Tại hội nghị, nhiều doanh nhân kiều bào đã đóng góp nhiều ý kiến, đề xuất, kiến nghị để thành phố thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 98, cũng như gợi ý những chính sách đã được áp dụng ở nước ngoài để thành phố vận dụng, qua đó tăng cường và phát huy tốt hơn nữa vai trò của cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp kiều bào trong việc thực hiện Nghị quyết số 98.
Thông tin, chính sách cần cụ thể, rõ ràng hơn
Theo ông Ngô Sỹ Tuyên, Chủ tịch Hội Doanh nhân Việt Nam tại Malaysia, để phát huy hiệu quả vai trò của kiều bào trong thực hiện Nghị quyết số 98, thành phố cần đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin đối ngoại, tuyên truyền nội dung Nghị quyết này. Trong đó, cần đưa ra những thông tin cụ thể về cơ chế, chính sách đặc thù, thủ tục hành chính trên các lĩnh vực mà thành phố ưu tiên thu hút đầu tư. Cùng với đó, công bố công khai các dự án cần thu hút đầu tư ở các lĩnh vực cụ thể, ở từng quận, huyện trên địa bàn thành phố để các doanh nhân, doanh nghiệp thuận lợi hơn trong việc hợp tác đầu tư sao cho phù hợp và đạt hiệu quả cao. Bên cạnh đó, thành phố cần có cơ chế cho phép kiều bào được mua trái phiếu địa phương, trái phiếu xanh, tín dụng xanh, tín chỉ các-bon… bằng nguồn kiều hối. Đây chính là kênh thu hút hiệu quả các dòng vốn phục vụ tăng trưởng xanh, thu hút các doanh nghiệp kiều bào trong việc triển khai các dự án trọng điểm của thành phố. Ngoài ra, thành phố cần có những chính sách cụ thể về khen thưởng, ưu đãi những doanh nhân, doanh nghiệp thực hiện các dự án hợp tác, đầu tư đúng tiến độ, phát huy hiệu quả tốt, mang lại nguồn lực kinh tế lớn cho thành phố.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Ngọc Mỹ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (Vafie), Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài cho rằng: Thành phố nên có thêm những cơ chế, chính sách ưu tiên, khuyến khích sự đóng góp của kiều bào để tận dụng kinh nghiệm và chất xám của kiều bào trong việc thực hiện Nghị quyết số 98 nói riêng và phát triển kinh tế-xã hội thành phố nói chung. Đồng thời, thành phố nên tạo điều kiện và có phương thức tiếp nhận những ý kiến phản biện của lực lượng trí thức kiều bào, các tổ chức xã hội-nghề nghiệp. Ông Mỹ mong muốn thành phố sớm ban hành nhiều chính sách để cụ thể hóa và đưa Nghị quyết số 98 vào thực tiễn nhanh hơn. Còn theo bà Phan Thị Trà My, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt Nam lâm thời tại Trung Quốc, Hội mong muốn làm cầu nối để thu hút những dự án đầu tư có chất lượng cao, uy tín về công nghệ cao như robot logistics, tự động hóa, công nghệ sinh học, năng lượng mới hay những dự án chuyển giao khoa học và công nghệ từ Trung Quốc vào thành phố. Hội cũng sẽ tiếp tục chung tay hỗ trợ nhiều hơn nữa cho doanh nghiệp thành phố nói riêng và doanh nghiệp Việt Nam nói chung trong việc giới thiệu, quảng bá, đưa hàng hóa Việt Nam đến với thị trường Trung Quốc.
Đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài
Theo Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đào Minh Chánh, thành phố có sáu cơ chế rất quan trọng, mang tính chất đột phá để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Thứ nhất là mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng (TOD). Mô hình này cho phép thành phố được sử dụng ngân sách địa phương để triển khai dự án đầu tư công độc lập, tức là được tách rời các công việc liên quan bồi thường với công việc xây dựng, để thu hồi đất, tạo quỹ đất để đấu giá, lựa chọn nhà đầu tư thực hiện các dự án đầu tư phát triển đô thị, thương mại, dịch vụ. Đồng thời, cho phép thành phố được quyết định điều chỉnh mật độ xây dựng, chỉ tiêu hạ tầng (kỹ thuật và xã hội) đối với khu vực đô thị hiện hữu. Thứ hai, thành phố được thực hiện thí điểm cơ chế đầu tư các dự án theo phương thức đối tác công-tư (PPP) trong lĩnh vực thể thao, văn hóa; thực hiện đầu tư theo hình thức BOT đối với một số loại dự án đầu tư… Thứ ba, trong chính sách thu hút nhà đầu tư chiến lược, nhà đầu tư chiến lược sẽ được thành phố lựa chọn nhanh chóng theo một quy trình rút gọn và được hưởng các ưu đãi vượt trội ngoài các ưu đãi khác theo quy định của pháp luật hiện hành. Thành phố cũng có nhiều chính sách hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong các lĩnh vực ưu tiên như miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn thuế thu nhập cá nhân, hỗ trợ không hoàn lại chi phí ươm tạo dự án đổi mới sáng tạo… Thành phố sẽ có các chính sách khuyến khích, ưu đãi về phát triển bền vững, tăng trưởng xanh. Ngoài ra, thành phố áp dụng cơ chế về phân cấp, phân quyền trong một số lĩnh vực với việc thực hiện trở lại cơ chế một cửa tại Ban Quản lý Khu công nghệ cao thành phố, Ban Quản lý Các khu chế xuất và công nghiệp thành phố.
Để tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết số 98 trong thời gian tới, đồng chí Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành ủy đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố và các cơ quan, đơn vị tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách của thành phố đến người dân cũng như kiều bào nhằm thu hút nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp cho thành phố, đưa Nghị quyết số 98 vào cuộc sống một cách nhanh nhất, có hiệu quả nhất. Ủy ban nhân dân thành phố và các sở, ngành cần lắng nghe, tiếp thu ý kiến đóng góp của các hội đoàn doanh nhân, doanh nghiệp người Việt Nam ở nước ngoài về tính khả thi, thực tiễn của Nghị quyết số 98 nhằm tham mưu lãnh đạo Thành ủy có ý kiến chỉ đạo triển khai thực hiện phù hợp thực tiễn cuộc sống. Đồng thời, thông qua cầu nối là các chuyên gia, trí thức, doanh nhân, doanh nghiệp người Việt Nam ở nước ngoài để kết nối, thu hút các định chế tài chính và tập đoàn kinh tế quốc tế quan tâm tìm hiểu, xúc tiến đầu tư vào thành phố.
Để thu hút hơn nữa nguồn lực cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, theo ông Mai Phan Dũng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao), thành phố cần hoàn thiện cơ chế tiếp nhận, xử lý, phản hồi, vận dụng và phát huy hiệu quả các sáng kiến, ý kiến đóng góp của các chuyên gia, đội ngũ trí thức, cộng đồng doanh nhân người Việt Nam ở nước ngoài. Tiếp đó, thành phố thông tin các dự án, chính sách chiến lược cần thu hút nguồn lực kiều bào trên các cổng thông tin điện tử, kết nối các mạng lưới để doanh nhân, trí thức kiều bào quan tâm có thể tìm hiểu, tham gia. Thành phố phối hợp Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài xây dựng cơ sở dữ liệu, thông tin về những nhu cầu của thành phố để Ủy ban có thể giới thiệu cá nhân hoặc doanh nghiệp kiều bào phù hợp ■
Theo cơ quan chức năng, hiện nay cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có khoảng 6 triệu người sinh sống, làm việc, học tập ở 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó hơn 80% là tại các nước phát triển. Trong công tác thu hút nguồn lực kiều bào, Thành phố Hồ Chí Minh luôn dẫn đầu với khoảng hơn 2 triệu người Việt Nam ở nước ngoài có liên kết với thành phố. Hiện thành phố có hơn 3.000 doanh nghiệp của kiều bào đang đầu tư với tổng số vốn hơn 45.000 tỷ đồng. Thành phố cũng thu hút hơn 400 trí thức kiều bào về làm việc dài hạn, gần 200 trí thức tham gia hợp tác nghiên cứu trong các lĩnh vực về giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ... Lượng kiều hối gửi về Việt Nam (tính từ năm 1993 đến năm 2022) đạt hơn 190 tỷ USD, gần bằng nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã giải ngân trong cùng kỳ. Cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp người Việt Nam ở nước ngoài có đóng góp quan trọng đối với việc xúc tiến thương mại, kết nối giao thương, quảng bá sản phẩm Việt Nam.