Cùng suy ngẫm

Thu hút người lao động vào tổ chức công đoàn

Mục tiêu đầu của Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam nêu rõ: Đến năm 2023 kết nạp hai triệu đoàn viên; thành lập tổ chức cơ sở của công đoàn ở 100% doanh nghiệp có 25 công nhân lao động trở lên; phấn đấu các doanh nghiệp có 10 lao động trở lên có tổ chức công đoàn. Như vậy, công tác phát triển đoàn viên, xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mang tính sống còn của tổ chức công đoàn.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa: THÀNH ĐẠT.
Ảnh minh họa: THÀNH ĐẠT.

Trong giai đoạn 2018-2023, nhiều quốc gia rơi vào vòng xoáy suy thoái kinh tế, đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề, sâu rộng đến tất cả các quốc gia. Trong nước, nhiều doanh nghiệp phá sản, giải thể hoặc thu hẹp sản xuất, hàng trăm nghìn công nhân bị ảnh hưởng việc làm, thu nhập; tình trạng nợ lương, nợ đọng bảo hiểm xã hội ở một số doanh nghiệp, gây khó khăn, bức xúc trong một bộ phận công nhân lao động. Tình hình trên tác động rất lớn đến công tác phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở trong nhiệm kỳ qua.

Tuy nhiên, bằng sự nỗ lực của công đoàn các cấp, sau 5 năm đã kết nạp mới hơn 4,4 triệu đoàn viên, đạt 185,87% chỉ tiêu so với Nghị quyết Đại hội XII. Đến hết tháng 5/2023, cả nước có hơn 11 triệu đoàn viên, với hơn 123 nghìn công đoàn cơ sở. Để có được kết quả nêu trên là do công đoàn đã đa dạng hóa phương thức phát triển đoàn viên theo hướng có sự tham gia tích cực của người lao động vào quá trình vận động thành lập công đoàn cơ sở; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; đa dạng hóa cách thức tiếp cận, tuyên truyền, vận động người lao động; lấy hiệu quả thực hiện nhiệm vụ đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của đoàn viên làm cơ sở thu hút, tập hợp người lao động tham gia tổ chức công đoàn.

Bên cạnh đó, một số nơi chưa đạt chỉ tiêu là do chất lượng hoạt động ở một bộ phận công đoàn cơ sở còn yếu, hoạt động hình thức. Việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động chưa kịp thời, mờ nhạt, làm giảm lòng tin của đoàn viên, người lao động, không muốn vào công đoàn.

Nhiều chủ doanh nghiệp chưa hiểu đúng vai trò của tổ chức công đoàn, còn né tránh, không tạo điều kiện cho việc thành lập công đoàn cơ sở. Ở một số doanh nghiệp đông công nhân, doanh nghiệp chưa tạo điều kiện cho công đoàn cơ sở hoạt động, còn có hành vi phân biệt đối xử đối với cán bộ công đoàn, can thiệp sâu, thậm chí thao túng hoạt động công đoàn…

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn biến rất nhanh, đột phá, cùng thời kỳ chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo sẽ có những tác động sâu rộng tới phương thức quản lý, sản xuất và đời sống. Nhiều doanh nghiệp không đủ sức cạnh tranh có thể bị giải thể, phá sản, người lao động mất việc làm... Xu hướng hội nhập quốc tế mạnh mẽ, nhất là việc tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế phát triển, tạo thêm nhiều việc làm, cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao thu nhập cho người lao động.

Tuy nhiên, việc nước ta nội luật hóa trong Bộ luật Lao động cho phép thành lập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp ngoài hệ thống Công đoàn Việt Nam là vấn đề mới, chưa có tiền lệ. Quốc hội đã và tiếp tục phê chuẩn các công ước của ILO về quyền tổ chức và thương lượng tập thể (Công ước 98), quyền tự do hiệp hội và việc bảo vệ quyền được tổ chức (Công ước 87).

Tổ chức đại diện của người lao động tại doanh nghiệp ngoài Công đoàn Việt Nam được phép thành lập từ năm 2021 và có quyền liên kết khi Việt Nam phê chuẩn Công ước 87. Đây là một thách thức rất lớn đối với Công đoàn Việt Nam, đặt ra những yêu cầu cấp bách phải đổi mới nội dung, phương thức hoạt động công đoàn.

Để tiếp tục khắc phục khó khăn, đẩy mạnh công tác phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở, xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh, hoàn thành chỉ tiêu Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về “Đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”, về công tác phát triển đoàn viên giai đoạn 2023-2028, các cấp công đoàn cần tập trung phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở ở những doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn, trọng điểm là địa bàn các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao, nơi có nhiều doanh nghiệp.

Cần bố trí cán bộ chuyên trách chuyên làm công tác phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở ở cơ quan công đoàn cấp tỉnh, ngành Trung ương, tương đương, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở; có chính sách khuyến khích, hỗ trợ đối tượng này. Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho cán bộ công đoàn. Đề xuất doanh nghiệp phối hợp, bố trí cán bộ công đoàn chuyên trách tại các doanh nghiệp có đủ điều kiện.

Tiếp tục đa dạng hóa phương thức vận động phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở, gắn với thương lượng tập thể, nâng cao chất lượng thỏa ước lao động tập thể. Tập trung bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, giảm bớt những hoạt động không liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động. Đẩy mạnh các phong trào thi đua, đồng hành góp phần thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, có như vậy mới xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, chủ doanh nghiệp sẽ quan tâm, tích cực tạo điều kiện để công đoàn phát triển đoàn viên.