Thu hoạch và chế biến quế

  
Thu hoạch quế

Đối với rừng quế cao: Sau khi trồng 15-20 năm thì bắt đầu thu hoạch. Có hai thời vụ bóc vỏ quế: quế xuân bóc vào tháng 2-3, cho chất lương tốt và quế thu bóc vào cuối tháng 7 đầu tháng 8. Trước khi thu hoạch, cắt khoanh một đoạn vỏ ở gần gốc cây làm cho nước và dinh dưỡng không đi lên trên được, để vỏ quế bong khỏi thân cây, quá trình bóc vỏ sẽ dễ dàng. Nếu thân cây quá lớn, để thêm hai tuần nữa cho vỏ bong khỏi thân. Cách bóc: lấy dao chuyên dùng để bóc vỏ quế, cắt một vòng vỏ ngang thân cây ở vị trí cách mặt đất 50-60cm, sau đó lại cắt một vòng phía trên cách vòng dưới 40cm, giữa hai vòng cắt một đường thẳng dọc từ trên xuống, dùng dao tách nhẹ để vỏ bong ra. Tiếp tục cắt vòng vỏ lên phía trên cho đến hết.

Sau khi thu hoạch vỏ quế (bóc vỏ) lần 1, cần tăng cường chăm sóc để thân cây lại đâm chồi và sinh trưởng mạnh, sau 10 năm có thể thu hoạch lần thứ 2.

Đối với rừng quế thấp: Sau khi trồng 3-5 năm thì có thể thu hoạch. Chọn những cây to nhất để chặt, chiếm khoảng l/3 tổng số cây mỗi lần thu hoạch. Chặt cây gốc lấy vỏ, 3 năm sau thì chặt lần hai, 3 năm sau nữa chặt lần 3. Mỗi lần chặt thu hoạch có thể thu 1,2-1,5 tấn vỏ tươi trên mỗi hecta. Về sau, hàng năm cứ chặt thu hoạch theo cách này, năng suất trung bình có thể đạt 1 - 1,2 tấn vỏ tươi/ha. Gốc cây 16-20 năm tuổi có thể đạt đường kính 20-25cm, số chồi thành thân cây khoảng 8-14 thân, là lúc bắt đầu vào thời kỳ sinh trưởng mạnh nhất. Cây quế cho thu hoạch tới 70-80 năm, đến khi sinh trưởng kém thì đào bỏ gốc cũ già cỗi, trồng rừng quế mới.

Chế biến quế

Chế biến vỏ quế khô: vỏ tươi thu về, trải ra sân phơi nắng cho khô bớt rồi bó thành bó 20-25kg để đem sấy. Lò sấy thiết kế to nhỏ tuỳ quy mô sản xuất mỗi hộ trồng, thường đủ sấy cho 5-10 tạ vỏ tươi. Theo kinh nghiệm sấy quế trải một lớp cám gạo xuống dưới đáy lò, phun nước chè vào hai đầu bó vỏ, xếp các bó chồng khít, ép chặt lên nhau, trên cùng trải một lớp cám rồi phủ bao tải lên trên cùng để không cho quế bốc hơi ra khi sấy. Cứ ủ như vậy trong quá trình sấy, sau 21 ngày thì bốc dỡ quế ra khỏi lò. Sấy ở nhiệt độ 70-75 độ C.

Cất tinh dầu: Các bộ phận của cây quế đều có thể cất lấy tinh dầu, song vỏ quế là sản phẩm có giá trị cao hơn, nên ít khi sử dụng để cất mà chủ yếu dùng làm thuốc. Lá quế hái về, đem phơi khô, bó thành từng bó khoảng 10kg, cất giữ trong kho, 1 tháng sau đem cất lấy tinh dầu.

Không hái lá quế vào mùa xuân và trước lúc bóc vỏ quế.

Ngoài việc lấy lá cất tinh dầu, vào mùa thu khi cây ngừng sinh trưởng, chặt tỉa những cành nhỏ cũng có thể dùng để chưng cất tinh dầu tốt.

Cách cất tinh dầu quế cũng như cất một số loại tinh dầu thơm nói chung, nhưng cần chú ý việc tách và làm trong tinh dầu. Tinh dầu quế nặng hơn nước, sau khi cất sẽ thu được hỗn hợp nước và tinh dầu quế. Tinh dầu nặng hơn chìm xuống phía dưới, song cần giữ yên một thời gian để tinh dầu lắng hoàn toàn, nếu để ở nơi nhiệt độ thấp, quá trình lắng trong sẽ nhanh và triệt để hơn. Tách nước phía trên để thu hồi tinh dầu quế bên dưới. Phần nước lọc tách ra vẫn còn một lượng nhỏ tinh dầu quế, khi uống vào thấy thơm ngọt, hơi cay và rất ấm bụng, cân thu gom lại để bán cho những cơ sở thu mua làm thuốc chữa bệnh.

Bảo quản các sản phẩm quế

Sau khi phơi khô, xếp vỏ quế ngay ngắn trong thùng hay bó trong các túi nilon. Không để vỏ quế bị gãy vỡ sẽ làm giảm chất lượng quế. Tinh dầu quế có khả năng ăn mòn kim loại, tinh dầu thu được sau chưng cất nên đựng vào thùng tráng men hoặc thùng nhựa thực phẩm. Thùng đựng tinh dầu quê cần kín, có thể cho lớp nước mỏng lên phía trên để hạn chế tinh dầu bốc hơi, đồng thời ngăn cản tiếp xúc với oxy không khí. Cả vỏ quế khô và tinh dầu quế dầu cần được bảo quản ở nơi khô ráo, thoáng mát và tránh để ánh nắng chiếu trực tiếp.