Thống nhất thuật ngữ trong khởi nghiệp sáng tạo

Thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành các chủ trương, đường lối, chính sách định hướng cho đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo như: Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị, Kết luận số 69-KL/TW ngày 11/1/2024 của Bộ Chính trị, Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013, Luật Chuyển giao công nghệ năm 2017, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017, Nghị quyết số 81/2023/QH15 ngày 9/1/2023 của Quốc hội...
0:00 / 0:00
0:00
Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội. Ảnh: TRẦN HẢI
Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội. Ảnh: TRẦN HẢI

Đó là động lực để tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đến nay, hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia và hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia đã có bước phát triển mạnh mẽ, tạo ra nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh dựa trên nền tảng, thành tựu khoa học, công nghệ và hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia đã có đầy đủ các thành phần quan trọng.

Tuy nhiên, thực tiễn triển khai có một số vướng mắc cần được giải quyết kịp thời nhằm bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ, hiệu quả trong huy động các nguồn lực cho phát triển bền vững hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo nói riêng và hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia nói chung. Đó là hiện có hơn 30 tên gọi khác nhau và được sử dụng không thống nhất khi đề cập đến các tổ chức liên quan đến đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo trong các văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản hành chính. Mỗi tên gọi lại gắn với các cơ chế, chính sách khác nhau, thẩm quyền, tiêu chí, điều kiện khác nhau.

Lấy thí dụ, để chỉ đối tượng của hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, hiện có nhiều tên gọi như: Doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo; doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Các tổ chức trung gian hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo cũng xuất hiện dưới nhiều tên gọi khác nhau như: Tổ chức trung gian hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; tổ chức thúc đẩy kinh doanh; trung tâm hỗ trợ đổi mới sáng tạo; trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia; trung tâm đổi mới sáng tạo…

Nhiều nhà quản lý cho biết, việc dùng nhiều khái niệm cho một đối tượng như nêu trên là do chưa thống nhất nội hàm về đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo. Hậu quả là trong thực thi hoạt động chuyên môn và trong công tác quản lý nhà nước đã có các ứng xử chưa phù hợp, gây thiệt thòi cho các đối tượng của đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo đúng nghĩa.

Mới đây, một cán bộ quản lý khoa học cho biết, khi triển khai Nghị quyết 98/2023/QH15 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh trong đó có hỗ trợ miễn thuế cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, các tổ chức trung gian hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, cơ quan thuế chưa thể xác định được các tổ chức này vì chưa có quy định về điều kiện, tiêu chí, cơ quan có thẩm quyền công nhận các tổ chức đó.

Theo các chuyên gia, nhà quản lý, mặc dù có sự giao thoa, nhưng đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo là khác nhau. Đổi mới sáng tạo được hiểu là quá trình chuyển đổi từ tri thức, công nghệ thành sản phẩm cụ thể, là sự bước tiếp của hoạt động khoa học, công nghệ để đi vào thị trường. Đối tượng chính để thực hiện đổi mới sáng tạo là doanh nghiệp, doanh nhân. Còn khởi nghiệp sáng tạo có hoạt động chính là gọi vốn để đầu tư, tạo ra mô hình, sản phẩm mới, doanh nghiệp mới.

Do đó, để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ cần sớm xây dựng văn bản quy phạm pháp luật thống nhất khái niệm, nội hàm về đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo, từ đó, quản lý nhà nước thống nhất đối với các đối tượng liên quan.