Dự thảo Luật được thông qua tại kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIII, sửa đổi, bổ sung 26 điều của Luật Phòng cháy, chữa cháy (PCCC) hiện hành, dự kiến có hiệu lực từ ngày 1-7-2014.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Nguyễn Kim Khoa cho biết, về đề nghị nghiên cứu, làm rõ nguyên nhân một số vụ cháy điển hình trong thời gian qua để điều chỉnh quy định trong Luật cho phù hợp, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra dự án Luật phối hợp với cơ quan soạn thảo rà soát kết quả khảo sát, tổng kết 10 năm thực hiện Luật PCCC và tình hình các vụ cháy, nổ thời gian vừa qua. Theo đó, hoàn thiện thêm một số quy định về các hành vi bị nghiêm cấm tại khoản 8 Điều 1 và người chỉ huy chữa cháy tại khoản 23 Điều 1, bổ sung quy định về số điện thoại báo cháy vào khoản 21 Điều 1 dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua; bổ sung khoản 5 Điều 1 dự thảo Luật quy định sửa đổi, bổ sung Điều 9 Luật hiện hành theo hướng bỏ quy định về thành lập doanh nghiệp nhà nước kinh doanh bảo hiểm cháy nổ cho thống nhất với Luật kinh doanh bảo hiểm và công khai danh mục các cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ phải mua bảo hiểm bắt buộc.
Về chế độ, chính sách đối với người tham gia chữa cháy (khoản 7 Điều 1), theo quy định của Luật hiện hành, Chính phủ đã hướng dẫn cụ thể và đang thực hiện có hiệu quả trên thực tế phù hợp từng nhóm đối tượng theo tính chất, thời gian hoạt động chữa cháy. Dự thảo Luật trình Quốc hội sửa đổi bổ sung trường hợp bị chết, bị thương, bị tổn hại sức khỏe để dễ áp dụng.
UBTVQH đã chỉ đạo sửa đổi, bổ sung mục 1 khoản 12 Điều 1 như dự thảo trình Quốc hội về phòng cháy đối với khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao. Về bổ sung quy định phòng cháy đối với khu kinh tế, UBTVQH nhận thấy, hiện nay có nhiều loại hình khu kinh tế, trong đó có những khu kinh tế bố trí trên phạm vi rộng gồm nhiều đơn vị hành chính nên quy định này thiếu khả thi. Trên thực tế, hoạt động PCCC trong khu vực này đều do chính quyền địa phương tổ chức theo đơn vị hành chính hoặc các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong khu kinh tế thực hiện theo quy định chung đối với các cơ sở.
Việc thành lập đội PCCC chuyên trách ở khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao đã được quy định trong Luật hiện hành nhưng nếu áp dụng cho tất cả các khu công nghiệp, khu chế xuất là khó khả thi. Vì vậy, UBTVQH đề nghị chỉ quy định tổ chức lực lượng PCCC phù hợp với phương án PCCC. Quy định thành lập đội PCCC chuyên trách nên có tiêu chí cụ thể, phù hợp thực tiễn. Dự thảo Luật giao Chính phủ quy định chi tiết tại mục 3 khoản 12 Điều 1.
Dự thảo luật trình Quốc hội cũng sửa đổi, bổ sung khoản 20 Điều 1 với đề nghị giao Bộ Công an quy định danh mục cơ sở, khu dân cư có nguy cơ cháy nổ cao; thẩm quyền phê duyệt phương án chữa cháy, quyết định thời hạn thực tập, luyện tập phương án PCCC.
Về xử lý các cơ sở không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy được đưa vào sử dụng trước khi Luật PCCC số 27/2001-QH10 có hiệu lực (khoản 33 Điều 1), dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua đã sửa đổi, bổ sung khoản này theo hướng giao Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định để bảo đảm linh hoạt trong việc xử lý, bảo đảm lộ trình phù hợp với thẩm quyền, điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của địa phương. Các cơ sở của các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn đều phải chấp hành các quy định của pháp luật nói chung và những quy định, yêu cầu của từng địa phương nói riêng.