Khai mạc phiên họp thứ 42 Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Thông qua nghị quyết về tổ chức nhiệm vụ quyền hạn và quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng

Các vị: Trương Vĩnh Trọng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ; Phạm Thế Duyệt, Chủ tịch Uỷ ban T.Ư MTTQ Việt Nam; Hà Mạnh Trí, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Nguyễn Văn Hiện, Chánh án Toà án nhân dân tối cao; đại diện Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước và các bộ, ban, ngành hữu quan đã dự.

Phiên họp này xem xét thông qua Nghị quyết về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và Quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; cho ý kiến về các dự án: Luật phòng, chống các bệnh truyền nhiễm; Pháp lệnh ký kết và thực hiện thoả thuận quốc tế; nghe báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm; cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 10, QH khoá XI…

Ngay sau khi khai mạc, Uỷ ban Thường vụ QH đã nghe Phó Chủ nhiệm Uỷ ban pháp luật của QH Nguyễn Văn Thuận trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và Quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Trên cơ sở đó, các thành viên Uỷ ban Thường vụ QH và nhiều đại biểu đã thảo luận về nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, chế độ làm việc của Ban chỉ đạo nói trên.

Theo Nghị quyết đã được thông qua, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng do Thủ tướng Chính phủ đứng đầu; có trách nhiệm chỉ đạo, phối hợp, kiểm tra, đôn đốc hoạt động phòng, chống tham nhũng trong phạm vi cả nước. Ban chỉ đạo chịu trách nhiệm trước Ban Chấp hành T.Ư Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ QH, Chủ tịch nước, Chính phủ về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình trong công tác phòng, chống tham nhũng theo đúng quy định của Hiến pháp và pháp luật.

Một trong những quyền hạn quan trọng của Ban chỉ đạo là Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban chỉ đạo ra quyết định tạm đình chỉ chức vụ Thứ trưởng và các chức vụ tương đương, Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Uỷ viên thường trực Hội đồng nhân dân, Chủ tịch, Phó Chủ tịch, các thành viên khác của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư và các chức vụ khác do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, cách chức khi người đó có dấu hiệu tham nhũng, gây khó khăn đối với hoạt động chống tham nhũng của các cơ quan, tổ chức (khoản 4 - Điều 5).

Về tổ chức, Ban chỉ đạo gồm: Trưởng ban chỉ đạo - Thủ tướng Chính phủ; Phó trưởng Ban chỉ đạo – Phó Thủ tướng Chính phủ và các uỷ viên: Uỷ viên thường trực, Tổng thanh tra Chính phủ, Bộ trưởng Công an, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án toàn án nhân dân tối cao, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban kiểm tra T.Ư, Phó trưởng Ban Nội chính T.Ư, Thứ trưởng Quốc phòng và Bộ trưởng Văn hoá thông tin. Ban chỉ đạo, Văn phòng Ban chỉ đạo có con dấu riêng theo quy định của pháp luật. Kinh phí hoạt động của Ban chỉ đạo là một khoản độc lập trong ngân sách Nhà nước.

 P.V