Tại hội nghị, Tiến sĩ Phan Hải Hồ, Trưởng khoa Nhà nước và Pháp luật, Học viện cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh và Thượng tá Nguyễn Ngọc Hải, Phó Trưởng phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã chuyển tải đến các đại biểu những thông tin, quy định pháp luật mà kiều bào quan tâm.
Luật Đất đai số 31/2024/QH15 gồm 16 chương, 260 điều. Trong đó, sửa đổi, bổ sung 180 bổ sung mới 78 điều với nhiều điểm mới nổi bật. Cụ thể như: Bỏ khung giá đất, quy định 4 phương pháp xác định giá đất; thêm nhiều trường hợp được miễn, giảm tiền sử dụng đất; đa dạng các hình thức bồi thường cho người dân bị thu hồi đất; bổ sung thêm khoản hỗ trợ cho người dân bị thu hồi đất; người Việt Nam định cư ở nước ngoài được mở rộng quyền sử dụng đất; mở rộng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của cá nhân; sửa đổi cách xác định thu nhập chịu thuế từ chuyển nhượng bất động sản…
Luật Đất đai 2024 bổ sung quy định về quyền và nghĩa vụ của công dân đối với đất đai; phải công bố công khai tất cả các loại quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; bổ sung về phát triển, quản lý và khai thác quỹ đất; quy định nguyên tắc, điều kiện tách thửa đất, hợp thửa đất...
Luật Căn cước số 26/2023/QH15 có nhiều quy định mới về Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước; thẻ căn cước, căn cước điện tử; giấy chứng nhận căn cước; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Trong đó, Luật bổ sung quy định theo hướng mở rộng, tích hợp thêm một số thông tin khác của công dân và người gốc Việt Nam trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước; đổi tên từ thẻ căn cước công dân thành thẻ căn cước; sửa đổi quy định về một số thông tin trên thẻ để phù hợp với thực tiễn và tạo thuận lợi hơn cho người dân; bổ sung quy định điều chỉnh đối với người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch; quy định 1 chương riêng về căn cước điện tử, danh tính điện tử của công dân Việt Nam nhằm góp phần đẩy mạnh quá trình thực hiện chuyển đổi số ở nước ta.
Luật Đất đai 2024 và Luật Căn cước vừa ban hành một lần nữa khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân trong đó có đồng bào ta ở nước ngoài – bộ phận không tách rời của dân tộc Việt Nam.
Theo lãnh đạo Ủy ban Người Việt Nam ở nước ngoài Thành phố Hồ Chí Minh, những thay đổi cơ bản trong hai văn bản luật này sẽ tạo điều kiện thuận lợi để kiều bào về nước làm việc, đầu tư, kinh doanh, góp phần thúc đẩy đất nước phát triển bằng cả tinh thần, tài lực và trí lực trong những năm tới.