Do chưa có nhiều kinh nghiệm chăn nuôi đối với loài gia cầm này, cho nên đàn đà điểu chậm lớn, hiệu quả kinh tế thấp... Với quyết tâm phát triển kinh tế gia đình, anh Nghĩa tự tìm tòi, học hỏi thêm về kỹ thuật nuôi, chăm sóc và phòng trừ dịch bệnh cho đà điểu. Năm sau, anh mạnh dạn mua 40 con đà điểu giống về nuôi. Nhờ được chăm sóc đúng kỹ thuật, đàn đà điểu của gia đình anh Nghĩa nhanh lớn và không bị nhiễm dịch bệnh. Từ thành công bước đầu, đến nay mỗi đợt nuôi, anh Nghĩa thường duy trì số đà điểu của gia đình là 50 con.
Anh Nghĩa cho biết: Cái khó của người chăn nuôi là giá đà điểu giống khá đắt, loại bảy ngày tuổi có giá từ 1,5 đến hai triệu đồng/cặp; loại hai tháng tuổi trở lên có giá hơn bốn triệu đồng/cặp. Nhưng bù lại, đà điểu dễ nuôi vì thức ăn chủ yếu là các loại rau, cỏ, cám, ngô, thóc vốn sẵn có trong nhà, ngoài vườn, chất thải ít gây ô nhiễm môi trường hơn so với chăn nuôi lợn. Bên cạnh đó, đà điểu là loài vật nuôi có sức đề kháng khá cao so với các loài gia cầm truyền thống khác như gà, vịt, ngỗng… Ðặc biệt, thịt đà điểu là loại thịt đỏ mềm hơn thịt bò, nhưng dai chứ không bở, ít mỡ dắt, có vị thơm ngon đặc trưng, và có thể chế biến được nhiều món như xào, nướng, luộc, hấp, nấu canh,… nhưng không gây nguy cơ thừa cân, béo phì và bệnh tim mạch như các loại thịt khác.Vì vậy, thị trường tiêu thụ thịt đà điểu khá lớn.
Ðà điểu sau khi nuôi từ chín đến 10 tháng đạt trọng lượng từ 90 đến 110 kg/con là có thể xuất bán. Giá đà điểu thương phẩm dao động từ 170 đến 200 nghìn đồng/kg, mỗi con đà điểu có giá từ 17 đến 20 triệu đồng. Sau khi trừ các khoản chi phí như giống, thức ăn… lãi khoảng 10 triệu đồng/con. Từ đó, mô hình phát triển chăn nuôi đà điểu cho hiệu quả cao của gia đình anh Nghĩa trở thành điểm tham quan, học tập của các tổ chức đoàn thanh niên, hội nông dân, hội phụ nữ trong và ngoài địa phương.