Thu phí sử dụng lòng đường, hè phố từ ngày 1/1/2024

Quy định thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh chính thức được áp dụng từ ngày 1/1/2024 sẽ được Sở Giao thông vận tải thành phố cùng Ủy ban nhân dân các quận, huyện tổ chức thực hiện theo thẩm quyền. Việc thu phí được kỳ vọng lập lại trật tự về quản lý đô thị, tạo minh bạch đối với việc sử dụng vỉa hè cũng như tạo nguồn kinh phí để duy tu, bảo trì lòng đường, hè phố.
0:00 / 0:00
0:00
Vỉa hè đường Hoàng Sa, đoạn gần đường Nguyễn Đình Chiểu, Quận 1, thuộc tuyến đủ điều kiện tổ chức hoạt động kinh doanh.
Vỉa hè đường Hoàng Sa, đoạn gần đường Nguyễn Đình Chiểu, Quận 1, thuộc tuyến đủ điều kiện tổ chức hoạt động kinh doanh.

Theo Phòng Quản lý Đô thị Quận 1, trên cơ sở quyết định của thành phố, quận lập kế hoạch thu phí các tuyến đường, hè phố với 70 tuyến đường và hè phố sẽ tổ chức thu phí. Trong đó, các tuyến đường có hè phố đủ điều kiện tổ chức sử dụng tạm thời một phần hè phố làm điểm tổ chức kinh doanh dịch vụ, mua, bán hàng hóa trên địa bàn Quận 1 là 54 tuyến đường như: đường Bùi Thị Xuân (Cống Quỳnh đến Cách Mạng Tháng Tám), Cô Giang (Hồ Hảo Hớn đến Nguyễn Thái Học), Đinh Tiên Hoàng (Lê Duẩn đến Cầu Bông), Hải Triều (Nguyễn Huệ đến Hồ Tùng Mậu)…

Ngoài ra, các tuyến đường của Quận 1 có hè phố đủ điều kiện bố trí điểm trông, giữ xe có thu phí là 16 tuyến đường.

Theo quy định, mức thu phí sử dụng vỉa hè tại khu vực Quận 1 và các quận-huyện thuộc thành phố dao động (tùy vị trí) từ 50.000 - 350.000 đồng/m2/tháng. Quận 1 cũng là địa phương thuộc Khu vực 1 của quy định tổ chức thu phí gồm: Quận 1, Quận 3, Quận 4, Quận 5, Quận 10, Phú Nhuận, Khu A - Khu đô thị mới Nam Thành phố, Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Khu vực 2 gồm: Quận 2 (nay thuộc thành phố Thủ Đức, trừ Khu đô thị mới Thủ Thiêm), Quận 6, Quận 7 (trừ Khu A - Khu đô thị mới Nam thành phố), Quận 11, Bình Thạnh, Tân Bình, Bình Tân.

Khu vực 3 gồm: Quận 8, Quận 9 (nay thuộc thành phố Thủ Đức), Quận 12, quận Thủ Đức (nay thuộc thành phố Thủ Đức), Tân Phú, Gò Vấp. Khu vực 4 gồm các huyện: Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè, Củ Chi. Khu vực 5 gồm huyện Cần Giờ.

Nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết số 15/2023/NQ-HĐND ngày 19/9/2023 của Hội đồng nhân dân thành phố về ban hành mức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban nhân dân thành phố đã có văn bản chỉ đạo Sở Giao thông vận tải và Ủy ban nhân dân quận, huyện, thành phố Thủ Đức rà soát, ban hành danh mục các tuyến đường đủ điều kiện sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố trên địa bàn theo phân cấp quản lý.

Trong đó, Sở Giao thông vận tải tổ chức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường đối với các tuyến đường do Sở Giao thông vận tải quản lý theo quyết định giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thành phố Thủ Đức tổ chức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố đối với các tuyến đường, hè phố do Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thành phố Thủ Đức quản lý theo quyết định giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

Đối với hoạt động tổ chức kinh doanh dịch vụ, mua, bán hàng hóa; điểm trông, giữ xe có thu tiền dịch vụ, địa phương rà soát vỉa hè đủ điều kiện để tổ chức, xác định phạm vi, lựa chọn công bố danh mục vị trí vỉa hè được phép tổ chức các hoạt động tạm thời; xây dựng phương án tổ chức thực hiện có lộ trình phù hợp với thực tế, đặc thù đô thị của từng khu vực trên địa bàn quản lý.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Bùi Xuân Cường yêu cầu các địa phương, đơn vị cần ứng dụng công nghệ thông tin và các giải pháp hiện đại, thông minh trong công tác quản lý, thu phí, cấp phép của các cơ quan chuyên môn kết hợp các biện pháp tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thu phí nhằm bảo đảm tính công khai, minh bạch, không để phát sinh tiêu cực. Các lực lượng chức năng như thanh tra Sở Giao thông vận tải, Thanh tra xây dựng, đội Quản lý trật tự đô thị và phường, xã, thị trấn xây dựng kế hoạch, quy chế phối hợp và quy trình kiểm tra, giám sát, xử lý các trường hợp vi phạm.

Theo Ủy ban nhân dân thành phố, dự kiến khoản phí thu được từ sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố là 1.552 tỷ đồng/năm, sẽ được nộp toàn bộ vào ngân sách thành phố để duy tu, bảo trì lòng đường, hè phố. Qua thống kê, hiện Thành phố Hồ Chí Minh có hơn 600 tuyến đường rộng hơn 9 m và 1.143 tuyến đường có vỉa hè rộng từ 3 m trở lên.