Về vấn đề này, ông Trần Mạnh Tuấn cho biết, nguyên nhân bắt nguồn từ lỗ hổng bảo mật của mạng di động GSM (mạng 2G) chỉ có tính năng mạng xác thực người dùng, chứ không cho người dùng xác thực lại mạng. Nên khi các thuê bao di động đến gần các trạm BTS giả, do chịu cường độ sóng từ trạm BTS giả mạnh, thuê bao bị tạm chuyển qua trạm BTS giả quản lý và khi đó, đối tượng xấu lợi dụng phát tán tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo.
Hơn nữa, các thiết bị BTS giả mạo có đặc điểm nhỏ gọn lại được nhập lậu vào Việt Nam, qua tiểu ngạch, rất khó để cơ quan chức năng đi thanh tra, kiểm tra phát hiện. Cũng do đặc điểm nhỏ gọn, nên đối tượng xấu có thể dễ dàng mang theo trên ô tô, xe máy để đi phát tán tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo.
Trạm phát sóng BTS giả đối tượng sử dụng để phát tin nhắn có dấu hiệu lừa đảo. |
Để ngăn chặn hiệu quả nạn tin nhắn rác, Cục Tần số vô tuyến điện, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp tích cực với Bộ Công thương tăng cường kiểm tra, quản lý thị trường, trong đó có yêu cầu các sàn thương mại điện tử không bán thiết bị điện tử không có chứng nhận hợp quy.
Cùng với đó, Cục phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các tổ chức ngân hàng, tín dụng thực hiện xác thực thông tin, cập nhật liên tục mã định danh của khách hàng khi thực hiện các giao dịch, nhằm ngăn chặn lừa đảo qua điện thoại.
Đại diện Cục Tần số vô tuyến điện cho biết, bên cạnh các giải pháp đã triển khai, gần đây Bộ Thông tin và Truyền thông đã có giải pháp mới để phát hiện và bắt giữ các đối tượng sử dụng trạm BTS giả mạo. Đó là, phối hợp với nhà mạng và cơ quan công an, khi có trạm BTS giả hoạt động, nhà mạng sẽ nhận biết và khoanh vùng. Sau khi định vị và xác định chính xác vị trí của các trạm BTS giả, Cục Tần số Vô tuyến điện, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng Bộ Công an sẽ phối hợp và bắt giữ tại chỗ.
Sau khi các nhà mạng phát hiện có dấu hiệu trạm BTS giả mạo hoạt động, đã báo cáo lên Cục để cử đội ngũ cán bộ kỹ thuật với phương tiện hiện đại tìm chính xác vị trí phát sóng BTS giả, để cơ quan công an bắt giữ, khởi tố điều tra.
Đến nay, đã có 25 trường hợp sử dụng BTS giả phát tán tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo bị phát hiện, xử lý theo quy định. Riêng 6 tháng đầu năm nay có 15 vụ được phát hiện.
Ông Tuấn khẳng định, thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ có những giải pháp hiệu quả để phát hiện ngay khi đối tượng lừa đảo bật thiết bị phát sóng giả mạo và có thể phối hợp với các cơ quan chức năng truy bắt các đối tượng này nhanh nhất.
Nguyên nhân chìa khóa thông minh bị nhiễu sóng, ngừng hoạt động
Trong thời gian gần đây, Bộ Thông tin và Truyền thông ghi nhận phản ánh về hiện tượng nhiều hộ gia đình sử dụng các thiết bị điều khiển từ xa gây nhiễu trên băng tần miễn cấp phép cho thiết bị điều khiển từ xa vô tuyến (433.05-434.79MHz), dẫn đến việc nhiều thiết bị thông minh (như smartkey) bị ảnh hưởng do có cùng dải tần.
Chia sẻ tại họp báo, ông Trần Mạnh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện cho biết, chìa khóa thông minh (smartkey) là thiết bị sử dụng tần số vô tuyến điện để liên lạc với phương tiện như ô tô, xe máy nhằm khóa và mở.
Tình trạng smartkey không hoạt động tại một số địa điểm thời gian qua là do ở khu vực đó có thiết bị tần số vô tuyến điện hoạt động cùng tần số. Khi những thiết bị này bị lỗi hoặc không đảm bảo chất lượng, sẽ xảy đến tình trạng chiếm kênh, phát sóng liên tục, từ đó dẫn đến tình trạng chìa khóa không thể kết nối được với ổ khóa và khiến xe không thể hoạt động.
Theo ông Trần Mạnh Tuấn, qua quá trình kiểm tra, Cục Tần số Vô tuyến điện nhận thấy đây là các thiết bị không thực hiện việc chứng nhận hợp quy, không công bố hợp quy. Do vậy, hoạt động của các thiết bị này không ổn định và không đảm bảo chất lượng.
Đại diện Cục Tần số Vô tuyến điện cho hay, khi thiết bị vô tuyến gặp lỗi, điều này không chỉ ảnh hưởng đến những người xung quanh mà còn gây ảnh hưởng đến chính chủ nhân thiết bị và người thân trong gia đình.
Để tránh tình trạng này, Cục Tần số vô tuyến điện khuyến cáo tất cả các thiết bị tần số vô tuyến điện nói chung, trong đó có các thiết bị điều khiển gia đình sử dụng sóng kết nối vô tuyến điện phải thực hiện chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy.
Người dân khi mua thiết bị cần kiểm tra trên bao bì sản phẩm hoặc trên thiết bị có gắn dấu hợp quy không. Nếu thiết bị được gắn nhãn hợp quy, thiết bị đó được xem là đủ điều kiện để đưa vào sử dụng. Để tránh trường hợp mua phải thiết bị vô tuyến kém chất lượng, người dân nên mua ở những cơ sở hoặc các nhà sản xuất có uy tín.
Việc kiểm tra và chỉ mua thiết bị có chứng nhận hợp quy không chỉ để tránh khi sử dụng làm ảnh hưởng đến xung quanh (vì không có chứng nhận hợp quy nên gây can nhiễu), mà còn có thể tránh cho bản thân và gia đình bị ảnh hưởng sức khỏe, bởi thiết bị gây can nhiễu không an toàn…, đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông khuyến cáo.