Cùng suy ngẫm

Thu hút toàn xã hội chăm lo công nhân, người lao động

Hoạt động chăm lo Tết vừa qua tiếp tục nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các ban, bộ, ngành ở Trung ương, địa phương cũng như sự hưởng ứng tích cực của đoàn viên, người lao động và toàn thể xã hội. Nhờ vậy, nhận thức về hoạt động chăm lo Tết của tổ chức công đoàn trong xã hội và cộng đồng doanh nghiệp có sự chuyển biến tích cực.
0:00 / 0:00
0:00
Hành trình Công đoàn - Xuân 2024 đưa hơn 300 nghìn lượt đoàn viên, người lao động về quê đón Tết.
Hành trình Công đoàn - Xuân 2024 đưa hơn 300 nghìn lượt đoàn viên, người lao động về quê đón Tết.

Theo báo cáo của các địa phương, đơn vị, dịp Tết Nguyên đán 2024, hơn 10,5 triệu lượt đoàn viên, người lao động được thụ hưởng các hoạt động chăm lo của bốn cấp công đoàn, với tổng kinh phí hơn 7.025 tỷ đồng. Như vậy, so với Tết 2023, kinh phí mà tổ chức công đoàn dành để chăm lo đoàn viên, người lao động tăng 15% trong đó, chi từ nguồn tài chính công đoàn là 3.506 tỷ đồng; kêu gọi xã hội hóa ủng hộ nguồn kinh phí chăm lo 3.519 tỷ đồng, chiếm 50,1%.

Có thể thấy, 2023 là năm đặc biệt khó khăn đối với cộng đồng doanh nghiệp. Nhưng sự quan tâm của tổ chức công đoàn, cấp ủy, địa phương đã khích lệ để hầu hết doanh nghiệp lớn cùng phối hợp tổ chức các chương trình đón Tết, vui Xuân cho người lao động.

Chương trình "Hành trình Tết Công đoàn-Xuân 2024" vừa qua hỗ trợ vé tàu, vé xe, vé máy bay đưa gần 300 nghìn lượt đoàn viên, người lao động về quê đón Tết và trở lại doanh nghiệp đúng hẹn, tổng số tiền hỗ trợ hơn 106 tỷ đồng, thật sự trở thành hoạt động mang ý nghĩa nhân văn, thiết thực, góp phần cùng các doanh nghiệp ổn định lực lượng lao động sau Tết Nguyên đán. Theo báo cáo của Ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), ngay ngày làm việc đầu tiên của năm Giáp Thìn 15/2 (tức mồng 6 tháng Giêng) đã có khoảng 92% doanh nghiệp, người lao động quay trở lại sản xuất, kinh doanh.

Sự nỗ lực, cố gắng dốc lòng dốc sức chăm lo người lao động của tổ chức công đoàn là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận một thực tế là một số địa phương còn chậm triển khai các hoạt động chăm lo, sự phối hợp còn lúng túng. Mức chăm lo đang áp dụng chưa phù hợp nhiều địa phương, hoạt động chăm lo tuy được quan tâm đổi mới nhưng mức độ chưa cao, số lượng chưa nhiều. Cách thức triển khai một số hoạt động mới, lần đầu tiên tổ chức có mặt còn lúng túng, kết quả chưa đạt như mong muốn. Một trong những nguyên nhân dẫn đến hạn chế là do tình hình sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp còn chưa phục hồi hoàn toàn, ảnh hưởng việc huy động nguồn lực; khối lượng công việc chăm lo dịp Tết rất lớn, yêu cầu triển khai đồng loạt, nhiều hoạt động lần đầu được triển khai, trong khi đó lực lượng cán bộ công đoàn còn mỏng, chưa kể một số bộ phận cán bộ công đoàn còn "ngại" thực hiện cách làm mới…

Quay trở lại sáu tháng đầu năm 2023, cả nước có nửa triệu công nhân, lao động bị ảnh hưởng việc làm, thu nhập giảm sút; trong số đó, rất nhiều người lao động còn đang phải đối diện với nhiều khó khăn thường nhật. Điều mà tổ chức công đoàn, cán bộ công đoàn còn đau đáu và đông đảo người lao động mong muốn là việc chăm lo đời sống tinh thần, vật chất cho công nhân, lao động không chỉ cần tập trung vào các dịp Tết, Tháng Công nhân. Do đó, để có thể chăm lo cho đoàn viên, người lao động nhiều hơn nữa, rất cần sự ủng hộ, vào cuộc hơn nữa, quyết liệt hơn nữa của cả hệ thống chính trị, các cấp ủy đảng, cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội.

Để được như vậy, cần có hệ thống chính sách pháp luật, hệ thống an sinh xã hội đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, từ xã hội đến doanh nghiệp. Ngoài việc đại diện cho người lao động trong các thương lượng tập thể, ký kết thỏa ước lao động tập thể, công đoàn cần quan tâm hơn nữa, tham mưu, phối hợp cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc tham gia xây dựng hệ thống chính sách pháp luật tại địa phương tạo mặt bằng chung cho người lao động...