Trung tâm quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội vừa có báo cáo số 2074 BC-TTGTCC về Kết quả thực hiện Đề án thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào.
Theo đó, nguyên tắc xác định mức phí để bù đắp chi phí; khả thi, phù hợp khả năng đóng góp của người sử dụng phương tiện; tác động tích cực thay đổi hành vi của người tham gia giao thông; áp dụng mức thu tăng dần với phương tiện có nguy cơ gây ô nhiễm và ùn tắc; lợi nhuận không phải mục tiêu ưu tiên, có thể phi lợi nhuận, thu để bù đắp chi phí đầu tư và vận hành.
Kết quả điều tra xã hội học năm 2019 cho thấy mức phí chấp nhận được của người dân là 23,5 nghìn đồng. Nếu thu phí ở mức này sẽ có 55% người sử dụng phương tiện chấp nhận trả phí để đi lại bằng phương tiện ô-tô con, số còn lại sẽ chuyển sang phương tiện khác được miễn hoặc giảm phí.
Về mức phí, do chưa có phương án về hình thức đầu tư cụ thể cũng như biến động về tỷ giá tương lai nên mức phí cuối cùng để Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, quyết định và sẽ được tính toán ở bước nghiên cứu khả thi lập dự án đầu tư hệ thống thu phí.
Đề án chỉ xác định mức phí tối thiểu với mục tiêu phi lợi nhuận chỉ đủ bù đắp chi phí đầu tư và chi phí vận hành, bảo trì hệ thống thu phí. Mức phí cao vừa đủ để tác động đến hành vi tham gia giao thông và để lại hiệu quả giảm ùn tắc. Mức phí này để đánh giá hiệu quả của việc thu phí.
Mức phí cho ô-tô con - là đối tượng chính của đề án thu phí, phải bảo đảm các nguyên tắc: phải cao hơn mức sẵn sàng chi trả của người dân để có tác dụng điều chỉnh hành vi sử dụng phương tiện ô-tô đi lại hằng ngày. Mức phí đưa ra dự kiến với ô-tô dưới 9 chỗ từ 25.000 đến 60.000 đồng/lượt; ô-tô 9 chỗ trở lên và xe tải: từ 15.000 đến 40.000 đồng/lượt. Việc thu phí sẽ thực hiện linh hoạt thay đổi theo khung giờ trong ngày (giờ cao điểm, giờ thường và giờ thấp điểm).
Trong đó giờ thấp điểm sẽ thu thấp hơn hoặc miễn phí cho tất cả các loại phương tiện. Đề xuất không thu phí vào ngày cuối tuần, ngày nghỉ, ngày lễ.
Theo khái toán tổng chi phí đầu tư 87 trạm thu phí tại 68 vị trí khoảng hơn 2.600 tỷ đồng gồm chi phí đầu tư ban đầu, chi phí thay thế thiết bị hết khấu hao, chưa tính chi phí vận hành. Hình thức đầu tư do ngân sách thành phố và đối tác công tư PPP. Trong đó, giai đoạn thí điểm sẽ do ngân sách thành phố để lắp đặt một số trạm thu phí tại các nút giao thông trọng điểm.
Đề án cũng tính toán, nếu áp dụng mức thu phí giờ cao điểm 50.000 đồng/lượt với ô-tô dưới 9 chỗ và 30.000 đồng/lượt với ô-tô khách từ 9 chỗ trở lên và xe tải thì lưu lượng trên các trục chính giảm từ 8% đến 30%, trung bình khoảng 12 đến 18%; giảm được hơn 350.000 tấn C02 trên địa bàn
Thay đổi hành vi sử dụng phương tiện giao thông và văn hóa giao thông của người dân đô thị theo hướng chuyển từ ô-tô sang phương tiện thân thiện môi trường hơn là vận tải hành khách công cộng hoặc xe đạp. Điều này cũng sẽ giúp tiết kiệm chi phí xã hội do ùn tắc, giảm thời gian đi lại của người dân và tăng hiệu quả của vận tải hành khách công cộng.
Theo lộ trình được đề xuất, giai đoạn 2021-2025 sẽ chuẩn bị các điều kiện về thu phí; xây dựng đề án thí điểm thu phí, tổ chức thực hiện khi đề án được cấp có thẩm quyền phê duyệt, tổng kết đánh giá rút kinh nghiệm. Xây dựng 15 trạm thu phí tại 9 vị trí trên các trục nội đô có lưu lượng giao thông cao.
Giai đoạn 2025-2030: xây dựng dự án để triển khai theo phương án hoàn chỉnh của dự án đã được phê duyệt. Xây dựng 59 trạm thu phí tại 46 vị trí phía Nam sông Hồng. Giai đoạn sau 2030: khép kín vành đai thu phí theo phương án hoàn chỉnh của dự án. Xây dựng 13 trạm thu phí còn lại tại 13 vị trí.
Đề án dự kiến sẽ được xin ý kiến các cấp thẩm quyền và đơn vị tổ chức liên quan và trình Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội xem xét, thông qua tại kỳ họp cuối năm 2021.