Tại Hà Nội hiện nay, có khá nhiều câu lạc bộ và lớp dạy thư pháp chữ quốc ngữ dành cho người trẻ như câu lạc bộ thư pháp Việt UNESCO, Bút Nam Hồn Việt… Lớp dạy thư pháp nằm ở quận Thanh Xuân, Hà Nội do Nguyễn Thanh Tùng, một thầy giáo trẻ thành lập, vừa là nơi giao lưu, trao đổi về nghệ thuật viết thư pháp, vừa là không gian hội ngộ dành cho những người trẻ đam mê thư pháp Việt.
Trong căn phòng thoảng mùi mực tàu treo những bức thư pháp với nét chữ mềm mại, bay bổng, lớp học thư pháp chữ quốc ngữ của Nguyễn Thanh Tùng thu hút khá đông học viên trẻ tuổi. Mang dáng dấp nho nhã, thư sinh của người làm nghề giáo, Tùng chỉ nhận mình là một người chơi thư pháp, đam mê vẻ đẹp của con chữ cho nên mở lớp dạy viết cho các bạn trẻ cùng sở thích. Tùng chia sẻ: Thư pháp vốn gắn với hình ảnh các cụ đồ, là thú chơi tao nhã, thể hiện tâm hồn người viết. Trong bối cảnh xã hội phát triển hiện nay, nhiều bạn trẻ tìm thấy sự cân bằng trong bộ môn gắn với bút lông, mực tàu và giấy xuyến này.
Được truyền cảm hứng về nghệ thuật viết thư pháp quốc ngữ từ Thanh Tùng, anh Nguyễn Quang Khải, học viên lớp thư pháp cơ bản cho biết: “Thư pháp Việt rất gần gũi vì tôi hiểu được ý nghĩa của từng từ, ngữ, vì thế nét bút và tâm hồn tìm được sự đồng điệu. Hơn nữa, thư pháp giúp tôi có những khoảng tĩnh lặng sau giờ làm việc căng thẳng”.
Tham gia buổi giao lưu với lớp thư pháp, bắt đầu làm quen cách cầm bút lông và lấy mực, tập các nét trung phong, nét bay, nét sổ… mười đầu ngón tay lem đầy mực, Nguyễn Phương Lê, giáo viên một trường mầm non ở Hà Nội hào hứng chia sẻ: “Tôi biết đến thư pháp quốc ngữ khá lâu, nhưng đến bây giờ mới có cơ hội tham gia. Không dễ để viết được những con chữ thật đẹp bằng bút lông, nhưng chính sự khó khăn đó khiến tôi cẩn thận”.
Tuy phong trào viết thư pháp chữ quốc ngữ ở Hà Nội chưa phát triển mạnh mẽ như tại TP Hồ Chí Minh, nhưng những câu lạc bộ thư pháp như thế này đang giúp các bạn trẻ đến gần hơn với bộ môn thư pháp thuần Việt. Không chỉ xuất hiện trên những tấm thiệp tặng bạn bè vào dịp xuân, trên lịch, trên các sản phẩm trang trí, hay trong các hội chữ dịp Tết, tranh thư pháp chữ quốc ngữ được sử dụng khá phổ biến trong các không gian mang hơi hướng hoài cổ như các quán trà đạo, câu lạc bộ nghệ thuật dân gian… Nhiều gia đình cũng lựa chọn treo tranh thư pháp như một hình thức trang trí, tạo sự hài hòa cho ngôi nhà. Không những thế, rất nhiều ứng dụng viết thư pháp sử dụng trên điện thoại được bạn trẻ hào hứng đón nhận, cho thấy giới trẻ ngày càng quan tâm đến các giá trị văn hóa dân tộc.
Tiếp xúc với bút, mực, nghiên và giấy, lớp thư pháp không chỉ là nơi giao lưu, trao đổi về kỹ thuật viết chữ, bố cục… mà còn là không gian để các bạn trẻ bồi đắp các kiến thức về văn chương, thơ phú. Lựa chọn những ca từ, câu thơ từ truyện Kiều, nhạc Trịnh Công Sơn, trong thơ Bùi Giáng, Nguyễn Bính… cho nên nội dung các bức thư pháp thường thể hiện sự chiêm nghiệm về cuộc đời, những triết lý nhân sinh, sự giác ngộ của con người.
Có thể thấy, thư pháp là hình thức nghệ thuật biểu hiện ngôn ngữ, nhưng cũng là phương tiện thể hiện những suy nghĩ nội tâm con người. Những nét cong, tròn, uốn lượn tuy khó nhưng lại rèn sự kiên trì, cẩn trọng, tỉ mỉ, giúp người viết chiêm nghiệm những triết lý của cuộc sống, của nghệ thuật, của ngôn ngữ, làm giàu thêm vốn sống cho bản thân. Thư pháp còn là sợi dây kết nối những người cùng sở thích, chia sẻ quan điểm, tình cảm và sáng tạo nên con chữ, đồng thời giúp người trẻ tìm hiểu thêm vốn văn hóa của dân tộc. Tuy mỗi người tìm đến thư pháp Việt với mục đích khác nhau, nhưng tựu trung đều vì biết yêu mến và trân trọng giá trị văn hóa truyền thống. Những câu lạc bộ và lớp dạy thư pháp như thế đang góp phần thúc đẩy sự phát triển và phổ biến bộ môn này, đồng thời hình thành nên cộng đồng những người yêu thích vẻ đẹp của loại hình thư pháp đậm chất văn hóa Việt.