Thủ tướng Haiti cam kết tổ chức bầu cử vào tháng 11

Phát biểu trong một phiên điều trần ngày 21/9 (giờ địa phương), Thủ tướng Haiti Garry Conille cam kết tổ chức cuộc tổng tuyển cử vào tháng 11/2025.
0:00 / 0:00
0:00
Tân Thủ tướng Haiti Garry Conille (phải) phát biểu tại Port-au-Prince ngày 3/6/2024. Ảnh: AFP/TTXVN
Tân Thủ tướng Haiti Garry Conille (phải) phát biểu tại Port-au-Prince ngày 3/6/2024. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại khu vực Caribe, ông Conille tin tưởng vào khả năng khôi phục an ninh ở Haiti, kích hoạt lại nền kinh tế, thực hiện những thay đổi Hiến pháp cần thiết và tổ chức bầu cử trong năm tới. Thủ tướng Haiti cam kết chính phủ mới sẽ nhậm chức vào ngày 7/2/2026.

Ngày 19/9, Chính phủ Haiti đã công bố một nghị định trong đó nêu tên các thành viên của Hội đồng bầu cử lâm thời (CEP) gồm 9 người và thiết lập quyền hạn của cơ quan này.

Theo ông Conille, trong thập kỷ qua, Haiti đã sụp đổ hoàn toàn về thể chế và không có đủ nguồn lực cần thiết để hoạt động. Các cơ quan hành chính công đang thiếu nhân lực và thiếu vốn, điều này dẫn đến việc không thể áp dụng các chính sách và chương trình thiết yếu để đáp ứng nhu cầu của người dân.

Thủ tướng Haiti nhận định những thách thức mà nước này phải đối mặt sẽ không thể giải quyết trong một sớm một chiều, Haiti cần nguồn lực bổ sung và tình đoàn kết toàn dân để vượt qua khó khăn.

Lần gần đây nhất Haiti tổ chức tổng tuyển cử là vào năm 2016. Trong điều kiện bình thường, các cuộc bầu cử tại quốc gia Caribe này sẽ được tổ chức 5 năm/lần. Tuy nhiên, sau khi Tổng thống Jovenel Moise bị ám sát năm 2021, Haiti đã rơi vào tình trạng bất ổn nghiêm trọng, cản trở việc tổ chức bầu cử đúng kỳ hạn khi các băng nhóm vũ trang đã mở rộng quyền kiểm soát đối với khoảng 80% thủ đô Port-au-Prince và hầu hết các khu vực khác.

Vào tháng 4, Hội đồng Tổng thống chuyển tiếp của Haiti - cơ quan riêng biệt hoạt động như chính phủ, đã được thành lập. Chính cơ quan này đã thành lập Hội đồng bầu cử để chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử sắp tới.

Haiti đang chìm trong khủng hoảng. Theo một báo cáo của Liên hợp quốc, hơn 2.500 người đã thiệt mạng hoặc bị thương nặng ở Haiti trong quý 1 năm nay do các vụ bạo lực liên quan các nhóm vũ trang. Bạo lực cũng là nguyên nhân chính khiến người dân phải rời bỏ nhà cửa ở Haiti.

Theo Tổ chức Di cư quốc tế (IOM), có hơn 360.000 người đang sống trong cảnh không nhà cửa ở Haiti. Chỉ riêng trong tháng 3, hơn 53.000 người đã rời Port-au-Prince do các cuộc tấn công gia tăng.

Đến nay, 7 quốc gia châu Phi, châu Á và Caribe - gồm Kenya, Bahamas, Jamaica, Barbados, Benin, Chad và Bangladesh, đã bày tỏ sẵn sàng cung cấp nhân lực cho Phái bộ Hỗ trợ an ninh đa quốc gia được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ủy quyền và do Kenya dẫn đầu triển khai tại Haiti.