Thông tin về hội thảo “Bảo đảm chủ quyền quốc gia trên không gian mạng”

NDO -

Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Bảo đảm chủ quyền quốc gia trên không gian mạng”, diễn ra ngày 8/12 tới đây, sẽ bàn về phương hướng, giải pháp và đưa ra khuyến nghị đối với nhiệm vụ bảo đảm chủ quyền quốc gia trên không gian mạng trong tình hình mới.

Các đồng chí chủ trì họp báo thông tin về Hội thảo.
Các đồng chí chủ trì họp báo thông tin về Hội thảo.

Chiều 6/12, tại Hà Nội, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp Bộ Công an tổ chức họp báo giới thiệu về Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Bảo đảm chủ quyền quốc gia trên không gian mạng”.

PGS, TS Phạm Minh Tuấn, Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật và Trung tướng Đỗ Lê Chi, Cục trưởng Cục Khoa học, chiến lược và lịch sử Công an (Bộ Công an) chủ trì họp báo.

Cùng dự họp báo có lãnh đạo Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật và các đơn vị trực thuộc, đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ Công an và đông đảo phóng viên báo chí.

Góp phần làm sáng rõ nhận thức, tư duy mới về an ninh quốc gia

Tại họp báo, PGS, TS Phạm Minh Tuấn cho biết, để góp phần làm sáng rõ những nhận thức mới, tư duy mới về an ninh quốc gia trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; tập trung phân tích những yêu cầu mới về phạm vi bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ an ninh quốc gia trong tình hình mới, trong đó có an ninh không gian mạng, Bộ Công an và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Bảo đảm chủ quyền quốc gia trên không gian mạng”.

Sau hơn 3 tháng làm việc hết sức khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm của Ban Tổ chức, đến nay các công việc chuẩn bị cho Hội thảo đã cơ bản hoàn thành, bảo đảm tiến độ, chất lượng.

Theo đó, Hội thảo sẽ diễn ra trong 1 buổi sáng 8/12/2021 tại Hội trường Bộ Công an, số 44 Yết Kiêu, Hoàn Kiếm, Hà Nội và trực tuyến tại 63 điểm cầu của Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Hội thảo có sự tham dự của 100 đại biểu tại điểm cầu Hà Nội và hơn 2.000 đại biểu tại các điểm cầu trực tuyến trong cả nước. Ban Chỉ đạo và Chủ trì Hội thảo gồm các đồng chí: Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an; Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Thiếu tướng Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Công an; PGS, TS Phạm Minh Tuấn, Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật.

Thông tin về hội thảo quốc gia “Bảo đảm chủ quyền quốc gia trên không gian mạng” -0
PGS, TS Phạm Minh Tuấn thông tin về công tác chuẩn bị, tổ chức Hội thảo. 

Ban Tổ chức Hội thảo gồm 15 thành viên, do Thiếu tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Công an làm Trưởng Ban. Thành viên Ban Tổ chức Hội thảo là đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Công an và đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật.

Hội thảo đã nhận được hơn 70 bài viết, tham luận của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương và địa phương; Bộ Công an; Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật; các chuyên gia, nhà khoa học từ các cơ quan, đơn vị, các cơ sở đào tạo trong và ngoài lực lượng Công an nhân dân. Ban Tổ chức Hội thảo lựa chọn 10 bài viết tiêu biểu đại diện cho các ngành, các lĩnh vực gắn bó chặt chẽ với chủ đề hội thảo để phát biểu tham luận tại Hội thảo.

“Điều đó khẳng định Hội thảo đã thu hút được sự quan tâm rộng rãi về một vấn đề rất mới và rất 'nóng' hiện nay”, PGS, TS Phạm Minh Tuấn nhấn mạnh.

Về việc xuất bản Kỷ yếu Hội thảo, ông Tuấn cho biết kỷ yếu được in thành 2 tập sách, tập trung vào hai chủ đề: Tập 1: Những vấn đề chung về bảo đảm chủ quyền quốc gia trên không gian mạng; Tập 2: Công an nhân dân với nhiệm vụ bảo đảm chủ quyền quốc gia trên không gian mạng.

"Cùng với xuất bản sách giấy, Ban Tổ chức đã xuất bản điện tử và cung cấp miễn phí cuốn sách Bảo đảm chủ quyền quốc gia trên không gian mạng (Kỷ yếu Hội thảo) trên hệ thống xuất bản, phát hành sách điện tử của Nhà xuất bản tại địa chỉ: Stbook.vn và Thuviencoso.vn"

PGS, TS Phạm Minh Tuấn thông tin tại họp báo

Tăng cường hiệu lực, hiệu quả bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng

Thông tin tại họp báo, Trung tướng Đỗ Lê Chi, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Hội thảo cho biết, mục tiêu bao trùm của Hội thảo nhằm góp phần làm rõ lý luận và thực tiễn vấn đề chủ quyền quốc gia trên không gian mạng hiện nay, từ đó đặt ra những yêu cầu, nhiệm vụ đối với bảo đảm chủ quyền quốc gia trên không gian mạng trong tình hình mới theo tinh thần chỉ đạo của văn kiện Đại hội XIII của Đảng.

Đáng chú ý, theo Trung tướng Đỗ Lê Chi, một trong những mục tiêu cụ thể mà Hội thảo hướng tới là việc đề ra yêu cầu về nâng cao năng lực làm chủ không gian mạng, xây dựng lực lượng chuyên trách đủ năng lực, chủ động đối phó với mọi nguy cơ xảy ra trên không gian mạng.

Thông tin về hội thảo quốc gia “Bảo đảm chủ quyền quốc gia trên không gian mạng” -0
Trung tướng Đỗ Lê Chi thông tin về những nội dung chính của Hội thảo. 

Về những nội dung chính, đại diện Ban Tổ chức cho biết, Hội thảo nhằm làm rõ các vấn đề về không gian mạng và bảo đảm chủ quyền quốc gia trên không gian mạng, từ đó phân tích những yêu cầu, nhiệm vụ mới đặt ra đối với công tác bảo đảm an ninh quốc gia trong tình hình mới.

Hội thảo cũng phân tích những cơ hội, thuận lợi cũng như những khó khăn, thách thức đặt ra đối với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Nghiên cứu các mối quan hệ quốc tế trong lĩnh vực an ninh không gian mạng, kinh nghiệm của một số quốc gia về bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng và rút ra bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.

Hội thảo cũng đề xuất phương hướng, giải pháp và khuyến nghị nhằm phát huy vai trò của nhân dân, của các lực lượng nòng cốt, đặc biệt là vai trò của lực lượng Công an nhân dân trong bảo đảm chủ quyền quốc gia trên không gian mạng, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả xây dựng thế trận an ninh nhân dân trên không gian mạng.

Bên cạnh đó, thông qua Hội thảo cũng nhằm đánh giá đúng thực trạng của hoạt động sử dụng không gian mạng trong bảo vệ an ninh Tổ quốc hiện nay, từ đó làm rõ ưu điểm, hạn chế, nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm và phương hướng, giải pháp để tăng cường hiệu lực, hiệu quả của nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng.