Thu hút nguồn lực đầu tư cho giao thông tĩnh

Trong khi số lượng phương tiện giao thông, nhất là ô-tô cá nhân tăng lên không ngừng, đi kèm với đó là nhu cầu trông giữ cũng tăng, thì diện tích các điểm trông giữ xe trên địa bàn Hà Nội lại gần như bất biến trong những năm gần đây. Nghịch lý này đòi hỏi thành phố phải có những chính sách đột phá hơn nhằm thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư cho hệ thống giao thông tĩnh.
0:00 / 0:00
0:00
Bãi đỗ xe hiện đại tại khu vực phố Trần Nhật Duật, một trong số ít bãi đỗ xe được xây dựng trong thời gian qua. (Ảnh MAI NGỌC)
Bãi đỗ xe hiện đại tại khu vực phố Trần Nhật Duật, một trong số ít bãi đỗ xe được xây dựng trong thời gian qua. (Ảnh MAI NGỌC)

Theo Sở Giao thông vận tải thành phố Hà Nội, toàn bộ bãi đỗ xe thuộc khu vực đô thị trung tâm (trong vành đai 4) đều được đầu tư theo hình thức xã hội hóa với tổng số 107 dự án. Thực tế mới có 57 dự án hoàn thành với diện tích khoảng 44,37ha và 50 dự án vẫn đang triển khai; hầu hết các dự án đều phải gia hạn thời gian thực hiện và điều chỉnh chủ trương đầu tư.

Vừa thiếu, vừa chậm

Sở Giao thông vận tải Hà Nội đánh giá, diện tích các điểm, bãi đỗ xe mới chỉ chiếm 0,12% diện tích các quận nội thành, đáp ứng chỗ đỗ cho khoảng 10% tổng nhu cầu đỗ xe (còn lại gần 90% số phương tiện có nhu cầu đang đỗ tại các điểm đỗ xe của chung cư, khu đô thị, sân cơ quan, công sở, lòng đường, vỉa hè, ngõ cụt, sân trường, bệnh viện, tại các khu đất trống của các dự án...). Công tác đầu tư các bến, bãi đỗ xe còn chậm, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển; nhiều khu vực đã được định hướng trong quy hoạch là bến, bãi đỗ xe, nhưng chưa được nghiên cứu hình thành dự án. Trong khi đó, hiện Hà Nội có tới gần bảy triệu phương tiện, với hơn 600.000 xe ô-tô. Hệ thống điểm trông giữ xe được thành phố đầu tư cấp phép và có thu thuế chỉ đáp ứng khoảng 10% nhu cầu của người dân; còn lại 90% số xe được trông giữ như thế nào, tiền chảy vào túi ai thì chưa được làm rõ.

Thạc sĩ quản lý kinh tế Hoàng Thị Thu Phương (Trường đại học Thủ đô) cho rằng: "Thành phố chưa chú trọng đúng mức, chưa tập trung khai thác kinh tế giao thông, dù đây là một "mỏ vàng" thật sự, có thể tiếp thêm nguồn lực rất lớn cho tái đầu tư cơ sở hạ tầng". Đại diện Sở Giao thông vận tải nhận định, việc đầu tư xây dựng hệ thống giao thông tĩnh, nhất là hệ thống bãi đỗ xe trong khu vực đô thị trung tâm chưa đáp ứng được nhu cầu đỗ xe. Số lượng dự án có nhà đầu tư quan tâm, tham gia là khá lớn, nhưng thực tế số lượng dự án đầu tư đã hoàn thành còn ít. Bên cạnh đó, việc đầu tư xây dựng bến, bãi đỗ xe hầu hết vẫn chủ yếu sử dụng nguồn vốn xã hội hóa, năng lực tài chính một số nhà đầu tư đề xuất nghiên cứu dự án còn hạn chế; nhiều nhà đầu tư đề xuất nghiên cứu chỉ mang tính chất "giữ đất".

Cần cơ chế "mở" hơn

Nhiều doanh nghiệp cho rằng, việc đầu tư vào hạ tầng giao thông tĩnh tại Hà Nội khá bấp bênh. Chủ trương, định hướng thì rõ, nhưng cơ chế, chính sách áp dụng lại chưa hấp dẫn doanh nghiệp. Giám đốc Bến xe Nước Ngầm Nguyễn Văn Lập chia sẻ: "Mọi doanh nghiệp khi tham gia đầu tư đều muốn các thủ tục về quy hoạch, giải phóng mặt bằng… hoàn thành đầy đủ, doanh nghiệp chỉ việc bắt tay vào làm. Đang triển khai các bước nghiên cứu đầu tư một dự án, thậm chí chuẩn bị đấu thầu mà lại dừng để điều chỉnh quy hoạch, mất hàng năm trời nữa sẽ khiến doanh nghiệp e dè".

Lãnh đạo Sở Giao thông vận tải Hà Nội cũng thừa nhận, công tác giải phóng mặt bằng, thu hồi đất phục vụ triển khai các dự án giao thông tĩnh còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Vị trí, địa điểm một số dự án kêu gọi đầu tư chưa thật sự thu hút nhà đầu tư. Mặt khác, quy hoạch các dự án bến xe, bãi đỗ xe mới chỉ mang tính định hướng và chưa có quy hoạch chi tiết. Khi nhà đầu tư vào triển khai phải lập quy hoạch và thỏa thuận quy hoạch tổng mặt bằng hoặc quy hoạch chi tiết trước khi tổ chức triển khai thực hiện dự án, việc này mất rất nhiều thời gian. Quan trọng hơn nữa là bài toán kinh tế khiến các doanh nghiệp lo ngại.

Muốn thu hồi được vốn đầu tư cho dự án phải mất vài chục năm, dự án càng lớn, thời gian thu hồi vốn càng kéo dài và khó khả thi. Nhiều nhà đầu tư mong muốn có thể tăng thêm diện tích sử dụng thương mại dịch vụ để bù đắp chi phí. Vấn đề này cũng đã được Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội thông qua, nâng tỷ lệ đất thương mại cho các dự án bãi đỗ xe ngầm, cao tầng, nhưng vẫn chưa tiệm cận mong muốn của doanh nghiệp.