Ngày 18-7, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Trưởng Ban chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống tham nhũng đã chủ trì Phiên họp thứ 7 của Ban chỉ đạo, kiểm điểm công tác phòng, chống tham nhũng sáu tháng đầu năm 2008, đề ra phương hướng, nhiệm vụ công tác sáu tháng cuối năm.
Báo cáo của Ban chỉ đạo cho biết, sáu tháng đầu năm, công tác phòng, chống tham nhũng tiếp tục có sự chuyển biến theo hướng tích cực, thể hiện rõ nét trên các mặt nhận thức và hành động của các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương. Tiếp tục khẳng định quyết tâm chính trị cũng như khả năng của hệ thống chính trị và toàn xã hội trong công tác phòng, chống tham nhũng. Tuy nhiên, qua thực hiện còn nổi lên những yếu kém, hạn chế làm ảnh hưởng tới hiệu quả của công tác phòng ngừa phát hiện, xử lý và chất lượng của các cơ quan phòng, chống tham nhũng. Tình hình tham nhũng vẫn diễn biến nghiêm trọng, phức tạp, tệ tham nhũng vẫn đang là mối quan tâm của toàn xã hội.
Trong công tác phát hiện và xử lý các hành vi tham nhũng, Thanh tra Chính phủ đã kết luận tám cuộc thanh tra, phát hiện sai phạm 966,573 tỷ đồng và 45.647 USD, kiến nghị thu hồi 668,647 tỷ đồng và 45.647 USD, kiến nghị xử lý hành chính chín tập thể, 29 cá nhân, chuyển hai vụ việc sang cơ quan điều tra để xem xét trách nhiệm hình sự.
Các tổ chức thanh tra bộ, ngành, địa phương triển khai 4.485 cuộc thanh tra, đã kết thúc 3.239 cuộc, phát hiện sai phạm trị giá 814,12 tỷ đồng, 1.269,6 ha đất, kiến nghị thu hồi 307,253 tỷ đồng, 598,8 ha đất. Ðã thu hồi được 123,25 tỷ đồng, 225,38 ha đất, kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính 101 tập thể, 647 cá nhân, chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ 21 vụ việc với 30 đối tượng.
Về công tác điều tra, truy tố, xét xử, theo báo cáo của Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, năm tháng đầu năm, các cơ quan chức năng đã khởi tố 158 vụ án với 339 bị can về các tội tham nhũng (tăng 8,2% về số vụ và tăng 10% về số bị can so cùng kỳ năm 2007).
Ngành Kiểm sát đã truy tố 192 vụ và 471 bị can về các tội danh tham nhũng (tăng 9,7% về số vụ và tăng 26% về số bị can so cùng kỳ năm 2007). Tòa án các cấp đã xét xử sơ thẩm 167 vụ với 432 bị cáo (tăng 30% về số vụ và tăng 32,5% về số bị cáo so cùng kỳ năm 2007).
Ban chỉ đạo cũng đang theo dõi, chỉ đạo khẩn trương hoàn tất hai vụ án nghiêm trọng, phức tạp: Vụ Ðiện kế điện tử tại TP Hồ Chí Minh; vụ Nguyễn Ðức Chi, Khánh Hòa và mảng tội phạm kinh tế trong vụ PMU 18 và 13 vụ án tham nhũng nghiêm trọng khác mà xã hội đang rất quan tâm.
Ban chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng cũng đã đề ra sáu nhiệm vụ cụ thể trong công tác phòng, chống tham nhũng sáu tháng cuối năm 2008, trong đó có nhiệm vụ trọng tâm là thực hiện tốt cuộc kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết T.Ư 3 (Khóa X) về Tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí theo quyết định của Bộ Chính trị để báo cáo Ban Chấp hành Trung ương cuối năm 2008.
Phát biểu ý kiến kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Trưởng Ban chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống tham nhũng nhấn mạnh, sáu tháng đầu năm 2008, được sự quan tâm chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, cùng quyết tâm cao của các ngành, các cấp, công tác phòng, chống tham nhũng tiếp tục có sự chuyển biến theo hướng tích cực, đạt nhiều kết quả tích cực cả trong công tác phòng và chống tham nhũng. Kết quả đó được thể hiện ở các con số thống kê các vụ việc phát hiện và xử lý các hành vi tham nhũng mà thanh tra và các ngành kiểm sát, tòa án đã làm. Kết quả đạt được trong công tác phát hiện và xử lý các hành vi tham nhũng cũng thể hiện quyết tâm của Ðảng, Nhà nước ta trong công tác phòng, chống tham nhũng. Ðiều đó cũng khẳng định hệ thống chính trị của chúng ta dưới sự lãnh đạo của Ðảng hoàn toàn có thể làm tốt công tác này. Công tác tuyên truyền cũng có sự chuyển biến tích cực, báo chí đưa tin về các vụ việc tham nhũng thận trọng hơn, chính xác hơn.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng cho rằng có nhiều vụ việc xử lý quá chậm, trong xử lý do thiếu sự phối hợp đồng bộ cho nên cũng đã tạo sự hoài nghi và làm suy giảm lòng tin của nhân dân về quyết tâm của Ðảng, Nhà nước trong công cuộc chống tham nhũng. Công tác thông tin cần đúng sự thật, báo chí phải có trách nhiệm thông tin một cách chính xác, không để dư luận lầm tưởng công tác phòng, chống tham nhũng đang chùng xuống, lơi lỏng hơn khi mới có Nghị quyết T.Ư 3 (Khóa X).
Về nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng nhất trí sáu nhiệm vụ mà Ban chỉ đạo đã đề ra. Về Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", Thủ tướng cho rằng, cần phải tập trung vào hai việc lớn, đó là cải tiến lề lối làm việc, tiết kiệm và phòng, chống tham nhũng, không phát động tràn lan.
Thủ tướng nhấn mạnh, phải đặt ra nhiệm vụ cụ thể để tập trung giải quyết, nhất là những vụ việc mới phát sinh. Tăng cường việc phân công, phân cấp, giao các vụ việc cho địa phương xử lý giảm áp lực cho các cơ quan Trung ương. Khắc phục tình trạng địa phương né tránh xử lý vụ việc dồn lên các cơ quan Trung ương. Tiếp tục hoàn thiện thể chế và đẩy mạnh cải cách hành chính phục vụ phòng, chống tham nhũng. Phải thực hiện công khai để toàn dân giám sát. Khẩn trương hoàn thành và ban hành các văn bản, đề án theo chương trình đã đề ra.
Thủ tướng yêu cầu các ngành Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án tối cao tập trung giải quyết dứt điểm một số vụ việc kéo dài quá lâu như vấn đề xử lý kỷ luật Ðảng và xử lý về chính quyền đối với ông Nguyễn Việt Tiến, vụ khởi tố hai phóng viên liên quan đến vụ PMU 18, vụ Nguyễn Ðức Chi và vụ Ðiện kế điện tử tại TP Hồ Chí Minh. Cố gắng sớm kết thúc điều tra, đưa ra xét xử 13 vụ án tham nhũng nghiêm trọng khác mà Ban chỉ đạo đang tập trung theo dõi, chỉ đạo.