Thông tuyến đường sắt bị sạt lở đoạn qua Hà Tĩnh

NDO - Thông tin từ hiện trường, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam Trần Anh Tuấn cho biết, sau nhiều nỗ lực của lực lượng cứu hộ, lúc 16 giờ 30 phút ngày 31/10, đoạn đường sắt bị sạt lở qua khu vực huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh) đã được thông tuyến, lúc 17 giờ, tàu hàng HH10 đã được phép chạy qua vị trí sạt lở với tốc độ hạn chế 5km/giờ.
0:00 / 0:00
0:00
Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam Trần Anh Tuấn trực tiếp có mặt tại hiện trường, chỉ đạo các lực lượng khắc phục sự cố, động viên công nhân, người lao động nỗ lực thông đường trong thời gian sớm nhất.
Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam Trần Anh Tuấn trực tiếp có mặt tại hiện trường, chỉ đạo các lực lượng khắc phục sự cố, động viên công nhân, người lao động nỗ lực thông đường trong thời gian sớm nhất.

Trong đêm 30/10 rạng sáng 31/10, ông Trần Anh Tuấn đã trực tiếp có mặt tại hiện trường, chỉ đạo các lực lượng khắc phục sự cố, đồng thời động viên công nhân, người lao động ngành đường sắt nỗ lực thông đường trong thời gian sớm nhất.

Trong đêm, mưa lớn đổ xuống dồn dập, nước sông Ngàn Sâu dâng cao, gần 200 công nhân đã dầm mưa, xuyên đêm khắc phục sạt lở, trong bối cảnh các điểm mỏ lấy vật liệu phục vụ thi công cách rất xa vị trí sạt lở. Mưa lớn làm sạt lở cả taluy âm và taluy dương; phần taluy âm phía bờ sông Ngàn Sâu bị xoáy sâu hàng chục mét do lượng mưa lớn kết hợp với mực nước sông dâng cao.

Đến sáng 31/10, lượng nước các nơi đổ về sông Ngàn Sâu ngày một mạnh, mực nước trên sông tiếp tục dâng cao, cản trở không nhỏ đến việc thi công.

Thông tuyến đường sắt bị sạt lở đoạn qua Hà Tĩnh ảnh 1

Giám đốc Công ty cổ phần Đường sắt Nghệ Tĩnh (đơn vị quản lý khai thác, bảo trì sửa chữa kết cấu hạ tầng đường sắt tại khu vực) Cao Tiến Hùng cho hay: "Đơn vị đã tập trung huy động tối đa lực lượng máy móc, nhân lực, vật lực, làm xuyên đêm để sớm khắc phục sạt lở, sụt trượt tại vị trí Km354+900 đến Km355+400 thuộc địa bàn thôn Liên Châu, xã Đức Liên, huyện Vũ Quang. Khó khăn nhất ở đây là các mỏ đá cách xa nơi thi công, phải di chuyển tới gần 200km, vận chuyển bằng ô-tô sau đó chuyển lên tàu di chuyển bằng đường độc đạo vào điểm bị sạt lở mất rất nhiều thời gian".

Trước đó, vào khoảng 2 giờ sáng 30/10, tuyến đường sắt bắc-nam thuộc địa bàn huyện Vũ Quang bị sạt lở taluy âm, đất đá đổ xuống với khối lượng lớn khiến phần nền của đường sắt bị khoét sâu, hở hàm ếch. Tại hiện trường ghi nhận 4 điểm sạt lở, đất đá bị cuốn khỏi nền đường sắt.

Nghiêm trọng hơn, có điểm bị sạt lở trồi hẳn bê-tông ra ngoài, đường sắt bị treo ray. Một số vị trí khác bị đất đá, cây xanh từ trên núi sạt lở tràn xuống bồi lấp đường sắt. Ngành đường sắt đã tạm thời chuyển tải hành khách đi tàu SE1 và SE20 bằng ô-tô giữa ga Yên Trung (Đức Thọ) và ga Hòa Duyệt. Sự cố khiến nhiều chuyến tàu không thể lưu thông qua lại suốt nhiều giờ.