Nobel Vật lý 2021: Vinh danh 3 nhà khoa học nghiên cứu về hệ thống vật lý phức tạp

NDO -

Ba nhà khoa học Syukuro Manabe (sinh năm 1931, Mỹ), Klaus Hasselmann (sinh năm 1931, Đức) và Giorgio Parisi (sinh nhăm 1948, Italia) đã được vinh danh với giải thưởng Nobel Vật lý 2021 cho những đóng góp đột phá của họ đối với sự hiểu biết của con người về các hệ thống vật lý phức tạp.

Chân dung 3 nhà khoa học đạt giải Nobel Vật lý năm 2021. (Nguồn: nobelprize)
Chân dung 3 nhà khoa học đạt giải Nobel Vật lý năm 2021. (Nguồn: nobelprize)

Khoảng 16 giờ 50 phút ngày 5/10 (giờ Việt Nam), Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển đã công bố chủ nhân giải Nobel Vật lý năm nay.

Cụ thể, một nửa giải thưởng được chia đều cho 2 nhà khoa học Syukuro Manabe (Đại học Princeton, Mỹ) và Klaus Hasselmann (Viện Khí tượng Max Planck, Hamburg, Đức) vì đã “lập mô hình vật lý về khí hậu Trái đất, lượng hóa sự biến đổi và đưa ra dự đoán tin cậy về hiện tượng nóng lên toàn cầu”.

Trong khi đó, nhà khoa học Giorgio Parisi (Đại học Sapienza, Rome, Italia) nhận nửa giải thưởng còn lại vì đã “phát hiện ra sự tương tác lẫn nhau giữa sự rối loạn và dao động trong các hệ thống vật lý từ quy mô nguyên tử đến quy mô hành tinh”.

Thông cáo được đưa ra trên website https://www.nobelprize.org nêu rõ, “các chủ nhân giải thưởng Nobel Vật lý năm nay được vinh danh vì những nghiên cứu về các hiện tượng hỗn loạn và ngẫu nhiên. Syukuro Manabe và Klaus Hasselmann đã đặt nền móng cho sự hiểu biết của chúng ta về khí hậu Trái đất và cách loài người tác động đến nó. Trong khi đó, Giorgio Parisi đã có những đóng góp mang tính đột phá đối với lý thuyết về các vật chất bị xáo trộn và các quá trình ngẫu nhiên”.

Nobel Vật lý 2021: Vinh danh 3 nhà khoa học nghiên cứu về hệ thống vật lý phức tạp -0
Ba nhà vật lý được giải Nobel 2020: Roger Penrose, Andrea Ghez và Reinhard Genzel.

Năm 2020, giải Nobel Vật lý vinh danh 3 nhà khoa học: Roger Penrose (SN 1931, Anh), Reinhard Genzel (SN 1952, Đức) và Andrea Ghez (SN 1965, Mỹ) với các phát hiện liên quan đến hố đen, một trong những hiện tượng kỳ lạ nhất vũ trụ.

Noble Vật lý là giải Nobel thứ 2 được công bố năm nay. Trước đó ngày 4/10, Hội đồng Nobel thuộc Viện Karolinska (Stockholm, Thụy Điển) đã công bố danh tính chủ nhân giải Nobel Y sinh 2021, đó là 2 nhà khoa học người Mỹ David Julius và Ardem Patapoutian với công trình nghiên cứu về các thụ thể nhiệt và xúc giác.

Năm nay, mỗi giải thưởng Nobel được trao 10 triệu krona Thụy Điển (1,14 triệu USD), tương đương với mức thưởng năm ngoái. Giải thưởng sẽ được chia đều cho những người đạt giải.

Giải Nobel Hóa học sẽ được công bố vào ngày mai (6/10), tiếp đó là các lĩnh vực Văn học (7/10), Hòa bình (9/10) và Kinh tế (11/10).

Từ năm 1901 đến năm 2021, 115 giải Nobel Vật lý đã được trao cho 219 cá nhân (1 người được nhận 2 lần), trong đó 47 giải được trao cho 1 nhà khoa học, 32 giải được chia sẻ bởi 2 nhà khoa học, và 36 giải được chia sẻ bởi 3 nhà khoa học. Tổng cộng đã có 4 nhà khoa học nữ được vinh danh, đó là: Marie Curie (Pháp, năm 1903), Maria Goeppert-Mayer (Mỹ, năm 1963), Donna Strickland (Canada, năm 2018), và Andrea Ghez (Mỹ, năm 2020).

Chủ nhân trẻ tuổi nhất của giải Nobel Vật lý là nhà khoa học người Australia Lawrence Bragg, được vinh danh năm 1915 khi mới 25 tuổi. Trong khi đó, người cao tuổi nhất từng được trao giải thưởng này là nhà khoa học người Mỹ Arthur Ashkin, nhận giải năm 2018 ở tuổi 96.

Ông John Bardeen (1908-1991, Mỹ) là nhà khoa học duy nhất từng 2 lần đạt giải thưởng Nobel Vật lý - năm 1956 và 1972.

Nobel Y sinh 2021 vinh danh những phát hiện về các thụ thể nhiệt và xúc giác