Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, diện tích đất nông, lâm trường (NLT) chiếm 10% diện tích đất nông nghiệp cả nước với 1,8 triệu ha; ngoài rừng tự nhiên, rừng phòng hộ thì nhiều nơi ở vị trí đắc địa, có giá trị. Từ đó, Thủ tướng đặt vấn đề "1,8 triệu ha đất này đóng góp gì cho quốc kế dân sinh, cho phát triển nông nghiệp Việt Nam, thậm chí, làm sao để NLT dẫn dắt nông nghiệp Việt Nam phát triển, nhất là phát huy hiệu quả, nâng cao đời sống của nhân dân, đồng bào dân tộc, góp phần giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội của vùng biên cương".
Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) chủ trì cùng Ban Chỉ đạo Ðổi mới và Phát triển doanh nghiệp và Văn phòng Chính phủ hoàn thiện báo cáo, tờ trình, dự thảo Nghị quyết trình Bộ Chính trị. Thủ tướng chỉ rõ, sự chỉ đạo của các địa phương chưa đồng bộ, chặt chẽ, quyết liệt, có dư luận về một số trường hợp cố tình làm chậm, làm trái, lợi ích nhóm, gây thất thoát lãng phí lớn nguồn lực, tài nguyên đất đai, xâm phạm lợi ích của doanh nghiệp, tổ chức và người dân. Phương án sử dụng đất các NLT theo Nghị quyết 30 là đến năm 2015 phải hoàn thành nhưng đến nay vẫn còn 13 địa phương chưa xong. Các NLT phải thực hiện nhiệm vụ chính trị cũng như ba sứ mệnh: một động lực mới của nền kinh tế; là một bộ phận quan trọng của quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp và là phương tiện, công cụ quan trọng để đưa chủ trương, chính sách của Ðảng, Nhà nước, cụ thể là Ðề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi đặc biệt khó khăn vào cuộc sống. Ðể phát triển các CTNLN thật sự bền vững, hiệu quả, phải có cơ chế chính sách khơi thông, có giải pháp quản lý chặt chẽ các nguồn lực đất đai, tài nguyên rừng, nguồn nhân lực tại chỗ, trong đó có ba nguyên tắc rất quan trọng. Ðất đai và tài nguyên rừng phải được giao cho những chủ thể trực tiếp quản lý, sử dụng hiệu quả, nghiêm cấm tình trạng phát canh thu tô, hưởng lợi trung gian. Thứ hai là quan tâm đặc biệt đến tạo việc làm, bảo đảm sinh kế cho người dân địa phương, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần giải quyết tốt vấn đề tái định cư gắn với quản lý, sử dụng đất đai, bảo vệ phát triển rừng. Thứ ba là thu hút mạnh đầu tư, thúc đẩy sớm hình thành các vùng sản xuất nông lâm, sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, thâm canh, ứng dụng công nghệ gắn với công nghiệp chế biến.
Về định hướng thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh: Trước hết là tập trung chỉ đạo việc sắp xếp, đổi mới và phát triển nâng cao hiệu quả hoạt động các CTNLN theo Nghị quyết 30, hoàn thành việc sắp xếp các CTNLN trong năm 2020. Ðối với các CTNLN đã hoàn thành việc sắp xếp thì hoạt động theo pháp luật về doanh nghiệp, tiếp tục nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn tổ chức thực hiện, nhất là vấn đề sử dụng đất, lập bản đồ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, xử lý các trường hợp cho thuê, mượn, lấn chiếm, tranh chấp, liên doanh liên kết trái pháp luật. Cần làm tốt hơn nữa công tác nhận thức và thông tin tuyên truyền, nhất là cấp cơ sở, xóa bỏ tư tưởng bao cấp, dựa vào đất đai của Nhà nước để làm lợi cá nhân mà Nhà nước không quản lý được. Phải có giải pháp cụ thể, thiết thực, tạo việc làm, sinh kế cho đồng bào, nhất là người dân địa phương, không để tình trạng đất do Nhà nước quản lý thì thừa nhưng người dân bị thiếu đất nghiêm trọng, phải đi làm thuê, làm mướn. Các cơ quan chức năng cần rà soát, hoàn thiện hệ thống quy định liên quan sắp xếp, đổi mới CTNLN; ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù, sớm hoàn thiện việc sắp xếp lại; làm tốt công tác cán bộ, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, tham nhũng, lãng phí,...
Thủ tướng yêu cầu Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo rà soát, đánh giá kỹ lại và thực hiện tốt nhiệm vụ sắp xếp, đổi mới các tổng công ty cà-phê, cao-su, lâm nghiệp vì đây là những doanh nghiệp rất lớn, quản lý nhiều đất đai, cần làm nghiêm túc, hiệu quả, bảo đảm an ninh trật tự, chăm lo đời sống, việc làm cho người dân trên địa bàn. Các địa phương phải quyết liệt hơn, xử lý các hạn chế về đất đai, chủ động bố trí kinh phí từ ngân sách địa phương để đo đạc, lập bản đồ địa chính, đưa ra phương án cụ thể với từng NLT.
★ Chiều 18-11, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Ðoàn Hội đồng Giám mục (HÐGM) Việt Nam do Tổng Giám mục Nguyễn Chí Linh, Chủ tịch HÐGM dẫn đầu. Cuộc gặp diễn ra sau thành công của Ðại hội HÐGM Việt Nam lần thứ XIV tháng 10 vừa qua, bầu ra Ban Thường vụ và Chủ tịch các Ủy ban trực thuộc HÐGM Việt Nam nhiệm kỳ 2019-2022.
Phát biểu ý kiến tại buổi tiếp, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng thành công của Ðại hội HÐGM Việt Nam lần thứ XIV; chúc mừng các vị Tổng Giám mục, Giám mục tiếp tục được yêu mến, tín nhiệm bầu chọn tham gia Ban Thường vụ nhiệm kỳ mới. Thủ tướng tin tưởng Tổng Giám mục, Chủ tịch HÐGM Việt Nam và Ban Thường vụ trong nhiệm kỳ mới sẽ có những hướng dẫn các linh mục, tu sĩ, giáo dân Giáo hội Công giáo Việt Nam tiếp tục thực hiện tốt pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong không khí Giáo hội thế giới cũng như Giáo hội Công giáo Việt Nam đang chuẩn bị đón chào Lễ Thiên Chúa Giáng sinh, Thủ tướng gửi lời chúc các vị Tổng Giám mục, Giám mục trong Ban Thường vụ sẽ có mùa Giáng sinh an lành, lãnh nhận nhiều hồng ân để tiếp tục gắn bó với Giáo hội Công giáo Việt Nam, gắn bó cùng dân tộc và đất nước xây dựng nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa giàu mạnh, dân chủ, văn minh.
Tại buổi tiếp, Thủ tướng thông báo với Ðoàn một số kết quả nổi bật đạt được trong xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội đất nước năm 2019, hoàn thành toàn diện và vượt mức 12 chỉ tiêu Quốc hội giao; uy tín của Việt Nam không ngừng được tăng lên trên trường quốc tế. Năm 2020, Việt Nam sẽ đảm nhiệm cương vị Chủ tịch ASEAN và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021. Năm vừa qua, quan hệ Việt Nam với các nước không ngừng được củng cố, tăng cường, trong đó có quan hệ với Va-ti-căng. Trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ luôn hướng đến đối tượng đồng bào vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số với tinh thần "không ai bị bỏ lại phía sau"; luôn cố gắng bảo đảm chế độ, chính sách hỗ trợ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống.
Thủ tướng nhấn mạnh, trong thành tựu chung của đất nước, có sự đóng góp thiết thực của đồng bào Công giáo Việt Nam, nhất là việc đồng bào Công giáo rất tích cực, đồng hành với nhân dân cả nước tham gia các phong trào xây dựng, phát triển đất nước, xây dựng nông thôn mới. Thủ tướng đánh giá cao Ðoàn đại diện HÐGM Việt Nam đã đóng góp tích cực tại cuộc gặp mặt, biểu dương chức sắc, chức việc tôn giáo tiêu biểu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc tháng 8 vừa qua; đánh giá cao nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các chức sắc, chức việc các tôn giáo, trong đó có HÐGM Việt Nam, đề xuất kế sách với Ðảng, Nhà nước trong thực hiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo,... Thông qua phát biểu của đại diện HÐGM Việt Nam, các tôn giáo, các ngành càng thêm hiểu và yêu mến người Công giáo với đường hướng "sống phúc âm giữa lòng dân tộc"; "tốt đời, đẹp đạo",... Thủ tướng đã giao các ngành liên quan nghiên cứu, giải quyết những ý kiến đề nghị của đại diện HÐGM Việt Nam sau cuộc gặp. Ðảng, Nhà nước luôn quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để đáp ứng lợi ích tinh thần, nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo chính đáng của đồng bào, góp phần động viên đồng bào đoàn kết trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc của một đất nước có nhiều tôn giáo và đa dạng về văn hóa. Trên tinh thần đó, Thủ tướng mong muốn đồng bào Công giáo Việt Nam tiếp tục đóng góp tích cực, nhiều hơn nữa vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển đất nước; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Tổng Giám mục Nguyễn Chí Linh thông báo với Thủ tướng về thành công của Ðại hội HÐGM Việt Nam lần thứ XIV; bày tỏ cảm ơn đối với sự quan tâm của Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ và chính quyền các địa phương đóng góp vào thành công của Ðại hội. Tổng Giám mục cũng bày tỏ vui mừng trước kết quả toàn diện, vượt bậc trong xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 của đất nước và những thành tựu trong đối ngoại, góp phần nâng cao uy tín và vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới. Tổng Giám mục bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của Thủ tướng, Chính phủ và các cơ quan chức năng của Việt Nam đối với các hoạt động của HÐGM Việt Nam và các hoạt động Công giáo trong thời gian tới; tạo điều kiện thuận lợi để đồng bào Công giáo đóng góp thiết thực hơn nữa cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Tính đến ngày 30-6-2019, trong tổng số 256 CTNLN, đã có 160 công ty hoàn thành sắp xếp (chiếm 62,5%). Sau sắp xếp nhiều công ty có chuyển biến về phương thức tổ chức quản lý và quản trị doanh nghiệp. Hiện nay, có 69 công ty (44 công ty nông nghiệp và 25 công ty lâm nghiệp) đang thực hiện sắp xếp trong năm 2019 (chiếm 26,95%) tổng số công ty phải sắp xếp. |