Thứ nhất là đình Ðông Khang
Thứ nhì đình Bảng, vẻ vang đình Diềm
Ðình làng Ðình Bảng là một ngôi đình cổ kính của đất Kinh Bắc, được xây dựng trong vòng 30 năm từ năm 1700 và đến năm 1736 do công đầu của quan Nguyễn Thạc Lượng, người Ðình Bảng và bà vợ đảm đang Nguyễn Thị Nguyên quê ở Thanh Hóa đã mua gỗ lim về dâng làng xây dựng. Ðình Bảng là địa phương sở hữu cụm di tích văn hóa, nhất là những di tích về thời Lý, tạo thành một khu lưu niệm độc đáo, âm vang lịch sử mang tầm cỡ quốc gia và hội tụ đầy đủ: Ðình, đền, chùa, lăng, tẩm... mang đặc trưng của văn hóa làng Việt Nam.
Về đình làng Ðình Bảng, nhìn bề ngoài của ngôi đình có thể cảm nhận sự tài hoa của các nghệ sĩ trang trí xưa bởi họ đã tô điểm chung quanh tòa bái đường một vòng hoa nghệ thuật, những ván long ngạch nối tiếp nhau chạy vòng quanh đình được chạm hồi văn nền gấm chữ vạn tạo cho kiến trúc của đình trông bề thế mà lại duyên dáng. Trong không gian thoáng đãng, cả ngôi đình như một cô gái đất quan họ 'thắt đáy lưng hoa gấm' đi trảy hội xuân với mái tóc cài những chùm hoa xinh đẹp, chạm mây bay bám trên gỗ rắn với nhiều con rồng chạm khối làm chốt tạo thành những đầu bẩy của đình. Ngoài ra, còn có 28 con rồng làm bằng chốt bẩy với thân hình nhỏ nhắn, hai chân nắm bằng hai sợi râu mép, dáng hình ngộ nghĩnh nét mặt như cười. Trên tám đầu bẩy trước còn được đặt thêm tám đầu rồng, nghê để đỡ mái là những tác phẩm điêu khắc không đồng bản, mang một ấn tượng đẹp đối với du khách tham quan ngay từ bên ngoài.
Ðiêu khắc đình làng Ðình Bảng chủ yếu là Long-Ly-Quy-Phượng, nhưng mà Long là nhiều nhất, trong đó nổi nhất có bức Cửu long chân châu là bức cổ nhất từ ngày xưa nhưng đình vẫn còn giữ được. Vấn đề thứ hai là các con giống ở đây, ngoài những mặt xây dựng về mặt kiến trúc thì về mặt nghệ thuật có Long, Ly, Quy, Phượng khác với các nơi khác, nó mang đặc trưng của nghệ thuật thời nhà Lý cho nên các điêu khắc rất tinh xảo, các đầu dư biểu hiện là một đầu rồng đỡ các kèo cột ở đây được điêu khắc bằng gỗ lim có chiều sâu ba lớp mà trên đó vẫn đầy đủ vây, móng. Các họa tiết rất đặc trưng và tinh xảo, phải nói là có một không hai.
Bước vào trong, ngôi đình như mời đón khách bằng tất cả tinh hoa của nghệ thuật chạm khắc nửa đầu thế kỷ XVIII. Trước mắt là bức cửa võng lớn ở cung ngoài thuộc gian giữa, phủ kín một diện rộng kéo dài từ thượng lương xuống đến tận xà hạ và mở ngang hết cả một gian nhà. Thêm vào đó, mầu vàng son choáng lộng của cửa võng làm rực lên cả gian đình. Toàn bộ cửa võng chia thành bảy lớp và chín ô theo kiểu lồng hộp trang trí dày dặn kết hợp chạm lồng với chạm nổi rất nhỏ theo các đồ án chữ triện, chữ công, hoa lá và con vật trong bộ tứ linh và các cây trong bộ tứ quý. Thoáng nhìn, có thể thấy có phần rườm rà, nhưng vẫn chặt chẽ mà tươi mát, các chi tiết có rậm nhưng không rối, nếu ai càng ngắm kỹ lại càng say mê, cảm phục tài năng của người nghệ sĩ trang trí.
Với vẻ đẹp về quy mô kiến trúc cùng nghệ thuật chạm khắc, trang trí tinh xảo, trải qua bề dày lịch sử cho đến nay đình Ðình Bảng đã in sâu vào đời sống tinh thần của người dân Ðình Bảng..