Thu hút, giữ chân nhà khoa học

Thời gian qua, Thành phố Hồ Chí Minh đã chú trọng thực hiện nhiều giải pháp, chính sách để xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức khoa học, công nghệ.
0:00 / 0:00
0:00
Hoạt động nghiên cứu khoa học tại Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh:nhandan.vn)
Hoạt động nghiên cứu khoa học tại Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh:nhandan.vn)

Thành phố đã triển khai chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ cho những người làm khoa học; thu hút nhân tài bằng Nghị quyết 20/2018/NQ-HÐND ngày 7/12/2018 của Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về mức thu nhập chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt đối với lĩnh vực thành phố có nhu cầu thu hút giai đoạn 2018-2022. Thành phố cũng đẩy mạnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khoa học, công nghệ, tạo điều kiện cho đội ngũ các nhà khoa học nghiên cứu, sáng tạo...

Những chính sách nêu trên đã thu hút được đội ngũ trí thức khoa học ngày càng nhiều, góp phần quan trọng cho sự phát triển Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung. Tuy nhiên, khi triển khai, vẫn bộc lộ một số hạn chế trong chính sách, cơ chế đãi ngộ, giải pháp do cả nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan, dẫn đến việc chưa phát huy hết tiềm lực của đội ngũ trí thức.

Giai đoạn thí điểm thu hút nhân tài 2014-2019, thành phố đã thu hút được 19 nhà khoa học trong và ngoài nước về công tác tại các đơn vị: Khu Công nghệ cao, Khu Nông nghiệp công nghệ cao, Viện Khoa học-Công nghệ tính toán, Trung tâm Công nghệ sinh học, nhưng sau đó đã có 14 người rời đi.

Trong đó, có thể kể đến việc đầu tư cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, trang thiết bị, cơ sở dữ liệu… chưa đáp ứng môi trường làm việc của đội ngũ trí thức. Chính sách đầu tư cho con người chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Cơ chế tài chính, quản lý nhà nước về hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ theo quy định của pháp luật còn nhiều bất cập... Ðây là những rào cản dẫn đến không thu hút được nhiều nhà khoa học giỏi, ngược lại làm chảy máu chất xám từ khu vực công sang khu vực tư ngày càng nhiều hơn.

Ðiển hình, giai đoạn thí điểm thu hút nhân tài 2014-2019, thành phố đã thu hút được 19 nhà khoa học trong và ngoài nước về công tác tại các đơn vị: Khu Công nghệ cao, Khu Nông nghiệp công nghệ cao, Viện Khoa học-Công nghệ tính toán, Trung tâm Công nghệ sinh học, nhưng sau đó đã có 14 người rời đi. Trong ba năm gần đây, các đơn vị có nhu cầu tuyển các nhà khoa học, chuyên gia hầu hết không tuyển được người nào.

Trong bốn nhà khoa học về Trung tâm Công nghệ sinh học làm việc theo cơ chế thí điểm thu hút nhân tài giai đoạn 2014-2019, đến năm 2018, khi kết thúc công việc, các chuyên gia này không tiếp tục ký hợp đồng. Năm 2022, Trung tâm Công nghệ sinh học đăng tuyển ba chuyên gia nhưng hết thời hạn tiếp nhận vẫn không có hồ sơ nào đăng ký, dù đã liên hệ với các chuyên gia từng hợp tác trước đó.

Nguyên nhân được đưa ra là chế độ đãi ngộ để thu hút và giữ chân người tài của Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay không phù hợp thực tiễn, không tạo được động lực cho nhà khoa học yên tâm làm việc và cống hiến.

Chế độ đãi ngộ để thu hút và giữ chân người tài của Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay không phù hợp thực tiễn, không tạo được động lực cho nhà khoa học yên tâm làm việc và cống hiến.

Theo chính sách ưu đãi bằng Nghị quyết 20/2018/NQ-HÐND, chuyên gia, nhà khoa học được hỗ trợ ban đầu 100 triệu đồng, phụ cấp khuyến khích 1% kinh phí cho mỗi công trình nghiên cứu, tiền thuê nhà tối đa bảy triệu đồng/tháng.

Với mức lương cơ sở nhân với hệ số của bảng lương chuyên gia cao cấp, các chuyên gia, nhà khoa học chỉ nhận được từ 13 triệu đến 14 triệu đồng/tháng, chỉ tương đương công nhân làm lâu năm tại các doanh nghiệp nước ngoài.

Ðội ngũ trí thức khoa học là lực lượng lao động sáng tạo đặc biệt quan trọng trong tiến trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Thành phố đặt mục tiêu trở thành đô thị thông minh, định hướng chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng mới, phát triển kinh tế bền vững thì không thể tách rời sự phát triển và trưởng thành đội ngũ trí thức khoa học, công nghệ.

Do đó, để thu hút và giữ chân các chuyên gia, nhà khoa học, Thành phố Hồ Chí Minh cần tạo môi trường làm việc phù hợp, công khai, minh bạch để kích thích sự sáng tạo, khát khao cống hiến, tạo dựng sự gắn bó lâu dài; tôn vinh trí thức, nhà khoa học tiêu biểu có những đóng góp tích cực cho sự phát triển; có kế hoạch định kỳ tổ chức gặp gỡ để đối thoại, lắng nghe ý kiến đóng góp của đội ngũ trí thức.

Thành phố cũng cần đẩy mạnh đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị hiện đại phục vụ nhà khoa học nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học-công nghệ. Ðặc biệt, thành phố cần xây dựng cơ chế, chính sách đãi ngộ mang tính đột phá để thu hút đội ngũ trí thức khoa học, tạo sự yên tâm cho họ sáng tạo và cống hiến.