Hiện nay, Bộ Khoa học và Công nghệ đang phối hợp các bộ, ban, ngành liên quan nghiên cứu sửa đổi, hoàn thiện dự thảo 5 thông tư gồm:
Thông tư quy định trình tự, thủ tục xác định nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN);
Thông tư quy định tuyển chọn, giao trực tiếp tổ chức và cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia sử dụng NSNN;
Thông tư quy định việc kiểm tra, đánh giá, điều chỉnh và chấm dứt hợp đồng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia sử dụng NSNN;
Thông tư quy định việc đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia sử dụng NSNN;
Thông tư hướng dẫn một số nội dung về xây dựng dự toán thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng NSNN.
Ông Nguyễn Nam Hải, Vụ trưởng Kế hoạch-Tài chính (Bộ Khoa học và Công nghệ) nêu quan điểm, những nội dung sửa đổi theo hướng tháo gỡ vướng mắc, bất cập để các nhiệm vụ, chương trình khoa học và công nghệ vừa tạo được những giá trị thực tế đóng góp cho phát triển kinh tế-xã hội, vừa bảo đảm tính chặt chẽ về thủ tục.
Điểm mới trong sửa đổi lần này là chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học. Trước đây có quy định chủ nhiệm đề tài không được xét giao đề tài trong hai năm nếu có nhiệm vụ trước đó bị đánh giá không đạt. Quy định này đi ngược với tinh thần chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học, khiến nhiều nhà khoa học e ngại, không dám “dấn thân”.
Nhiều chuyên gia cho rằng, cần sửa đổi quy định, tuy nhiên không nên nới lỏng hoàn toàn, mà vẫn cần có những quy định để xem xét cẩn trọng việc nghiên cứu chưa đạt, nhưng cũng bảo đảm để nhà khoa học không bị “cắt” làm chủ nhiệm đề tài trong hai năm.
Mặt khác, việc đơn giản hóa về thủ tục cũng được đề cập trong lần sửa đổi này để góp phần đẩy nhanh quá trình nghiên cứu. Ông Nguyễn Nam Hải dẫn chứng về các thủ tục chậm trễ trong việc phê duyệt nhiệm vụ nghiên cứu các vấn đề liên quan đến động đất ở Kon Tum, dù động đất mạnh xảy ra cách đây nhiều tháng và tiếp tục có các trận động đất nhỏ khác diễn ra.
Theo các nhà khoa học, sửa các thông tư cần theo hướng tạo điều kiện thuận lợi trong nghiên cứu và thực hiện triển khai các chương trình khoa học và công nghệ. Bà Nguyễn Thúy Thùy Tiên (Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long) đề xuất: Các đơn vị, cá nhân đã xây dựng ý tưởng đề tài thì nên tham gia vào khâu thuyết trình trước hội đồng xét duyệt.
Đồng thời, cũng cần làm rõ phân kỳ quản lý dự toán kinh phí, nhất là liên quan biến động giá nguyên vật liệu phục vụ triển khai đề tài; nếu đơn giá thực tế cao hơn đơn giá đấu thầu, tức là vượt dự toán thì đơn vị chủ trì đề tài phải bù kinh phí.
Ngoài ra, các quy định liên quan chi phí theo chức danh khoa học đang quy định các mức khác nhau theo cấp đề tài mặc dù cùng một nhiệm vụ. Bà Nguyễn Thúy Thùy Tiên lấy thí dụ, cùng đánh giá một mẫu cây, nhưng chi phí cho cán bộ thực hiện ở đề tài cấp quốc gia cao hơn đề tài cấp bộ và đề tài ngân sách địa phương…
Ông Nguyễn Đăng Quân (Trung tâm Công nghệ sinh học Thành phố Hồ Chí Minh) cũng đề xuất làm rõ các cơ chế ngày công lao động khi thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ, nhất là với đề tài sử dụng ngân sách địa phương. Ngày công thấp là thiệt thòi cho các nhà nghiên cứu, nhất là trong điều kiện sinh hoạt ở các đô thị lớn.
Một vấn đề khác cũng được các nhà khoa học nêu ý kiến, đó là tình trạng kéo dài thời gian thực hiện đề tài khoa học, công nghệ ảnh hưởng đến quyết toán chi phí. GS, TS Lê Huy Hàm, nguyên Viện trưởng Di truyền nông nghiệp, đề xuất việc tích hợp các thông tư, giúp đơn giản hơn cho các nhà khoa học khi tiếp cận các quy định mới.
Hơn nữa, cần điều chỉnh một số quy định để phù hợp nội dung nghiên cứu và phân bổ nguồn lực như kinh phí, khung và mức thời gian thực hiện nhiệm vụ. Dẫn chứng ở lĩnh vực nông nghiệp, GS, TS Lê Huy Hàm phân tích: Trung bình tạo cây biến đổi gien cần mất 13 năm, hay việc tạo giống, chu kỳ chọn tạo mất 10-15 năm, do đó với khung hiện nay nếu không thay đổi sẽ rất khó thực hiện.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định cho biết, đây là lần đổi mới lớn nhất các quy định quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ, từ khâu xác định nhiệm vụ, tổ chức đặt hàng, tuyển chọn và xét chọn, kiểm tra trong quá trình thực hiện đến khâu đánh giá nghiệm thu nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Điều này thể hiện quyết tâm của Bộ Khoa học và Công nghệ trong việc tái cơ cấu, hoàn thiện hành lang pháp lý cho việc triển khai các nhiệm vụ, chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia.
Bộ quyết tâm hoàn thiện cơ chế quản lý về các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn, giảm gánh nặng cho các nhà khoa học nhưng lại tăng được hiệu quả sử dụng ngân sách cho lĩnh vực khoa học, công nghệ.