Ngăn chặn, xử lý tin nhắn rác, cuộc gọi rác

Nhiều cuộc họp bàn được tổ chức, nhiều biện pháp ngăn chặn tin nhắn rác, cuộc gọi rác được đưa ra, nhiều nhà mạng đã bị xử phạt và thu hồi số thuê bao vi phạm. Tuy nhiên, đến nay, người sử dụng điện thoại và các nhà quản lý vẫn đang từng ngày “đau đầu nhức óc’’ trước vấn nạn này với con số hàng chục triệu tin nhắn rác, cuộc gọi rác mỗi năm mà chưa có giải pháp hữu hiệu.
0:00 / 0:00
0:00
Đại diện các nhà mạng di động ký cam kết kế hoạch chặn và xử lý cuộc gọi rác. (Ảnh Trọng Đạt)
Đại diện các nhà mạng di động ký cam kết kế hoạch chặn và xử lý cuộc gọi rác. (Ảnh Trọng Đạt)

Hằng ngày, mỗi sáng thức dậy, anh Trần Hữu Quang, trú tại quận Tây Hồ, Hà Nội thường xuyên thấy trong máy điện thoại của mình vài tin nhắn từ các số máy lạ cho đến các số máy từ nhà mạng với đủ các hình thức quảng cáo các nội dung như bán đất, cho vay qua mạng, các tin nhắn cá cược, chơi game, mua hàng online, thậm chí là các tin nhắn lừa đảo, nhưng nhiều nhất vẫn là mời chào mua bất động sản và đầu tư tài chính.

Không chỉ có tin nhắn rác, mỗi ngày anh Quang cũng bất đắc dĩ phải nghe nhiều cuộc gọi từ các số máy lạ quảng cáo, mời đầu tư, mời đi nghỉ dưỡng… mà anh không hề có nhu cầu. Anh Quang cho biết, anh thấy rất phiền phức và mất thời gian khi phải tiếp nhận những cuộc gọi quảng cáo vì công việc của mình bị gián đoạn, bị chi phối tâm lý, ảnh hưởng đến đời sống.

Tin nhắn rác, cuộc gọi rác không chỉ gây phiền hà mà còn gây ra nhiều thiệt hại cho người sử dụng điện thoại, nhất là các doanh nghiệp. Chị Lê Lan Anh, một chủ doanh nghiệp tại quận Hoàng Mai, Hà Nội cho biết, là một đơn vị kinh doanh, chị thường xuyên phải trao đổi với khách hàng qua điện thoại. Tuy nhiên, mỗi ngày có hàng chục cuộc gọi đến số máy của công ty để quảng cáo mua hàng, tiếp thị các sản phẩm khiến cho việc giao dịch với khách hàng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Theo chị Lan Anh, mặc dù thấy số máy lạ gọi đến nhưng không thể không nghe vì không xác định được đó là cuộc gọi rác hay cuộc gọi từ khách hàng.

Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, trong sáu tháng đầu năm 2022 đã phát hiện hơn 74 triệu cuộc gọi phát sinh từ thuê bao cuộc gọi rác, tăng 53% so với sáu tháng đầu năm 2021. Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông chặn 113.416 thuê bao phát tán cuộc gọi rác (tăng 53% so cùng kỳ năm 2021). Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng được yêu cầu mạnh tay chặn dịch vụ của sim có dấu hiệu được sử dụng, tham gia tuyên truyền cho các hành vi vi phạm pháp luật như: Game bài, cờ bạc, mua bán hàng cấm, hàng giả…

Thời gian qua, Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp các nhà mạng, áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật để xử lý vấn nạn tin nhắn rác, cuộc gọi rác. Mới đây, các cơ quan liên quan đã xây dựng kế hoạch về việc ngăn chặn, xử lý cuộc gọi rác và kiểm soát các sim kích hoạt sẵn có dấu hiệu tồn kênh (là những sim đã được kích hoạt nhưng chưa sử dụng và có khả năng bị sử dụng vào mục đích xấu).

Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra xác định, cuộc gọi rác được hiểu là những cuộc gọi không mong muốn, gây phiền nhiễu đến người dùng, thậm chí là lừa đảo, đa phần là những cuộc gọi chưa được định danh. Nhiều người dùng vẫn cần thông tin từ cuộc gọi quảng cáo, việc quảng cáo dịch vụ cũng là nhu cầu chính đáng của doanh nghiệp. Để quảng cáo qua điện thoại, các thuê bao thực hiện quảng cáo phải được đăng ký định danh. Đến nay, đã có đầy đủ hành lang pháp lý cho việc này, nếu các cuộc gọi được định danh sẽ không còn là cuộc gọi rác.

Để tăng cường sự phối hợp trong việc xử lý cuộc gọi rác, tin nhắn rác, mới đây, các nhà mạng Viettel, VNPT, MobiFone, Vietnamobile, Local, Itel và Gmobile đã cùng ký thỏa thuận cam kết để thực hiện kế hoạch ngăn chặn và xử lý cuộc gọi rác và kế hoạch quản lý thông tin thuê bao di động, ngăn chặn, xử lý tình trạng sim rác. Tuy nhiên, theo Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông cần tăng cường hơn nữa việc thanh tra và xử phạt công khai những nhà mạng viễn thông không nghiêm túc thực hiện việc xử lý sim rác.

Phải làm sạch thông tin thuê bao để hạn chế các hệ lụy từ việc đối tượng xấu sử dụng sim rác gây hại cho xã hội và không thể bắt người dân chịu các hậu quả liên quan đến cuộc gọi rác, tin nhắn rác, lừa đảo, quảng cáo. Bên cạnh đó, người sử dụng cũng cần có trách nhiệm phối hợp để xác thực thông tin thuê bao chính chủ. Hiện nay, việc này thực hiện rất thuận tiện thông qua các hình thức trực tuyến (video call), tại quầy giao dịch và đường dây nóng (hotline) hỗ trợ của nhà mạng. Cùng với đó, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh truyền thông để người dân thấy được quyền và nghĩa vụ của họ giúp nhà mạng và cơ quan quản lý thực thi pháp luật xử lý vấn nạn sim rác, cuộc gọi rác và cuộc gọi lừa đảo.

Theo các chuyên gia về pháp luật, bên cạnh công tác kiểm tra, thanh tra, xử phạt nhằm ngăn chặn các hành vi vi phạm, cần tăng chế tài xử phạt để tạo sức răn đe. Hiện nay, Nghị định số 15/2020/NĐ-CP đã tăng hình thức và các mức xử phạt có tính răn đe đối với hành vi phát tán tin nhắn rác, cuộc gọi rác.

Cụ thể, phạt từ 10 đến 20 triệu đồng với hành vi gửi tin nhắn quảng cáo, thư điện tử quảng cáo khi chưa được cấp tên định danh hoặc sử dụng số điện thoại để gửi tin nhắn quảng cáo hoặc gọi điện thoại quảng cáo. Tuy nhiên, mức xử phạt nêu trên vẫn quá nhẹ so với hậu quả mà hành vi vi phạm có thể gây ra.