Ngày nào cũng có chuyện đôi co
Vé tham quan phố cổ Hội An đối với du khách nước ngoài là 120 nghìn đồng/người, khách du lịch Việt Nam là 80 nghìn đồng/người. Theo thống kê từ chính quyền, bình quân hiện tại mỗi ngày đêm có khoảng 15.000 lượt người ra vào phố cổ tham quan, tuy nhiên, số vé bán được chỉ chiếm chưa đầy một nửa.
Hiện, khách mua vé tham quan, được ghé Chùa Cầu, đình Cẩm Phô, miếu, bảo tàng, nhà thờ tộc và hội quán... Ngoài ra, khách du lịch có thể mua vé lẻ như muốn ghé tham quan Chùa Cầu hoặc vào di tích hoặc bảo tàng nào đó trong phố cổ. Nhưng nhiều người đến phố cổ không có nhu cầu tham quan các địa điểm trên mà chỉ uống ly cà-phê, mua tấm vải, cái áo… vẫn phải mua vé tham quan, liệu có hợp lý không? Theo lý giải của lãnh đạo thành phố Hội An: Hội An là di sản văn hóa thế giới nên toàn bộ khu phố là di sản chứ không riêng di tích nào và việc bắt buộc mua vé này là để bảo đảm công bằng cho mọi du khách.
Thời gian bán vé dự định áp dụng mùa hè từ 7 giờ 30 phút sáng đến 21 giờ 30 phút tối, mùa đông chỉ bán đến 21 giờ là ngưng. Chị Huỳnh Thị Mỹ, bán hàng ăn nhỏ đầu đường Phan Châu Trinh, gần trạm bán vé tham quan phố cổ, cho hay: “Ngày nào tôi cũng gặp chuyện đôi co giữa người bán vé và khách tham quan. Có khách họ đã đi tham quan hôm trước, hôm sau đi vào dạo chơi mua đồ lại phải mua vé”.
“Vì người bán vé có phần trăm nên họ khẩu khí, quyết liệt với khách. Nhiều khách nói, chúng tôi chỉ đi vòng ngoài không đi vòng trong nên nhất định không chịu mua vé. Người bán vé khoát tay giao kèo theo dõi và dọa phạt, thấy chuyện đó, kỳ lắm”, chị Mỹ cho hay.
Nhiều người kinh doanh hàng ăn uống, thời trang và đồ lưu niệm trong khu phố cổ cũng lo ngại về quy định này. Anh Hà Thành Công, kinh doanh cà-phê trên đường Bạch Đằng, cho hay: “Người ở thị xã Điện Bàn hay người từ thành phố Đà Nẵng qua đây, vô đây uống ly cà-phê cũng đều phải mua vé vô cổng. Như vậy, chúng tôi cũng mất khách”.
Nhưng còn nhiều người không kinh doanh mà chỉ sinh sống trong phố cổ thì sao? Nếu có mời bạn bè ở xa về qua nhà thăm chơi thì vẫn phải mua vé du lịch phố cổ rồi mới được đến thăm nhà! Chuyên gia bảo tàng Nguyễn Thị Hường, cho hay: “Khác với Mỹ Sơn hay đảo Cù Lao Chàm dễ kiểm soát được khách du lịch đến - đi, phố cổ Hội An vừa là di sản, vừa là nơi sinh sống của cộng đồng. Ở đó có buôn bán các mặt hàng, khách trong ra, khách ngoài vô liên tục khó kiểm soát được đâu là khách đến chơi nhà, khách đến mua hàng và khách du lịch... Nên cần cân nhắc”.
Người Hội An vẫn mong đừng làm như vậy
Khảo sát nhiều người sống tại phố cổ Hội An đều có chung quan điểm phố cổ chỉ đẹp vào buổi tối với không khí dịu mát, trên bến, dưới thuyền, đèn lồng thắp sáng lung linh.
Người Hội An với bản tính thuần hậu, chỉ mong khách đến Hội An, rồi quay lại Hội An nên việc phân luồng khách đến - chủ nhà và bán vé không bỏ sót, bỏ lọt ai khiến cho nhiều người Hội An không vui.
Bà Đặng Thị Châu buôn bán quần áo ở chợ Hội An, cho hay: “Hội An là phố, là nhà, là dân cư ở, nơi kinh doanh chứ có phải là một khu du lịch tự xây, gói gọn đâu mà bán vé. Làm vậy, khách du lịch thêm bực mình, không tới, không quay lại thì rồi lại buồn như xưa”.
“Tôi từng vô Khu du lịch Bình Quới (quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh), họ tạo dựng khu du lịch trên đầm sình đẹp như tranh mà không bán vé, vô ra thoải mái, ngắm cảnh, ngồi chơi trên cỏ. Bên trong đó có nhà hàng, quán cà-phê, ai ăn uống chi thì trả tiền cho món đó. Mà người đi chơi mang theo đồ ăn thức uống vô đó họ cũng không nói chi”, bà Châu cho hay.
Những năm gần đây, trong các xóm làng Hội An đều phát triển villa, nhà cổ cho khách nước ngoài đến thuê ở lâu dài. Khách ở lâu và thỉnh thoảng đi vào phố cổ mua đồ, đi qua Chùa Cầu để sang phố khác. Ở đây, chủ nhà đều căn dặn khách, nếu có bị nhân viên soát vé, hỏi vé thì nói với họ rằng, bạn ở đây chứ không phải đến đây du lịch. Và điều này, khiến cho khách nước ngoài thực hiện và hài lòng.
Nay, con số thống kê có đến 15 nghìn khách tham quan phố cổ mà bên bán vé tham quan chỉ bán được gần nửa số vé? Anh Phan Thanh Hải, bán cà-phê ở phố La Hối (Hội An), phân tích: “Không biết họ thống kê bằng cách nào, có chính xác không? Nếu cứ đứng đầu phố đếm người thì sẽ bị nhầm. Thí dụ như quán của tôi, ngày nào cũng có khách nước ngoài, khách tỉnh ngoài tới uống. Cứ nhìn biển số xe máy với gương mặt da trắng mà cho rằng họ du lịch. Không phải đâu nha, họ sống hoặc họ làm việc ở đây”.
Anh Nguyễn Việt Nguyên, hướng dẫn viên du lịch cưỡi trâu, thăm đồng Hội An, cho rằng: “Chính quyền thành phố Hội An đang thiết lập các trạm BOT, nghĩa là khách cứ đi vào phố đi bộ là phải trả phí”.
Nhiều người Hội An đã từng đi du lịch nhiều quốc gia trên thế giới, để học hỏi, để về Hội An làm du lịch, cho rằng, bán một cái vé tham quan phố cổ cho khách du lịch không khó. Khách chấp nhận ngay thôi nhưng sau một tấm vé bán được chúng ta lại mất đi rất nhiều tấm vé khác liên quan đến khách sạn, nhà hàng, spa, mua sắm.
Nhiều người dân Hội An nhắc lại, năm 2010, tình trạng phố cổ vắng khách do siết chặt bán vé thu phí. Nay, họ đang lo Hội An sẽ trở lại như trước, đó là thu phí quyết liệt không những ảnh hưởng đến khách du lịch trong nước mà khách trong tỉnh cũng chịu chung. Chính quyền thành phố Hội An cũng lên phương án mở rộng tuyến phố đi bộ và cấm ô-tô, xe máy lưu thông đường Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu.