Diễn đàn Chủ nhật

Thông tin trên báo mạng cần chọn lọc, kiểm chứng

Trải qua 14 lần tổ chức, có lẽ chưa bao giờ cuộc thi Hoa hậu Việt Nam lại có nhiều xì xèo như năm nay, gây đau đầu cho Ban tổ chức và phiền hà cho các thí sinh liên quan.

Trước đó, chiểu theo tiêu chí cuộc thi, một thí sinh đã phải dừng bước do bọc răng sứ, sau đó một hoa hậu đã lên tiếng trên trang facebook riêng cho rằng Ban tổ chức thiếu công bằng, đồng thời đăng tải hình ảnh của một người đẹp khác có hàm răng trắng bóng với nghi vấn thí sinh này cũng có thể đã can thiệp thẩm mỹ về răng. Chộp được thông tin, hàng loạt báo mạng đã có nhiều bài “ăn theo” những chia sẻ cá nhân nêu trên với cách giật tít ỡm ờ, quy chụp, thiếu kiểm chứng thông tin khiến không ít người đọc bán tín bán nghi về vẻ đẹp tự nhiên của thí sinh trong ảnh. Vụ việc nêu trên đã cho thấy sức nóng của cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2016, song một mặt cũng phản ánh lối thông tin dễ dãi của các phương tiện truyền thông mạng theo kiểu “ăn theo”, bất chấp hậu quả. Đáng báo động hơn là cách thông tin này đang có xu hướng trở nên phổ biến.

Trong bối cảnh bùng nổ thông tin, việc nhanh chóng nắm bắt, khai thác những sự kiện nóng hổi, sốt dẻo chính là vũ khí cạnh tranh số một của các cơ quan truyền thông, đặc biệt là truyền thông mạng. Tuy nhiên, điều này cũng khiến không ít cơ quan báo chí và người làm báo chỉ chăm chăm chạy theo những thông tin câu khách rẻ tiền, không mang lại giá trị gì cho xã hội, thậm chí là “bé xé ra to, ít xuýt ra nhiều”…, miễn là thu hút được nhiều lượt view (xem), like (thích) và bình luận của người đọc, nhất là khi mạng xã hội đã gần như trở thành “cánh tay nối dài” cho một số tờ báo mạng, trang tin điện tử. Chỉ cần có một thông tin “hot” được ai đó phát tán trên facebook, một lúc sau đã được khai thác lại ngay trên các trang mạng.

Cũng dễ hiểu khi nhất cử, nhất động của những người nổi tiếng, dù là chuyện trời ơi đất hỡi cũng được khai thác triệt để, bởi đây là đối tượng sở hữu lượng “fan” lớn, là sự bảo đảm số lượt xem hàng đầu của những tờ báo mạng. Vì thế, nhiều năm nay, trang facebook cá nhân của người nổi tiếng đã gần như trở thành “chợ” khai thác thông tin của những phóng viên báo mạng theo dõi mảng văn hóa giải trí. Chuyện một anh diễn viên hài yêu một cô ca sĩ Hàn Quốc cũng làm náo loạn các trang tin điện tử suốt một thời gian, hay việc một MC chia tay chồng cũng làm tốn bao giấy mực, thậm chí cả điệu bộ ngủ của con trai một “hotgirl” cũng là đề tài cho bài báo. Ngay cả đám tang một người nổi tiếng cũng trở thành nơi để truyền thông mạng triển khai câu view một cách thiếu tế nhị…

Chúng ta không phủ nhận việc xuất hiện của mạng xã hội đã tạo nên sự thay đổi lớn trong đời sống báo chí Việt Nam, đặc biệt với loại hình truyền thông mạng, từ việc phát hiện đề tài, khai thác tới xử lý thông tin. Bên cạnh yếu tố tích cực, mạng xã hội với nguồn thông tin dồi dào, phong phú cũng dẫn đến sự hình thành một số phóng viên lười biếng, dễ dãi, không đi thực tế khai thác thông tin, chỉ ngồi một chỗ lướt web rồi chế biến, xào xáo, nhào nặn thành bài báo mà không cần kiểm chứng. Và hệ quả của cách làm việc dễ dãi này là biết bao câu chuyện dở khóc, dở cười. Không ít nghệ sĩ, người nổi tiếng đã từng phải tới các cơ quan báo chí chính thống lên tiếng, đính chính những thông tin thất thiệt bị truyền thông khai thác trên các trang facebook cá nhân không phải của mình… Cũng bởi cách khai thác thông tin dễ dãi này mà không ít lần, truyền thông mạng bị “hớ” khi trở thành con rối để những người muốn nổi tiếng tự tung xì-căng-đan nhằm câu view.

Lâu nay thông tin báo chí vẫn luôn được xã hội đề cao từ đó có khả năng tác động, dẫn dắt, định hướng dư luận. Thông tin về một sự kiện, vấn đề nếu không chuẩn xác hoặc không được khai thác đúng hướng, sẽ rất dễ gây ảnh hưởng tiêu cực đến những đối tượng liên quan. Vì thế, trong thời buổi cạnh tranh thông tin, những người làm báo càng phải coi trọng đạo đức nghề nghiệp. Người đọc tiếp cận báo chí bởi tin tưởng đó là những thông tin đã được kiểm chứng. Nếu người làm báo khai thác thông tin một cách thiếu trách nhiệm sẽ tự đánh mất chức năng và giá trị của báo chí. Đặc biệt, trong kỷ nguyên số, những người làm báo có nhiều điều kiện thuận lợi hơn để tiếp cận các nguồn tin, nhưng cũng đòi hỏi phải có bản lĩnh cao hơn để chọn lọc, tổng hợp những thông tin quan trọng từ nguồn thông tin khổng lồ mà mạng xã hội đem lại, từ đó kiểm chứng, cân nhắc nên đưa thế nào, chừng mực ra sao, đưa ra những phân tích, bình luận có giá trị cho công chúng.

Để làm tốt điều này, trước tiên cần tới ý thức, trách nhiệm của người làm báo, và sự đôn đốc, định hướng đúng đắn của những người đứng đầu các cơ quan báo chí, truyền thông.