Thu hút nguồn vốn cải tạo chợ

Chợ cũ xuống cấp, chợ mới chưa xây, chợ cóc vẫn họp tấp nập… là tình trạng đã tồn tại nhiều năm nay ở Hà Nội. Thành phố đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ xây dựng mới, xây dựng lại 141 chợ, cải tạo, nâng cấp 169 chợ, nhưng nếu không tháo gỡ các vướng mắc thì rất khó để đạt được mục tiêu này.
0:00 / 0:00
0:00
Hoạt động kinh doanh, buôn bán tại chợ Nhật Tân, quận Tây Hồ. (Ảnh MINH SƠN)
Hoạt động kinh doanh, buôn bán tại chợ Nhật Tân, quận Tây Hồ. (Ảnh MINH SƠN)

Dễ dàng nhận thấy điểm chung của hệ thống chợ tại Hà Nội là cơ sở vật chất, hạ tầng xuống cấp, không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy, an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường… Thành phố cũng chưa có các chợ đầu mối đáp ứng được tiêu chuẩn và yêu cầu.

Theo Sở Công thương Hà Nội, nguyên nhân của tình trạng này là do công tác triển khai quy hoạch chợ còn chậm. Việc chuyển đổi mô hình chợ cũng gặp nhiều khó khăn, muốn chuyển sang hình thức xã hội hóa, nhưng không thể giao cho doanh nghiệp vì phần đất vẫn là đất công, khiến doanh nghiệp không mặn mà tham gia đầu tư. Một số quận, huyện chưa có chợ hoặc số lượng chợ chưa đủ để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, dẫn đến phát sinh chợ cóc, chợ tạm.

Trên phố Bảo Khánh (phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm), sáng nào cũng diễn ra cảnh họp chợ mua bán tấp nập đến gần 7 giờ 30 phút. Hay như trên phố Chính Kinh (quận Thanh Xuân) cũng thường xuyên có những dãy hàng rau, thịt, cá… bày bán ngay trên vỉa hè. Qua thống kê của Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã, trên địa bàn thành phố còn tồn tại 31 chợ cóc lấn chiếm lòng đường, vỉa hè ảnh hưởng đến giao thông, làm mất mỹ quan đô thị, không bảo đảm vệ sinh..., cần phải giải tỏa trong thời gian tới.

Công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm trong các chợ cũng còn nhiều bất cập. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm Nguyễn Anh Quân cho biết, quận gặp khó khăn về việc truy xuất nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm đầu vào và vệ sinh an toàn thực phẩm tại các chợ. Quận sẽ phối hợp ngành công thương tuyên truyền, vận động các hộ kinh doanh lấy thực phẩm từ các đơn vị cung cấp đủ tiêu chuẩn, bảo đảm nguồn gốc, xuất xứ. Còn theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Ứng Hòa Ngô Tiến Hoàng, phần lớn các chợ tại huyện đều họp rất sớm và theo phiên, nên công tác lấy mẫu xét nghiệm, kiểm soát thực phẩm còn khó khăn… Ngoài ra, kinh phí để xây dựng, lắp đặt các trạm kiểm soát hàng hóa vào chợ cũng đang là vấn đề khó.

Để tháo gỡ những vướng mắc này, thành phố Hà Nội đã tổ chức hội nghị kết nối doanh nghiệp, hợp tác xã... với các ngân hàng, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã tiếp cận nguồn vốn đầu tư phát triển chợ với lãi suất ưu đãi. Các doanh nghiệp, hợp tác xã cũng được xem xét hỗ trợ tiếp cận quỹ đất sạch, góp phần giảm kinh phí đền bù, giải phóng mặt bằng, giảm thời gian chuẩn bị đầu tư dự án.

Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 228/KH-UB về phát triển và quản lý chợ trên địa bàn giai đoạn 2021-2025. Theo kế hoạch này, trong giai đoạn đến năm 2025, thành phố sẽ huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng mới, xây dựng lại 141 chợ (trong đó có sáu chợ đầu mối); cải tạo, nâng cấp 169 chợ; tiếp tục thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu và khảo sát xây dựng chợ đầu mối quốc tế nông sản… Việc xây mới, cải tạo các chợ này nhằm mục tiêu nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động chợ, từng bước hoàn thiện mạng lưới chợ, khắc phục kịp thời tình trạng xuống cấp và đầu tư, cải tạo, nâng cấp hạ tầng, cơ sở vật chất các chợ bảo đảm các yêu cầu về an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, phòng cháy, chữa cháy, văn minh thương mại...; giải quyết cơ bản những vấn đề dân sinh tồn tại gây bức xúc, giảm khiếu nại, khiếu kiện... liên quan đến công tác quản lý nhà nước và hoạt động chợ.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền, cần nhanh chóng tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trong quản lý chợ; cần hướng đến việc giao cho doanh nghiệp quản lý chợ. Với những chợ có thể thu hút vốn xã hội hóa để đầu tư, thành phố xây dựng thêm cơ chế, chính sách để thu hút được các nhà đầu tư. Các địa bàn nào thiếu chợ cần lập quy hoạch chợ.