Thủ tướng chủ trì họp Thường trực Tiểu ban Kinh tế - Xã hội Đại hội XIII của Đảng

NDO -

NDĐT - Sáng 1-10, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Tiểu ban Kinh tế - Xã hội (KTXH) Đại hội lần thứ XIII của Đảng chủ trì cuộc họp của Thường trực Tiểu ban. Cùng dự có Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ.

Thủ tướng chủ trì họp Thường trực Tiểu ban Kinh tế - Xã hội Đại hội XIII của Đảng

Tại cuộc họp, Thường trực Tiểu ban đã nghe Tổ trưởng Tổ biên tập trình bày về việc tiếp thu, hoàn thiện các tờ trình, báo cáo về Chiến lược phát triển KTXH 10 năm, 2021-2030, và Phương hướng nhiệm vụ phát triển KTXH 5 năm, 2021-2025. Trong đó, tập trung vào một số nội dung, gồm: đánh giá kết quả đạt được, đột phá chiến lược, tốc độ tăng trưởng kinh tế…

Phát biểu ý kiến tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Tổ biên tập tiếp tục tiếp thu các ý kiến, cách viết làm sao thể hiện khát vọng dân tộc, hào khí phát triển đất nước, thôi thúc lòng người. Về dự kiến tốc độ tăng trưởng giai đoạn tới, Thủ tướng nhấn mạnh, tình hình thế giới diễn biến phức tạp trong khi nước ta hội nhập quốc tế sâu rộng, nhiều vấn đề khó lường, cần có giải trình, làm rõ về mức phấn đấu tăng trưởng; khát vọng phát triển cũng phải có cơ sở.

Thủ tướng đề nghị rà soát lại, viết kỹ thêm, nhấn mạnh, làm rõ các thành tựu, kết quả nổi bật trong thời gian gần đây trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn. Thủ tướng cho biết, theo số liệu thống kê mới nhất, dự kiến cả năm tăng trưởng có khả năng đạt từ 6,9 đến 7%.

Về các đột phá chiến lược, Thủ tướng lưu ý, nêu rõ thêm lý do đưa ra các đột phá mới, nhấn mạnh vai trò của các yếu tố mới này với sự đổi mới mạnh mẽ về tư duy, đột phá trong cách nghĩ, cách làm và tập trung thực hiện. Thủ tướng cho rằng, việc tiếp tục cải cách thể chế là một đột phá chiến lược cần thiết.

Về nhiệm vụ, giải pháp, Thủ tướng nhấn mạnh, đây là nội dung rất quan trọng để vận dụng thực hiện triển khai. Cần tiếp tục hoàn thiện phần này, đưa vào những nội hàm nổi bật, những giải pháp thực sự trọng tâm, ưu tiên, mang tính đột phá. Thủ tướng giao Tổ biên tập tiếp thu các ý kiến tại cuộc họp, hoàn thiện tờ trình, các dự thảo báo cáo để trình T.Ư tại kỳ họp tới.

* Chiều 1-10, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Nội vụ Cộng hòa (CH) Séc G.Ha-ma-chếch.

Phát biểu ý kiến tại buổi tiếp, nhắc lại ấn tượng tốt đẹp về chuyến thăm CH Séc vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, mối quan hệ Việt Nam và CH Séc là mối quan hệ truyền thống lâu năm, gắn bó nhiều tình cảm. Nhiều người Việt Nam có ấn tượng, tình cảm tốt đẹp đối với đất nước Séc. Thủ tướng tin tưởng chuyến thăm sẽ đem đến xung lực mới cho quan hệ hợp tác trên nhiều lĩnh vực giữa hai nước nói chung, giữa Bộ Công an Việt Nam và Bộ Nội vụ CH Séc nói riêng.

Phó Thủ tướng CH Séc G.Ha-ma-chếch chuyển lời chào của Thủ tướng CH Séc A.Ba-bít tới Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; gửi lời cảm ơn chân thành Bộ Công an đón tiếp đoàn nồng hậu. Ông nhất trí cho rằng, hai nước có lịch sử quan hệ lâu dài và tình cảm hết sức thân thiết, bền vững. Năm sau, hai bên sẽ kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, là mốc son trong quan hệ hai nước, tuy cách xa về địa lý nhưng gần gũi về tình cảm. Cộng đồng người Việt Nam tại CH Séc có nhiều đóng góp tích cực và hoà nhập thành công xã hội sở tại, được Chính phủ Séc công nhận là cộng đồng thiểu số.

Trong chuyến thăm này, hai bộ đã thảo luận nhiều nội dung quan trọng, trong đó có nội dung thúc đẩy công tác bảo vệ an ninh; phòng, chống tội phạm ma tuý; hợp tác trong chống di cư bất hợp pháp; bảo đảm an ninh mạng… Hai bên thỏa thuận phối hợp tích cực hơn nữa, thiết lập đường dây nóng để phối hợp kịp thời.

Cảm ơn ý kiến của Phó Thủ tướng CH Séc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ vui mừng về sự phát triển tích cực trong quan hệ chính trị giữa hai nước qua việc trao đổi nhiều đoàn các cấp, tạo thêm xung lực cho quan hệ hai nước ngày càng gắn bó, bền chặt. Thủ tướng đề nghị hai nước phối hợp chặt chẽ tổ chức hoạt động kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2020. Cảm ơn CH Séc đã tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng Việt Nam hòa nhập, đồng thời giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, đóng góp thiết thực cho sự phát triển kinh tế, xã hội của Séc và làm cầu nối cho quan hệ hai nước ngày càng thêm gắn bó.

Thủ tướng cũng cảm ơn CH Séc, với tư cách đối tác bạn bè truyền thống của Việt Nam và là thành viên Liên hiệp châu Âu (EU), đã ủng hộ mạnh mẽ và thúc đẩy để các Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) được ký cuối tháng 6 vừa qua. Thời gian tới, Thủ tướng đề nghị Séc sớm phê chuẩn EVIPA; đồng thời thúc đẩy Nghị viện châu Âu sớm phê chuẩn EVFTA để hai hiệp định này được thực hiện sớm nhất có thể, mang lại lợi ích cho cả hai bên, góp phần làm sâu sắc quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam - EU nói chung và quan hệ kinh tế thương mại, đầu tư giữa Việt Nam - CH Séc nói riêng. Cảm ơn Séc đã ủng hộ Việt Nam ứng cử vào vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021. Việt Nam đánh giá cao và mong Séc sẽ tiếp tục ủng hộ việc gìn giữ hòa bình, ổn định và an ninh tại Biển Đông; ủng hộ quan điểm chung của ASEAN trong vấn đề này; giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).

Thủ tướng cho rằng, kim ngạch thương mại song phương còn khiêm tốn so tiềm năng, trong khi dư địa phát triển còn nhiều. Việt Nam có nhiều sản phẩm thế mạnh mà Séc có nhu cầu và là quốc gia đang phát triển mạnh, dân số đông, là đối tác đầy tiềm năng. Thủ tướng vui mừng khi Séc rất quan tâm thúc đẩy mở đường bay trực tiếp giữa Pra-ha và Hà Nội; mong muốn hai bên tích cực hợp tác và phía Séc tạo điều kiện thuận lợi về cấp visa để công dân Việt Nam sang CH Séc du lịch, học tập và hợp tác làm ăn.

Nhất trí với các ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng CH Séc khẳng định việc mở đường bay thẳng được hai Chính phủ hết sức ủng hộ; bày tỏ hy vọng việc tạo thuận lợi cấp visa cho Việt Nam sẽ được thúc đẩy trong thời gian tới. CH Séc cũng hoan nghênh thúc đẩy phát triển quan hệ thương mại song phương. Séc cũng có nhiều tiềm năng về các sản phẩm mà Việt Nam có nhu cầu. Nhiều công ty Séc mong muốn đẩy mạnh hợp tác làm ăn với Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, ngoài các lĩnh vực truyền thống, Việt Nam muốn hợp tác với CH Séc trong nhiều lĩnh vực như đào tạo nguồn nhân lực, an ninh mạng, đấu tranh phòng, chống tội phạm…

Nhân dịp này, qua Phó Thủ tướng G.Ha-ma-chếch, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi lời chào, thăm hỏi tới Thủ tưởng CH Séc A.Ba-bít.