợp tác với ASEAN khi Việt Nam làm Chủ tịch năm 2020; đồng thời mong muốn Bun-ga-ri sớm phê chuẩn EVIPA và tiếp tục thúc đẩy Nghị viện EU phê chuẩn EVFTA.
Tại cuộc gặp giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với Tổng thống An-ba-ni I.Me-ta, hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh cần tăng cường trao đổi thông tin về nhau, trong đó có hình thức tổ chức các diễn đàn kinh tế thương mại để doanh nghiệp và người dân hai nước nắm bắt được các cơ hội giao thương. Hai nhà lãnh đạo thống nhất cần sớm thúc đẩy đàm phán và ký kết Hiệp định tránh đánh thuế hai lần và Hiệp định bảo hộ và thúc đẩy đầu tư giữa hai nước nhằm tạo cơ sở thuận lợi hai bên tăng cường hợp tác kinh doanh.
Thủ tướng Séc, Tổng thống Bun-ga-ri và Tổng thống An-ba-ni vui vẻ nhận lời mời của lãnh đạo Việt Nam sang thăm Việt Nam vào thời gian thích hợp để đưa quan hệ với Việt Nam ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả, thiết thực.
* Cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp lãnh đạo địa phương và doanh nghiệp lớn của Nhật Bản: Thống đốc tỉnh Ca-na-ga-oa Y.Cư-rô-i-oa; Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn truyền thông Nikkei N.Ô-ca-đa và Tổng Giám đốc Tập đoàn Softbank M.Xơn.
* Tối 22-10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự Tiệc Hoàng gia do Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản chủ trì.
* Cùng ngày, Thủ tướng Nhật Bản S.A-bê phát biểu ý kiến chúc mừng Nhà vua Na-rư-hi-tô và Hoàng gia Nhật Bản. Thủ tướng S.A-bê cam kết, Chính phủ Nhật Bản sẽ cùng Nhà vua nỗ lực hết sức để bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng cuộc sống hạnh phúc cho nhân dân và đóng góp vào hòa bình thế giới. Hàng triệu người dân Nhật Bản đã theo dõi trực tiếp lễ đăng quang của Nhà vua Na-rư-hi-tô qua truyền hình và bày tỏ hy vọng vào thời đại Lệnh Hòa.